21/10/2016 16:56 GMT+7

​Trung Quốc đang cô lập Mỹ ở châu Á?

TRƯỜNG SƠN
TRƯỜNG SƠN

TTO - Bắc Kinh đang liên tiếp “ghi bàn” với chiến lược ngoại giao khôn khéo nhằm cô lập Mỹ khỏi các quốc gia châu Á nằm trong chiến lược “xoay trục” của Washington, theo nhận định của tạp chí TIME của Mỹ.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte (trái) bắt tay Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tại Bắc Kinh ngày 20-10 - Ảnh: Reuters

Nhà báo Hannah Beech của TIME cho rằng Bắc Kinh đã khéo léo chọn thời điểm cho chiến lược của mình khi nước Mỹ đang rối như tơ vò với cuộc khủng hoảng ở Trung Đông lẫn kỳ bầu cử tổng thống đang rất gần kề.

Trong bài viết ngày 21-10, bà Beech cho rằng với thiên thời và địa lợi như vậy, dường như Bắc Kinh đang có những chiến thắng đầu tiên, còn Washington và chiến dịch tái cân bằng thì liên tục gặp trục trặc.

Không khó để đoán tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, người vừa có cuộc hội đàm chính thức với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh hôm qua 20-10, được tác giả dẫn ra như minh chứng rõ ràng nhất cho lập luận của mình.

Mọi cơn gió đều đổi chiều

“Trong khi hai ứng cử viên tổng thống Mỹ bận đấu đá nhau trong cuộc tranh luận cuối cùng trước thềm cuộc bầu cử, Bắc Kinh lại đang bận rộn trải thảm đỏ đón vị khách không ngờ nhất - tổng thống Rodrigo Duterte, người đang có chuyến thăm bốn ngày đến nền kinh tế lớn thứ hai thế giới” - bài báo viết.

Vì sao lại là vị khách không ngờ nhất? “Trong vài năm gần đây, hiếm quan hệ song phương nào gay gắt như giữa Bắc Kinh và Manila, vốn căng thẳng do tranh chấp chủ quyền lãnh thổ trên Biển Đông” - tác giả ghi nhận. Nhưng chính điều này khiến cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo hôm 20-10 trở nên quan trọng và “có sức nặng địa chính trị” hơn cả.

Tác giả Beech dẫn lại hàng loạt sự kiện gần đây cho thấy gió đã đổi chiều chóng mặt trong mối quan hệ tay ba Mỹ - Phi - Trung.

Ông Duterte thăm Trung Quốc sau khi đưa ra hàng loạt phát ngôn về việc “xa Mỹ”, từ kinh tế, xã hội đến quân sự, dù chỉ mới lên nắm quyền được gần bốn tháng. Tuyên bố “đây là thời điểm để nói tạm biệt” nước Mỹ của ông Duterte hôm 19-10 được xem là “đáng kinh ngạc” khi nó đến từ người đứng đầu đất nước có liên minh quân sự với Mỹ suốt bảy thập niên qua.

Thêm vào đó, trong khi Tổng thống Benigno Aquino III từng quyết tâm khởi kiện về các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh trên Biển Đông ra Tòa trọng tài quốc tế và từng bị tờ Nhân Dân Nhật báo của Bắc Kinh mắng là làm theo “thuyết âm mưu của Mỹ”, thì giờ đây người kế nhiệm ông lại đồng ý sẽ có lúc bàn chuyện hợp tác khai thác trên Biển Đông với Trung Quốc.

Sau "món quà" 13,5 tỉ USD (tổng trị giá các thỏa thuận đầu tư và thương mại mà ông Duterte và ông Tập mới ký kết), tổng thống Philippines không ngần ngại khẳng định “Trung Quốc chưa bao giờ xâm lấn tất đất nào của đất nước tôi mấy thế hệ qua”, bất chấp các đảo nhân tạo do Trung Quốc bồi đắp đã giúp tăng gấp đôi sự hiện diện quân sự của nước này trên Biển Đông.

Những thất bại khác của “xoay trục”

Điều đáng nói là việc tổng thống Philippines quay lưng về phía Mỹ không phải là chuyện cá biệt ở châu Á, theo bình luận của TIME.

Tác giả Beech thừa nhận chính sách tái cân bằng của tổng thống Barack Obama cũng đã đạt được một số thành tựu trong thời gian qua, như các bước tiến trong quan hệ với Việt Nam và dỡ bỏ cấm vận cho Myanmar. Nhưng một số chuyên gia cho rằng ông Obama đã không làm tới cùng, tạo ra thời cơ mà Bắc Kinh đã nhanh chóng chớp lấy.

“Nước Mỹ dưới thời ông Obama từng khiến chúng ta hi vọng nhiều vào chiến lược xoay trục sang châu Á - tờ TIME dẫn lời ông Clarita Carlos, nhà phân tích chính trị người Philippines - Nhưng rồi thực tế cho thấy nước Mỹ không làm đúng như đã tuyên bố”.

Ông Carlos chê trách Mỹ đã không thực sự quyết liệt khi Trung Quốc bắt đầu bồi đắp đảo trên Biển Đông, để rồi giờ đây ông Duterte đã cho ngưng tập trận chung với Mỹ trên Biển Đông và lại còn cân nhắc mua vũ khí trung Quốc để chống khủng bố trong nước.

Nếu địa chính trị là trò chơi có tổng bằng không, sự lơ là của Mỹ với châu Á - hay ít ra là khiến họ ‘vỡ mộng’ - chính là thời cơ cho Trung Quốc” 
Nhà báo Hannah Beech của TIME bình luận

Ông Gao Shaopeng, giáo sư Đại học Ngoại giao Trung Quốc, cho rằng tại Đông Á, “Mỹ nói quá nhiều nhưng làm chẳng bao nhiêu”, trong khi Chủ tịch Tập đã bắt đầu quan tâm đến quan hệ với các nước châu Á ngay từ khi lên nắm quyền. “Và giờ đây họ đã hái vài quả ngọt” - giáo sư Gao bình luận.

Thiếu nữ Trung Quốc trong một sự kiện của đất nước. Truyền thông Trung Quốc nổi tiếng là khai thác xoáy vào tinh thần dân tộc - Ảnh: AFP

Thái Lan cũng được xem là một “quả ngọt” như thế.

Sau khi lên nắm quyền từ cuộc đảo chính năm 2014, Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha đã bắt đầu tập trận chung với Trung Quốc. Đây được xem là “bước ngoặt” trong quan hệ quốc phòng của Thái Lan và Mỹ, khi quốc gia Đông Nam Á từng là căn quân sự của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam.

Và vẫn còn nhiều chỉ dấu khác cho quan hệ ngày càng cải thiện giữa hai nước, như việc Bangkok trục xuất người Duy Ngô Nhĩ về Trung Quốc và cấm cửa nhà hoạt động dân chủ kiêm cựu thủ lĩnh sinh viên Hong Kong Hoàng Chi Phong hồi đầu tháng 10.

Ở chiều ngược lại, Trung Quốc tiếp tục đầu tư mạnh vào Thái Lan, cả ở lượng du khách khổng lồ lẫn các khoản đầu tư vào cơ sở hạ tầng.

Chính sách xoay trục của Mỹ cũng được cho là khiến cả đồng minh thân cận nhất ở châu Á là Nhật Bản thất vọng. Nhật và Mỹ là hai nền kinh tế lớn nhất trong 12 nước tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Và Tokyo đã từ chối tham gia sáng kiến Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc khởi xướng, để rồi giờ đây cả hai ứng viên tổng thống Mỹ của hai chính đảng đều chống lại TPP. Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế lớn thứ ba thế giới.

Để kết lại tương lai u ám cho chiến lược xoay trục sang châu Á của Mỹ, bài báo của TIME dẫn lời giới phân tích Trung Quốc nhắc lại quá khứ hàng thế kỷ trước rằng các quốc gia khu vực đều phải triều cống mỗi năm cho hoàng đế Trung Hoa, còn Mỹ chỉ là “kẻ chen ngang”.

“Đã đến lúc Trung Quốc khôi phục lại các mối giao bang đó như thời trước - giáo sư Gao bình luận - Về phần các nước châu Á, họ buộc phải gần gũi với Bắc Kinh (chứ) không có lựa chọn nào khác”.

Điều đó liệu có còn đúng trong thế kỷ 21 này? Rõ ràng là không thể trong một thế giới toàn cầu có luật lệ và được nhắc nhở phải chơi theo luật chung.

Nhưng trong tư tưởng của không ít người Trung Quốc, cái tư tưởng bề trên, ăn hiếp vẫn cứ len lỏi, chực chờ chớp lấy thời cơ để trào lên.

TRƯỜNG SƠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp