Tencent Music Entertainment, một công ty Trung Quốc, trong sự kiện mừng ngày niêm yết trên sàn chứng khoán New York (Mỹ) năm 2018 - Ảnh chụp màn hình New York Times
Các cơ quan quản lý chứng khoán Mỹ từ lâu đã yêu cầu kiểm toán các công ty Trung Quốc niêm yết tại nước này, song Bắc Kinh rất miễn cưỡng trong việc này với lý do tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh.
Thỏa thuận được công bố ngày 26-8 được xem là một bước tiến lớn giúp một số công ty lớn nhất Trung Quốc tránh bị buộc phải rời khỏi các sàn giao dịch chứng khoán của Mỹ trong những năm tới.
Ủy ban Giám sát kiểm toán công ty đại chúng (PCAOB), cơ quan giám sát các cuộc kiểm toán các công ty niêm yết tại Mỹ, cho biết đây là thỏa thuận chi tiết nhất mà cơ quan này đạt được với Trung Quốc.
Bà Erica Y. Williams, người đứng đầu PCAOB, xác nhận đã ký thỏa thuận với Ủy ban Điều tiết chứng khoán Trung Quốc (CSRC) và Bộ Tài chính Trung Quốc.
PCAOB cho biết thỏa thuận sẽ cho phép cơ quan này "toàn quyền lựa chọn các công ty, các hoạt động kiểm toán và các vi phạm tiềm ẩn mà PCAOB sẽ kiểm tra và điều tra - mà không cần tham khảo ý kiến từ chính quyền Trung Quốc".
Việc kiểm toán sẽ áp dụng với tất cả các công ty Trung Quốc (bao gồm cả Hong Kong) niêm yết tại Mỹ và có thể bắt đầu sớm nhất vào tháng 9 tới.
CSRC mô tả thỏa thuận này là một bước quan trọng nhằm giải quyết các tranh cãi giữa Mỹ và Trung Quốc trong vấn đề kiểm toán. Cũng theo CSRC, việc giữ các công ty Trung Quốc tiếp tục niêm yết tại Mỹ là việc có lợi cho cả hai nước và giới đầu tư cùng các công ty.
Theo chủ tịch Ủy ban Chứng khoán và giao dịch Mỹ, ông Gary Gensler, nếu không có thỏa thuận ngày 26-8, ít nhất 200 công ty Trung Quốc đang niêm yết tại Mỹ sẽ bị cấm giao dịch. Danh sách các công ty bị ảnh hưởng gồm cả Alibaba và JD.Com, những người khổng lồ trong ngành công nghệ Trung Quốc.
Thỏa thuận được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Washington và Bắc Kinh sau chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi.
Ông Kai Zhan, cố vấn cấp cao tại công ty luật Yuanda của Trung Quốc, nhận định thỏa thuận cho thấy "cả hai bên đều có ý chí mạnh mẽ để giải quyết" các tranh chấp. Điều này thực sự có ý nghĩa trong bối cảnh Trung Quốc và Mỹ đã đình chỉ hợp tác, liên lạc ở một số lĩnh vực sau chuyến đi của bà Pelosi.
Tuy nhiên theo báo New York Times, vài quan chức Mỹ vẫn nghi ngờ về mức độ nghiêm túc của Trung Quốc trong việc thực thi thỏa thuận kiểm toán.
Nguồn tin của Reuters cho biết Bắc Kinh đã yêu cầu các công ty Trung Quốc niêm yết ở Mỹ chuẩn bị hồ sơ và nhân viên để đến Hong Kong, đáp ứng các yêu cầu kiểm toán của Mỹ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận