19/09/2014 06:00 GMT+7

Trung Quốc đầu tư vào Ấn Độ gấp ba lần Nhật

ĐÔNG PHƯƠNG
ĐÔNG PHƯƠNG

TT - Đến Ấn Độ lần này, ông Tập Cận Bình mang theo các khoản đầu tư trị giá hàng tỉ USD trong các lĩnh vực đường sắt, khu công nghiệp và năng lượng.

Chủ tịch Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Sri Lanka Mahinda Rajapaksa trong buổi lễ  công bố dự án xây dựng cảng tại thủ đô Colombo ngày 17-9 - Ảnh: Reuters
Chủ tịch Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Sri Lanka Mahinda Rajapaksa trong buổi lễ công bố dự án xây dựng cảng tại thủ đô Colombo ngày 17-9 - Ảnh: Reuters

Sau cái bắt tay nồng ấm với Thủ tướng Nhật Shinzo Abe cùng hàng loạt dự án trị giá hàng tỉ USD, thủ tướng Ấn Độ tiếp tục đón người láng giềng Trung Quốc với mong muốn tìm kiếm mối quan hệ thương mại thúc đẩy tăng trưởng.

Tờ The Hindu cho biết chủ tịch Trung Quốc được chào đón tại thành phố Ahmedabad (bang Gujarat) với các băngrôn viết bằng ba thứ tiếng Trung, Gujarati, Anh.

Tại đây, ông Tập Cận Bình sẽ đến thăm nơi ở của Gandhi và tham dự tiệc sinh nhật thứ 64 của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi trong một căn lều sang trọng bên bờ sông.

Đến Ấn Độ lần này, ông Tập Cận Bình mang theo các khoản đầu tư trị giá hàng tỉ USD trong các lĩnh vực đường sắt, khu công nghiệp và năng lượng.

Cạnh tranh với Nhật

Tổng lãnh sự Trung Quốc tại Mumbai Lưu Hữu Pháp tiết lộ với tờ Times Of India rằng ông Tập sẽ đem đến Ấn Độ khoản đầu tư trị giá 100 tỉ USD - gấp ba lần con số Nhật Bản đưa ra hồi đầu tháng 9.

“Có thể thấy được mục đích chuyến thăm Ấn Độ của ông Tập Cận Bình qua đoàn tùy tùng đông đảo, bao gồm nhiều bộ trưởng cấp cao, chủ tịch các ngân hàng và tập đoàn thương mại hàng đầu” - AFP dẫn lời ông Singhal, chuyên gia của tổ chức tư vấn chính sách đối ngoại Gateway House ở New Delhi.

Trung Quốc khẳng định sẵn lòng hỗ trợ Ấn Độ trong ngành công nghiệp chế tạo và xây dựng cơ sở hạ tầng. Trung Quốc hoan nghênh các doanh nghiệp Ấn Độ đến Trung Quốc đầu tư trong các lĩnh vực mà Ấn Độ có thế mạnh như công nghệ thông tin, dược phẩm...

“Sự kết hợp giữa “công trường thế giới” và “cường quốc dịch vụ hỗ trợ văn phòng thế giới” sẽ tạo thành nơi có sức cạnh tranh lớn nhất và thị trường tiêu thụ hấp dẫn nhất” - ông Tập khẳng định với truyền thông Ấn Độ.

Hai bên cho biết sẽ tập trung vào các dự án hợp tác năng lượng hạt nhân và đầu tư vào việc cải tổ hệ thống đường sắt xuống cấp tại Ấn Độ cùng với dự án khu công nghiệp do Trung Quốc đầu tư.

Theo Tân Hoa xã, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ, kim ngạch thương mại hai chiều Trung - Ấn đạt khoảng 70 tỉ USD hằng năm.

Tuy nhiên, số liệu từ nhà chức trách Ấn Độ cho thấy thâm hụt thương mại với Trung Quốc đã tăng từ 1 tỉ USD năm 2001-2002 lên đến hơn 40 tỉ USD trong những năm gần đây.

Chuyến đi lần này của ông Tập còn nhằm mục đích xoa dịu New Delhi về con số thâm hụt thương mại khổng lồ này.

Dang tay nhưng vẫn dè chừng

Mặc cho các tuyên bố cứng rắn trước đó, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cũng thể hiện mong muốn xây dựng mối quan hệ khăng khít hơn với Bắc Kinh sau khi nắm chính quyền vào tháng 5-2014.

Trong cuộc gặp với ông Tập Cận Bình tại Brazil hồi tháng 7, Thủ tướng Modi đã kêu gọi Bắc Kinh đẩy mạnh đầu tư tại Ấn Độ.

Trên cương vị thủ hiến bang Gujarat, ông Modi từng năm lần đến thăm Trung Quốc, nhiều hơn đến bất kỳ quốc gia nào khác. Ông cũng đánh giá cao sự tăng trưởng của nền kinh tế thứ hai thế giới.

Theo BBC, Thủ tướng Modi, người được gọi là “Nixon của Ấn Độ”, cũng được giới chuyên gia nhận định đang tìm mọi cách tăng cường mối quan hệ với Nhật Bản nhằm gây áp lực cho Trung Quốc.

Bản thân Trung Quốc cũng muốn thắt chặt mối quan hệ với láng giềng miền tây trong thời điểm căng thẳng tranh chấp trên biển với Nhật và các nước Đông Nam Á đang tăng cao.

Tuy nhiên, cần thấy rằng Ấn Độ là điểm dừng chân thứ ba trong chuyến thăm Nam Á (Maldives, Sri Lanka và Ấn Độ) của Chủ tịch Tập Cận Bình.

Trước khi đến Ấn Độ, ông Tập đã ký hàng loạt hợp đồng đầu tư, trong đó có dự án cảng trị giá 1,5 tỉ USD với Sri Lanka, tạo một chỗ đứng vững chãi cho Bắc Kinh ở Ấn Độ Dương.

Chính điều này khiến giới quan sát tại New Delhi lo ngại Trung Quốc chủ tâm hiện diện thường xuyên tại khu vực Nam Á nhằm tạo thành một “chuỗi ngọc trai” bao quanh Ấn Độ - đối thủ lâu đời của Bắc Kinh.

Vì vậy trước khi ông Tập đến Ấn Độ, Thủ tướng Modi đã phát đi một tín hiệu rõ ràng: New Delhi xem Trung Quốc như một đối thủ và chính quyền Modi sẽ theo đuổi một chính sách ngoại giao cứng rắn hơn Đảng Quốc đại.

Vẫn xâm phạm biên giới

Tờ Hindustan Times cho biết chỉ cách đây một tuần, hơn 200 binh sĩ của Trung Quốc đã xâm nhập khu vực mà Ấn Độ tuyên bố chủ quyền ở Ladakh và chuẩn bị xây dựng một con đường dài 2km ở đây.

Thậm chí một ngày trước chuyến thăm của ông Tập Cận Bình, New Delhi còn tuyên bố sẽ thắt chặt an ninh trên đường biên giới dài 3.500km với Trung Quốc.

Chính quyền Ấn Độ còn hủy bỏ lệnh cấm xây dựng tại khu vực tranh chấp với Trung Quốc và cho phép quân đội Ấn Độ làm các con đường và cơ sở hạ tầng tại khu vực tranh chấp.

Theo giới quan sát, động thái này của Ấn Độ nhằm thu hẹp khoảng cách với mạng lưới giao thông khang trang của Trung Quốc và thể hiện lập trường mạnh mẽ hơn về vấn đề chủ quyền.

ĐÔNG PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp