Buổi tốt nghiệp ở ĐH Southern California tại TP Los Angeles. Trường USC được cho là đã nhận tài trợ từ Dipont - Ảnh: Reuters |
“Thật xấu hổ cho những cán bộ tuyển sinh thuộc các trường tốp đầu mà lại đi nhận tiền của Dipont, trong bối cảnh gian lận khi nhập học quá phổ biến ở Trung Quốc |
Philip G. Altbach (giám đốc trung tâm giáo dục quốc tế bậc cao thuộc ĐH Boston, Mỹ) |
Dipont Education Management Group (Dipont) là công ty có trụ sở tại Thượng Hải chuyên làm dịch vụ cho học sinh Trung Quốc muốn học ĐH ở Mỹ, như luyện thi SAT (bài thi đầu vào ĐH của Mỹ) và tư vấn du học. Phí tư vấn có thể lên đến 32.500 USD cho mỗi học sinh và “doanh thu hằng năm của Dipont vào khoảng 30 triệu USD” - ông Benson Zhang, nhà sáng lập và giám đốc điều hành Dipont, khoe với Reuters.
Tuy nhiên, tám cựu nhân viên của Dipont đã lên tiếng tố cáo công ty cũ và cung cấp chi tiết về cách mà công ty này “đi đêm” với cán bộ tuyển sinh của nhiều trường ĐH Mỹ và mua chuộc họ bằng tiền hoặc quà tặng để đảm bảo một suất nhập học cho khách hàng của mình.
Reuters cho biết Dipont phủ nhận các cáo buộc trên, nhưng không giấu giếm đã thiết lập quan hệ với khoảng 20 trường ĐH ở Mỹ, gồm nhiều trường nổi tiếng như Vanderbilt, Wellesley và Virginia.
Chiêu thức “tư vấn du học”
Kể từ năm 2014 đến nay, cứ vào tháng 7 cán bộ tuyển sinh của các trường có quan hệ với Dipont được mời sang Trung Quốc để tham gia các buổi hội thảo tư vấn du học kéo dài đến tám ngày, đổi lại họ sẽ nhận vé máy bay hạng thương gia (hoặc hạng phổ thông kèm 4.500 USD “tiền bồi dưỡng”) từ Dipont.
Học sinh Trung Quốc sẽ trả phí tham dự cho Dipont để được nghe người từ Mỹ chia sẻ cách nộp đơn, cách viết bài luận nhập học và thậm chí phỏng vấn trực tiếp với nhân viên của trường tại hội thảo.
Đại diện sáu trường ĐH (Carleton, Hamilton, Lafayette, Rensselaer, Tulane và Vermont) xác nhận với Reuters cán bộ tuyển sinh của họ đã nhận tiền bồi dưỡng để tham gia các buổi hội thảo của Dipont. Trong khi đó, chính các nhân viên phụ trách tuyển sinh của hàng loạt trường khác (Vanderbilt, Wellesley, Pomona, Virginia, Indiana, Colgate và California-Berkeley) cũng xác nhận có nhận tiền để đến Thượng Hải.
Đại diện các trường khác có tham gia “tư vấn” ở Trung Quốc gồm: Claremont McKenna, Colorado, Davidson, Syracuse, Texas Christian và Wesleyan từ chối bình luận hoặc không trả lời khi Reuters liên hệ. Các trường ĐH Mỹ có tham gia chương trình của Dipont nói việc tổ chức hội thảo tư vấn cho học sinh là bình thường, và khẳng định các học sinh trả tiền cho Dipont “không nhận được ưu ái gì”.
Tuy nhiên, ông Joy St. John, trưởng ban tuyển sinh ĐH Wellesley, cho biết một cán bộ của trường đã tham gia tư vấn cho khách hàng của Dipont và một trong số các học sinh này sau đó đã đậu vào trường. Trường hợp của học sinh này được Dipont dùng trong các mẩu quảng cáo để khẳng định tính hiệu quả của chương trình “tư vấn du học”.
Ông John nói rõ cán bộ trường ông không nhận tiền của Dipont, vì “chúng tôi chỉ làm công việc của mình” song có nhận vé máy bay để đến Thượng Hải. Vẫn có những trường từ chối thẳng thừng.
Ông Daniel Grayson, cựu cán bộ tuyển sinh ĐH Tufts, kể với Reuters rằng ông được Dipont mời tham gia hội thảo với thù lao 6.000 USD kèm vé máy bay, phí ăn ở. “Tôi đã từ chối vì quan ngại về danh tiếng cũng như vấn đề đạo đức của Dipont” - ông Grayson xác nhận.
Theo luật của Mỹ, cán bộ tuyển sinh các trường ĐH được nhận chi phí đi lại khi đến tư vấn tại các trường phổ thông trong nước.
“Nhưng họ không được nhận tiền để tuyển thẳng học sinh vào trường” - ông Louis Hirsh, chủ tịch ủy ban tuyển sinh thuộc Hiệp hội tư vấn tuyển sinh quốc gia Mỹ, cho biết. Tuy nhiên, quy định này lại không nêu rõ nếu một công ty nước ngoài trả tiền cho các cán bộ tuyển sinh Mỹ thì sao, ông Hirsh thừa nhận.
Vỏ bọc tài trợ
Năm 2009, theo yêu cầu của giám đốc Zhang, hai nhân viên tư vấn người Mỹ đang làm cho Dipont thành lập Hội đồng Giáo dục và văn hóa Mỹ (CACE) và đăng ký dưới dạng tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại New York. CACE được xem là công cụ để Dipont tiếp cận các trường ĐH Mỹ. Ngoài ra, Dipont cũng chi trả tiền “bồi dưỡng” cho các cán bộ tuyển sinh Mỹ thông qua CACE.
Điều đáng chú ý là Zhang cũng thông qua CACE để đóng góp tài trợ cho Trung tâm nghiên cứu, chính sách và thực hành tuyển sinh - một sáng kiến của ĐH Southern California (USC), với ít nhất 10 trường khác gồm các ĐH uy tín như Stanford, MIT, Duke và Columbia, nhằm xây dựng cơ chế xác minh các thông tin nhập học từ Trung Quốc để tránh gian lận. Số tiền được biết lên đến 750.000 USD.
Năm 2014, tám trường trong nhóm này đã đến Bắc Kinh để tham dự buổi hội thảo do Dipont tài trợ, và công ty Trung Quốc này cũng “bao” phí tổ chức cho vài cuộc gặp tương tự ngay tại Mỹ.
Sau chuyến đi Bắc Kinh của các trường tốp đầu nói trên, ông Bruce Hammond, cựu nhân viên Dipont, đã gửi mail cho các trường này để cảnh báo: “Dipont là một trong các “tổng công trình sư” của hệ thống lừa đảo và gian lận trong việc nộp đơn vào các trường ĐH Mỹ”.
Trường USC cho biết đang xác minh thông tin từ ông Hammond, song cho rằng Dipont “là một đối tác giá trị và tin cậy”.
Được chính một trường ĐH Mỹ uy tín bảo vệ, ông Zhang tự tin phủ nhận các cáo buộc liên quan đến đường dây chạy trường của Dipont. “Nhiều trường, học sinh (Trung Quốc) và các trường ĐH nước ngoài xem chúng tôi là một trong những công ty có đạo đức tốt nhất ở Trung Quốc” - ông Zhang tự hào khoe.
Theo điều tra của Reuters, ngoài các dịch vụ “chính quy”, Dipont còn có bộ phận viết thư giới thiệu giả, làm bài luận đầu vào thay cho khách hàng, thậm chí là sửa bảng điểm để làm đẹp hồ sơ của các học trò Trung Quốc trước khi nộp cho trường Mỹ. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận