21/04/2016 16:34 GMT+7

Trung Quốc "để mắt" đến tuyến hàng hải qua Bắc cực

TRẦN PHƯƠNG
TRẦN PHƯƠNG

TTO - Cơ quan an toàn hàng hải Trung Quốc (MSA) vừa ra bản định hướng về các lộ trình hàng hải qua Bắc cực, tuyến giao thông có tiềm năng lớn từ tình trạng tan băng do biến đổi khí hậu, dù không có tuyên bố chủ quyền tại đây.

Tình trạng tan băng ở Bắc Cực tạo ra cơ hội cho tuyến hàng hải qua khu vực này - Ảnh: Guardian
Tình trạng tan băng ở Bắc Cực tạo ra cơ hội cho tuyến hàng hải qua khu vực này - Ảnh: Guardian

“Các thuyền mang cờ Trung Quốc sẽ đi qua tuyến này trong tương lai - tờ China Daily dẫn lời người phát ngôn Liu Pengfei của MSA nói nhưng không nêu rõ thời gian nào - Một khi lộ trình này trở nên thông dụng, nó sẽ thay đổi vận tải hàng hải toàn cầu và có ảnh hưởng to lớn đến thương mại quốc tế, kinh tế thế giới, dòng chảy vốn và khai thác tài nguyên”.

Lộ trình hàng hải qua Bắc cực vốn phủ băng hầu hết thời gian trong năm nhưng sự ấm lên toàn cầu đang khiến tuyến hàng hải này trở nên dễ tiếp cận hơn.

Bảng định hướng dài 365 trang bằng tiếng Trung của MSA công bố ngày 5-4 cung cấp thông tin tỉ mỉ, với các hải đồ và báo cáo về tình trạng băng, của tuyến lộ trình hành lang Tây Bắc đi theo bờ biển phía bắc của Bắc Mỹ qua quần đảo bắc cực thuộc Canada. 

Tuyến đường này được cho rút ngắn 30 quãng đường nối Thái Bình Dương và Đại Tây Dương so với tuyến qua kênh đào Panama.

“Bắc Kinh nhìn thấy đây là cơ hội để định hình lại dòng chảy thương mại toàn cầu” - tờ Guardian viết.

Wu Yuxiao, quan chức hàng hải của Trung Quốc giúp soạn thảo bản định hướng, khẳng định lộ trình này có tầm quan trọng chiến lược với Bắc Kinh.

“Nhiều nước đã nhận ra những giá trị tài chính và chiến lược của hành lang Bắc Băng Dương và Trung Quốc cũng rất chú ý đến nó” - ông Wu nói.

MSA cho biết sẽ sớm ra các bản định hướng cho việc đi lại qua các hành lang khác như Nam cực, eo biển Malacca, kênh đào Suez và Panama.

Vùng nội thủy hay quốc tế?

Dù là tuyến hàng hải tiềm năng nhưng việc khai thác hành lang Tây Bắc khó diễn ra nhanh chóng do thiếu cơ sở hạ tầng, viễn thông, cứu hộ và thời tiết thất thường.

Ngoài ra, phần lớn hành lang Tây Bắc nằm trong các vùng nước mà Canada tuyên bố chủ quyền. Rob Huebert, giáo sư Đại học Calgary của Canada, cho biết việc Bắc Kinh khuyến khích tàu qua hành lang này sẽ đặt ra thách thức lớn cho Ottawa về vấn đề chủ quyền.

Khi được hỏi liệu Trung Quốc coi đây là vùng nước quốc tế hay thuộc chủ quyền của Canada, người phát ngôn bộ ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói dù Canada nói đây là vùng biển của mình, nhưng nhiều nước khác trên thế giới lại cho rằng đây là vùng biển quốc tế.

Reuters dẫn lời bộ trưởng ngoại giao Stephane Dion của Canada phủ nhận tuyên bố của Bắc Kinh.

“Chúng tôi hoan nghênh việc đi lại tuân theo luật và quy định của chúng tôi. Canada có quyền kiểm soát các vùng nội thủy của mình” - ông Dion cho biết.

Ngoài ra, việc các tàu của Trung Quốc, dù là tàu hàng, đi qua hành lang Bắc cực chắc chắn sẽ khiến Mỹ khó chịu. Tháng 9-2015, Mỹ lần đầu tiên phát hiện năm tàu hải quân Trung Quốc đi trong hải phận quốc tế ở biển Bering ngoài khơi Alaska.

TRẦN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp