03/07/2010 08:00 GMT+7

Trung Quốc đầu tư cho quyền lực mềm

HẠNH NGUYÊN (Theo Tân Hoa xã, WSJ, China Daily)
HẠNH NGUYÊN (Theo Tân Hoa xã, WSJ, China Daily)

TT - Đầu tư cho truyền thông để cải thiện hình ảnh đất nước là một chủ trương lớn mà Bắc Kinh lặng lẽ tiến hành những năm qua.

56wjfvDK.jpgPhóng to
Giới thiệu CNC World, kênh truyền hình bằng tiếng Anh tại cuộc họp báo ở Bắc Kinh ngày 1-7 - Ảnh: AP

CNC World thuộc Tập đoàn mạng lưới tin tức Tân Hoa Trung Quốc (The China Xinhua News Network Corp) là kênh truyền hình tiếng Anh mới nhất của Tân Hoa xã vừa chính thức ra mắt hôm 1-7. Các chuyên gia truyền thông nhận định sự kiện mở rộng này của truyền thông Trung Quốc rất đáng lưu tâm, nhất là trong bối cảnh giới truyền thông thế giới lao đao vì kinh tế suy giảm, quảng cáo kém, thu hẹp hoạt động, đóng cửa văn phòng, sa thải nhân viên.

Tại lễ ra mắt được tổ chức ở Bắc Kinh, giám đốc của Tân Hoa Xã Lý Tòng Quân cho biết CNC World sẽ “thể hiện tầm nhìn quốc tế với góc nhìn của Trung Quốc”.

Cải thiện hình ảnh bằng truyền thông

Các nhà quan sát nhận định đây là bước đi của Trung Quốc trong quá trình đầu tư nhiều tỉ USD để tìm kiếm và khẳng định vị trí bằng quyền lực mềm thông qua truyền thông. Giới chức trách hi vọng việc mở rộng các kênh truyền thông bằng tiếng nước ngoài sẽ giúp thúc đẩy hình ảnh Trung Quốc và thể hiện quan điểm với các vấn đề Trung Quốc và quốc tế tới các đối tượng rộng rãi hơn, sau cùng là sẽ thách thức vị trí thống lĩnh của các tập đoàn như BBC (Anh) hay CNN (Mỹ).

Trước những đồn đoán rằng kênh mới sẽ chịu kiểm duyệt chặt chẽ, các lãnh đạo của đài tuyên bố sẽ giữ tính khách quan nhất định: “Chúng tôi là một kênh truyền hình tin tức, không phải là trạm tuyên truyền”.

Chính phủ Trung Quốc đang rất quan tâm tới việc làm thế nào để “chỉnh lại” các thông tin từ truyền thông bên ngoài lãnh thổ mà họ cho rằng phiến diện về đất nước Trung Quốc, đặc biệt sau những bất ổn ở Tây Tạng vừa qua. Trung Quốc cũng đầu tư số tiền khổng lồ vào Olympic Bắc Kinh 2008 và Triển lãm thế giới Thượng Hải 2010, xây hàng loạt học viện Khổng Tử để quảng bá văn hóa và ngôn ngữ Trung Hoa.

Mặc dù CCTV đã có kênh tiếng Anh, gần đây có cả tiếng Ả Rập và tiếng Nga, các nhà chức trách tin rằng nếu tạo ra các kênh cạnh tranh sẽ nâng chuẩn của các chương trình. Năm ngoái, Trung Quốc cũng chứng kiến sự ra đời của tờ báo tiếng Anh Global Times để cạnh tranh với tờ China Daily (Trung Quốc Nhật Báo).

Tuy nhiên, việc kiếm lại nguồn thu như thế nào vẫn chưa chắc chắn. Giáo sư Lý Hi Quang từ Trường Báo chí của Đại học Thanh Hoa cho rằng CNC World sẽ khó tồn tại lâu dài, vì người xem của đại lục sẽ không xem kênh tiếng Hoa của Tân Hoa xã do chính quyền đang bảo vệ sự tồn tại của đài nhà nước CCTV.

Năm ngoái, CCTV đã bắt đầu phát 24/7 đến 22 quốc gia nói tiếng Ả Rập tới gần 300 triệu người xem. “Nếu không có người xem là người Trung Quốc sẽ không có quảng cáo. Chất lượng bản tin sẽ đòi hỏi cần phóng viên giỏi, mà như vậy thì cần lương cao và chi phí cao đi kèm. Ngoài ra, kênh này cũng không thể tiến bộ hơn vì không có cạnh tranh” - GS Lý Hi Quang nhận định.

Ngoài ra, CNC World cũng sẽ không thể cạnh tranh với BBC hay CNN vì các kênh kia tập trung nhiều vào tin phương Tây, còn CNC World lại dễ cạnh tranh với CCTV hơn. “Nếu tình hình không thay đổi, tôi nghĩ kênh này sẽ không tồn tại lâu dài” - ông nói.

Theo mô hình Al-Jazeera?

CNC World sẽ phát chương trình tới châu Á - Thái Bình Dương, châu Âu, Bắc Mỹ và châu Phi bằng vệ tinh, cáp, điện thoại di động và Internet. Các chuyên gia truyền thông nói CNC World sẽ làm theo mô hình của Al-Jazeera, đưa tin về vấn đề quốc tế, giải thích những vấn đề liên quan trực tiếp tới Trung Quốc theo góc nhìn mà các nhà sản xuất cho rằng phù hợp. Các đài như Al-Jazeera tiếng Anh khi ra đời được chào đón như một đối trọng với hệ thống truyền thông của phương Tây.

“Trong khi truyền thông của chúng ta đang tan ra như băng trên đỉnh Himalaya, Trung Quốc lại đang mở rộng - Orville Schell, giám đốc Trung tâm quan hệ Mỹ - Trung Quốc tại Hội châu Á (Asia Society) ở New York và cựu hiệu trưởng trường báo chí ở Đại học California, Berkeley, bình luận - Họ muốn có những bằng chứng thể hiện độ tin cậy trong báo chí ở bất kỳ nơi nào có thể, và việc Tân Hoa xã có mặt ở New York, một địa điểm mang tính biểu tượng, là một phần trong kế hoạch đó.”

CNC World cũng là cơ quan truyền thông đầu tiên của Trung Quốc không hoàn toàn thuộc sở hữu nhà nước. Tân Hoa xã sở hữu 51%, còn lại là các nhà đầu tư tư nhân, trong đó có Gree, hãng sản xuất đồ gia dụng Trung Quốc. CNC World có kế hoạch thành lập 30 văn phòng chi nhánh khắp nơi trên thế giới trong ba năm tới cùng các nhà đầu tư cá nhân và nước ngoài, và sẽ niêm yết ở thị trường chứng khoán quốc tế. CNC World đang xem xét xây dựng một mạng lưới truyền hình cáp ở châu Phi cùng các công ty truyền thông nhà nước của Trung Quốc.

Đặt văn phòng ở New York

Năm 2009, Chính phủ Trung Quốc đã chi khoảng 1 tỉ USD cho Tân Hoa xã, kênh truyền hình CCTV và tờ Nhân Dân Nhật Báo để mở rộng hoạt động của mảng tiếng nước ngoài. Với tham vọng ngày càng cao, Tân Hoa xã đang trong những bước cuối cùng để đạt thỏa thuận thuê trong 20 năm tới văn phòng trên cùng của tòa nhà 44 tầng tại quảng trường Thời đại ở New York (Mỹ), ngay cạnh trụ sở của Hãng tin Thomson Reuters và Tập đoàn Condé Nast.

HẠNH NGUYÊN (Theo Tân Hoa xã, WSJ, China Daily)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp