Trong cơ sở sản xuất máy scan CT y tế của Trung Quốc ở TP Shenyang, tỉnh Liêu Ninh. Quốc hội Mỹ đã quyết định ngăn chặn tiền đầu tư của Trung Quốc vào các ngành công nghệ cao của Mỹ - Ảnh: REUTERS
Những tưởng đã có lúc hai bên bắt tay cùng chôn chiếc búa chiến tranh nhưng đó chỉ là một bước đi hòa hoãn trong khi "chờ xem thế nào".
Trong giai đoạn chờ xem các hành động thực tế của đối phương, cả hai bên đều liên tục tuyên bố thực thi các biện pháp đánh thuế nhằm tìm lợi thế trong các cuộc điều đình tiếp theo.
Trong bài viết sáng nay (27-6), tờ Hoàn cầu Thời báo của Trung Quốc lại lên tiếng cho biết Bắc Kinh phải thực thi "các biện pháp tự vệ" chống lại việc áp thuế của Washington thông qua việc hỗ trợ các doanh nghiệp và ngành công nghiệp bị ảnh hưởng do các căng thẳng thương mại đang diễn ra.
Tờ báo bản tiếng Anh của đảng Cộng sản Trung Quốc cho rằng các công ty công nghệ Trung Quốc đặc biệt bị tổn hại vì các biện pháp bất công của Mỹ và "trở thành nạn nhân của cuộc chiến thương mại của ông Trump".
Đây là phản ứng cấp thời ngay sau thông tin phía Mỹ thực thi các biện pháp giới hạn đầu tư của nước ngoài (nhưng được hiểu chủ yếu nhắm vào Trung Quốc) vào các công ty công nghệ của Mỹ.
Biện pháp do Bộ Tài chính Mỹ đưa ra qui định hạn chế đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực "công nghệ chính của Mỹ" ở mức sở hữu dưới 25%.
Bộ Thương mại Trung Quốc đã tuyên bố sẽ đánh giá mức thiệt hại tiềm năng đối với các doanh nghiệp Trung Quốc sau các biện pháp ngăn chặn của Mỹ, dù không nói rõ thêm chi tiết.
Trong khi đó, tờ Hoàn cầu Thời báo nêu rõ trong bài viết sáng nay: "Nếu tập đoàn ZTE và những doanh nghiệp khác phải hứng chịu hệ quả từ cuộc chiến thương mại của Trung thì đây sẽ là những doanh nghiệp đầu tiên được chính phủ hỗ trợ".
Thị trường chứng khoán toàn cầu đã có những phen bấn loạn mấy ngày qua. Trong ảnh là ngày giao dịch 25-6 ở sàn New York (Mỹ) - Ảnh: REUTERS
Thị trường chứng khoán toàn cầu hiện đang rất hồi hộp trước nguy cơ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và Mỹ - châu Âu đang diễn biến căng thẳng.
Nhà phân tích thị trường Craig Erlam nhận định: "Sự leo thang rõ ràng trong những ngày qua đã khiến các nhà đầu tư bất an và đặt dấu chấm hết cho thời gian tăng trưởng của thị trường chứng khoán Mỹ kéo dài từ đầu tháng 5".
Theo ông, mặc dù chứng khoán Trung Quốc bị ảnh hưởng mạnh hơn song các doanh nghiệp Mỹ rõ ràng không hề miễn dịch với cuộc chiến tranh thương mại và có thể sẽ phải chịu áp lực lớn hơn nữa nếu hai nước không đạt được thỏa thuận.
Tuy nhiên, bất chấp sắc đỏ lan tràn khắp các thị trường, nhiều nhà quan sát vẫn hoài nghi về khả năng xảy ra một cuộc chiến tranh thương mại.
Ông Alan Skrainka - chuyên gia đầu tư của Cornerstone Wealth Management đưa ra lời khuyên cho các khách hàng là "lùi ra khỏi những ồn ào" này, và sau đó "những cái đầu lạnh sẽ chiếm ưu thế và hai bên sẽ đạt được một thỏa thuận".
Cũng trong bài xã luận sáng nay, tờ Nhân dân Nhật báo của Trung Quốc cho rằng các doanh nghiệp và công nhân sẽ sớm "nhận lấy nỗi đau" do chính sách của ông Trump gây ảnh hưởng đến chuỗi sản xuất toàn cầu.
Trước đó, trong cuộc họp báo ngày 19-6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng từng cảnh báo Mỹ cần thể hiện sự lý trí hơn trong vấn đề thương mại và phải dừng việc làm xói mòn những lợi ích của các nước khác cũng như của chính nước này.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định lập trường của Bắc Kinh là "không muốn cuộc chiến thương mại song cũng không sợ điều này".
Ông nhấn mạnh rằng Bắc Kinh sẽ tiếp tục có những biện pháp hiệu quả để bảo vệ những lợi ích quốc gia và người dân nước này, cũng như mạnh mẽ ủng hộ toàn cầu hóa kinh tế và hệ thống thương mại đa phương.
Tuyên bố được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố, hôm 15-6, danh sách các mặt hàng tổng trị giá 50 tỉ USD của Trung Quốc bị áp mức thuế 25% với cáo buộc Bắc Kinh vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, đồng thời cảnh báo sẽ áp thuế bổ sung nếu Trung Quốc dùng các biện pháp trả đũa.
Ngay sau đó, Bắc Kinh có động thái trả đũa bằng cách áp thuế tương tự lên số hàng Mỹ có cùng trị giá, qua đó đưa hai nước tiến gần hơn một cuộc chiến thương mại mà theo dự đoán sẽ gây tổn hại cho kinh tế toàn cầu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận