Đây là một đoạn đường sắt đã hoàn thành, nối giữa Thành Đô và Nhã An thuộc tỉnh Tứ Xuyên - Ảnh: Nikkei
Theo tờ Nikkei Asia của Nhật, Trung Quốc đã bắt tay khởi công tuyến đường sắt dài 1.800km nối thành phố Lhasa thuộc khu tự trị Tây Tạng và Thành Đô - thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên nằm ở tây nam đại lục.
Công trình khổng lồ này dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2030 - tức chỉ mất gần 10 năm xây dựng.
Theo truyền thông Trung Quốc, với tổng vốn đầu tư 319,8 tỉ nhân dân tệ (gần 50 tỉ USD), tuyến đường sắt Tây Tạng là dự án hạ tầng lớn nhất Trung Quốc đến thời điểm này.
Để so sánh, đập Tam Hiệp - công trình thủy điện công suất lớn nhất thế giới trên sông Trường Giang - cũng chỉ có mức đầu tư 250 tỉ nhân dân tệ (tỉ giá hiện tại tương đương gần 39 tỉ USD).
Hiện tại, những ai muốn đi từ Thành Đô đến Lhasa bằng tàu cần phải lòng vòng qua tỉnh Cam Túc và Thanh Hải - một hành trình mất đến 40 giờ. Tuyến đường sắt nối trực tiếp, với vận tốc khoảng 120-200 km/h, có thể giúp giảm thời gian còn hơn 10 giờ.
Bắc Kinh được cho là muốn thúc đẩy du lịch và phát triển kinh tế cho Tây Tạng để giữ cho khu vực này ổn định, ngoài ra là tiếp cận được nguồn khoáng sản khổng lồ như đồng, lithium...
Dự án đường sắt nối Tứ Xuyên và Tây Tạng thật ra đã được thai nghén từ thời Tôn Trung Sơn - nhà lãnh đạo đóng vai trò quan trọng trong cuộc Cách mạng Tân Hợi năm 1911 lật đổ triều đại nhà Thanh và khai sinh ra Trung Hoa Dân Quốc.
Một đoạn đường sắt nối giữa đô thị Thành Đô và Nhã An ở Tứ Xuyên hiện đã hoàn thành sớm nhờ địa hình bằng phẳng, những đoạn khác nằm trên địa phận Tây Tạng thì đang được xây dựng.
Song song với đường sắt, Trung Quốc còn đang cho xây một loạt thủy điện trên sông Yarlung Tsangpo thuộc Tây Tạng. Số công trình này sẽ tạo ra đến 60 gigawatt điện, gấp 3 lần đập Tam Hiệp.
Tuy nhiên, giới quan sát nhận xét những dự án trên sẽ làm nước láng giềng Ấn Độ không hài lòng, nhất là trong bối cảnh Ấn - Trung đang có xung đột biên giới. Sông Yarlung Tsangpo lại chảy vào Ấn Độ, các công trình trên sông này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hạ nguồn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận