Các hãng bất động sản ở Trung Quốc đã gặp khó khăn kể từ năm ngoái, sau khi Bắc Kinh siết kiểm soát nhằm kiềm chế giá bất động sản tăng cao - Ảnh: BLOOMBERG
Theo dự án cộng đồng WeNeedHome của Trung Quốc, người mua của hơn 230 dự án bất động sản tại 86 thành phố nước này đã cùng nhau từ chối thanh toán thế chấp cho các căn hộ đã bán nhưng chưa hoàn thiện trừ khi việc xây dựng tiếp tục.
Báo South China Morning Post nhận định nền kinh tế Trung Quốc đang phải đối mặt những rủi ro mới từ cuộc "tẩy chay thế chấp" nhanh chóng lan rộng.
Suy thoái kinh tế do dịch COVID-19 kéo dài vốn đã đè nặng lên cả người mua nhà và các nhà phát triển bất động sản tại nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.
Các công ty bất động sản ở Trung Quốc đã gặp khó khăn kể từ năm ngoái, sau nỗ lực nhằm kiềm chế giá bất động sản tăng cao của Bắc Kinh. Nhiều doanh nghiệp trải qua tình trạng thiếu tiền mặt và bỏ lỡ việc thanh toán các trái phiếu có mức lợi suất cao ở nước ngoài.
Ngày 13-7, Thời báo Chứng Khoán của Trung Quốc cảnh báo xu hướng này có thể tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản, gây bất lợi cho sự ổn định của hệ thống tài chính.
"Việc cho phép các dự án dở dang hoạt động trở lại và được bàn giao đúng thời hạn có lợi cho sự ổn định của hàng nghìn hộ gia đình", tờ báo trên viết.
Áp lực tìm ra giải pháp
Ngày 14-7, các ngân hàng lớn tại Trung Quốc đã đưa ra thông báo nhằm giảm bớt nỗi hoang mang của công chúng.
Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc, Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc và Ngân hàng Công nghiệp cho biết các khoản thế chấp liên quan đến nhà đã bán nhưng chưa hoàn thiện của các chủ đầu tư thiếu tiền chỉ chiếm tỉ lệ nhỏ trong tổng các khoản cho chủ nhà vay của họ. Vì thế, các ngân hàng này cho rằng họ vẫn có thể kiểm soát rủi ro.
Ông Ding Shuang, kinh tế trưởng chuyên về Trung Quốc đại lục và Bắc Á tại Ngân hàng Standard Chartered, lại cho rằng vấn đề hiện nay có thể mang đến cơ hội cho một giải pháp nhanh chóng.
"Những hành động từ phía người mua nhà đã tạo thêm áp lực và tạo ra cảm giác cấp bách cho chính phủ để hành động. Không ai muốn tình hình này trở thành một rủi ro tài chính, bởi sẽ khó đối phó hơn nhiều nếu điều đó trở thành một rủi ro có hệ thống", ông Ding giải thích.
Theo South China Morning Post, bất động sản chiếm hơn 70% tài sản hộ gia đình ở Trung Quốc. Mua dự án căn hộ là cách phổ biến nhất để bán nhà ở Trung Quốc.
Tuy nhiên, Ngân hàng Nomura cho rằng hình thức này đã làm tăng đáng kể đòn bẩy của các nhà phát triển và đe dọa đến tính ổn định của hệ thống tín dụng, đặc biệt là khi việc xóa nợ diễn ra một cách lộn xộn.
Nomura ước tính các nhà phát triển Trung Quốc chỉ giao được khoảng 60% số nhà bán trước trong giai đoạn 2013-2020, với dư nợ cho vay thế chấp tăng 26.300 tỉ nhân dân tệ (khoảng 3.900 tỉ USD) trong cùng thời kỳ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận