Phóng to |
Những người biểu tình quá khích phá chuỗi cửa hàng Seibu của người Nhật ở Thâm Quyến - Ảnh: Reuters |
Kyodo ngày 17-9 dẫn nguồn tin từ chính quyền Tokyo cho biết Thủ tướng Nhật Yoshihiko Noda nói Tokyo sẽ đưa vấn đề tranh chấp quần đảo Senkaku ra Liên Hiệp Quốc (LHQ) vào cuối tháng 9-2012. Tại LHQ, ông Noda sẽ kêu gọi giải quyết tranh chấp lãnh thổ theo quy định của luật pháp quốc tế thay vì bằng các hành vi bạo lực, đe dọa. Các quan chức Chính phủ Nhật cho biết ông Noda muốn vận động sự ủng hộ của các nước khu vực vốn đang lo ngại về việc Trung Quốc không ngừng gây hấn trên biển.
Trung Quốc dọa trừng phạt kinh tế
"Điều quan trọng trong quan hệ Nhật - Trung là tránh hiểu nhầm và đánh giá sai" |
Truyền thông Trung Quốc vẫn tiếp tục giọng điệu hiếu chiến, đe dọa trừng phạt kinh tế đối với Nhật Bản. Nhân Dân Nhật Báo cảnh báo Nhật Bản có nguy cơ sẽ phải đối mặt với một thập kỷ trì trệ mới và có thể “phải chuẩn bị thụt lùi lại phía sau đến 20 năm” nếu Bắc Kinh quyết định trừng phạt. “Nếu Nhật tiếp tục gây hấn thì Trung Quốc sẽ gây chiến kinh tế. Nền kinh tế Nhật đang thiếu sức đề kháng do tăng trưởng yếu và thảm họa động đất” - tờ báo này lớn tiếng dọa.
Bắc Kinh là đối tác thương mại hàng đầu của Tokyo. Năm 2011, thương mại giữa hai nước đã tăng 14,3%, đạt mức kỷ lục 345 tỉ USD. Dù vậy, báo này cũng thừa nhận kinh tế Trung - Nhật phụ thuộc lẫn nhau, do đó trừng phạt kinh tế “sẽ là con dao hai lưỡi đối với Trung Quốc”. Cục Thống kê Trung Quốc cho biết năm 2011, Nhật đã đầu tư số tiền khổng lồ 342,9 tỉ USD vào Trung Quốc.
Tính đến nay, biểu tình chống Nhật đã lan rộng ra 85 tỉnh thành ở Trung Quốc. Ngày 17-9, các phần tử quá khích vẫn tràn vào đập phá cửa hàng, nhà máy và các cơ sở của người Nhật ở Trung Quốc. Chính quyền các địa phương Trung Quốc không có lời giải thích thỏa đáng nào cho tình trạng quá khích, đập phá tài sản của người Nhật và tại sao lực lượng công an không thể dẹp được các đám đông quá khích này. Giọng điệu chung chỉ là “có nhiều phần tử xấu đã lợi dụng tuần hành hòa bình trà trộn vào để gây rối”.
Trong khi đó, tàu cá Trung Quốc tràn ngập biển Hoa Đông. Theo Tân Hoa xã, chính quyền Trung Quốc tuyên bố lúc 12g ngày 16-9, hơn 1.000 tàu cá của các tỉnh Chiết Giang, Phúc Kiến đã hướng thẳng đến biển Hoa Đông và tối 17-9 tới vùng biển gần quần đảo Điếu Ngư/Senkaku. Phần lớn các tàu này đều là tàu công suất lớn và chuyên đánh bắt xa bờ. Đây là một động thái mà Bắc Kinh thường thực hiện mỗi khi có căng thẳng vì tranh chấp biển đảo với các nước láng giềng. Cùng đi với 1.000 tàu cá này có thể có sáu tàu hải giám Trung Quốc, vốn vẫn đang lưu lại các vùng biển lân cận kể từ khi nhóm tàu này đi vào vùng biển Nhật Bản gần quần đảo tranh chấp hôm 14-9.
Các tập đoàn Nhật ở Trung Quốc ngừng hoạt động
Các tập đoàn kinh tế Nhật đã bắt đầu có phản ứng với những hành vi đập phá, hôi của của dân Trung Quốc ở các nhà máy của họ tại nước này.
Theo Kyodo News, Tập đoàn điện tử Panasonic đã tạm ngưng hoạt động sản xuất ở các nhà máy tại Thanh Đảo. Hãng máy ảnh và máy in Canon cũng quyết định ngừng hoạt động ba trong bốn nhà máy chính ở Trung Quốc. “Rõ ràng chúng ta thấy các công ty Nhật đã bị ảnh hưởng trực tiếp từ các cuộc biểu tình ở Trung Quốc” - báo Wall Street Journal dẫn lời chuyên gia kinh tế Shaun Rein thuộc Hãng China Market Research Group bình luận.
Giới chuyên gia dự báo phía Nhật có thể hạn chế đầu tư vào Trung Quốc. Trong thời gian qua, giá lao động ở Trung Quốc đã bắt đầu tăng nhanh, khiến nước này dần đánh mất lợi thế nhân công giá rẻ so với các quốc gia khác trong khu vực. Nếu Chính phủ Trung Quốc tiếp tục khoanh tay để các nhóm biểu tình tự tung tự tác thì các công ty Nhật sẽ tính đến việc dời sang các quốc gia khác.
“Các công ty Nhật có thể sẽ xem xét mở rộng sản xuất ở các quốc gia châu Á khác, những nước chào đón đầu tư từ Nhật - chuyên gia Shaun Rein dự báo - Khi đó, sự tăng trưởng của Trung Quốc chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng. Quan hệ thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất châu Á sẽ bị tổn hại”.
Mỹ kêu gọi Nhật - Trung tránh xung đột Báo Japan Times cho biết Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Leon Panetta đang ở thăm Nhật kêu gọi hai bên kiềm chế để tránh xảy ra xung đột trên biển Hoa Đông và giải quyết căng thẳng thông qua các nỗ lực ngoại giao. Ông Panetta và các nhà lãnh đạo Nhật cũng nhấn mạnh chủ quyền của Nhật đối với quần đảo Senkaku được bảo vệ trong khuôn khổ Hiệp ước an ninh Nhật - Mỹ. Đến Trung Quốc vào chiều 17-9, ông Panetta, như Tân Hoa xã cho biết, đã gặp Bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt. Chuyên gia Kenneth Liberthal thuộc Viện Brookings nhận định ông Panetta chắc chắn đã đưa vấn đề Senkaku ra thảo luận với ông Lương. Bộ trưởng quốc phòng Mỹ cũng trấn an giới lãnh đạo Bắc Kinh rằng kế hoạch “tái cân bằng lực lượng” của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương không nhằm kiềm chế Trung Quốc. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận