Bộ trưởng Ngoại giao New Zealand, bà Nanaia Mahuta (giữa), đồng chủ trì hội nghị cấp bộ trưởng APEC 2021 tại Wellington (New Zealand) vào ngày 10-11 - Ảnh: REUTERS
Kỳ họp APEC lần này là dịp để các lãnh đạo Trung Quốc và Đài Loan vận động cho việc gia nhập của họ, bởi 11 nước ký kết CPTPP gồm Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Úc và Việt Nam đều là thành viên APEC.
Thế "lưỡng nan" cho CPTPP
Theo quy định, Trung Quốc và Đài Loan phải nhận được sự đồng ý của toàn bộ các nước thành viên CPTPP mới có thể tham gia hiệp định. Việc cùng nộp đơn gia nhập CPTPP là vấn đề căng thẳng mới trong quan hệ giữa hai bờ eo biển Đài Loan.
Trung Quốc luôn đề cao chính sách "Một Trung Quốc" và luôn phản ứng gay gắt trước mọi nỗ lực của Đài Loan nhằm gia nhập các thể chế đa phương. Trong khi đó, Đài Loan luôn mong muốn được tham gia các tổ chức như vậy để thể hiện họ là một định chế chính trị độc lập, hoàn toàn tách biệt với Trung Quốc đại lục.
Bà Thái Anh Văn, nhà lãnh đạo Đài Loan, hy vọng sẽ tranh thủ hội nghị của các nhà lãnh đạo APEC năm nay như một cơ hội để thúc đẩy nỗ lực của Đài Loan tham gia CPTPP.
Bà từng tuyên bố trong cuộc họp báo trước thềm APEC: "Tôi muốn đề nghị đặc phái viên Morris Chang (Trương Trung Mưu) sử dụng cuộc họp này để thu hút sự ủng hộ của nhiều thành viên APEC hơn với việc Đài Loan tham gia CPTPP".
Ông Morris Chang là nhà sáng lập hãng sản xuất chip khổng lồ của thế giới TSMC, chiếm hơn 50% thị phần chip toàn cầu.
Chính năng lực sản xuất chất bán dẫn cũng như khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn CPTPP của Đài Loan đã khiến hòn đảo này trở nên hấp dẫn với các nước thành viên CPTPP khi họ muốn ổn định chuỗi cung ứng, tránh đứt gãy sản xuất sau những gì đã xảy ra trong đại dịch.
Điểm mạnh của Đài Loan trong việc xin gia nhập CPTPP phần nào lại là điểm yếu của Trung Quốc. Nhiều chuyên gia thương mại bày tỏ nghi ngại việc Trung Quốc có thể đáp ứng các tiêu chuẩn cao của hiệp định.
Họ nhắc tới các quy định nghiêm ngặt về trợ cấp công nghiệp, giảm hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhà nước, quyền của người lao động và đảm bảo luồng dữ liệu xuyên biên giới.
Bộ trưởng Thương mại nước chủ nhà New Zealand Damien O’Connor tuyên bố ông sẽ không vội đánh giá đơn xin gia nhập CPTPP của Trung Quốc, chỉ nói các ứng viên mới phải "đáp ứng các tiêu chuẩn của chúng tôi" và cam kết không hạ bớt các tiêu chuẩn đó.
Tiêu chuẩn và lợi ích
Tuy nhiên, tiêu chuẩn cao là một chuyện, còn sức ép chính trị và sức ép kinh tế của Trung Quốc lại là chuyện khác. Thực tế một số nước thành viên CPTPP phụ thuộc nhiều vào thương mại với Trung Quốc, họ có thể bị áp lực phải hạ thấp các tiêu chuẩn hiệp định để phù hợp với Bắc Kinh.
Nhưng ông O’Connor tái khẳng định: "Tôi không nghĩ có bất cứ ai cho rằng cần có sự chệch khỏi những tiêu chuẩn đó. Vì vậy, việc đạt được các tiêu chuẩn mà chúng tôi đã đặt ra là tùy thuộc vào các nền kinh tế nộp đơn gia nhập".
Ngoài ra còn một vấn đề khác với Trung Quốc là không phải lúc nào sức mạnh kinh tế và chính trị của họ cũng được nhìn nhận tích cực. Việc Trung Quốc có các hành vi mang tính cưỡng ép với các nước đang có những xung đột với họ khiến cho cộng đồng quốc tế lo ngại.
Thời gian qua, ba nước thành viên CPTPP là Canada, Úc và Nhật đều đã có những căng thẳng trong quan hệ song phương với Trung Quốc. Ottawa và Bắc Kinh tranh cãi kéo dài quanh vụ Canada bắt bà Mạnh Vãn Chu của Công ty Huawei và sau đó Trung Quốc bắt hai công dân Canada như để trả đũa.
Trong khi đó, Úc căng thẳng với Trung Quốc về nguồn gốc đại dịch COVID-19, còn Nhật thì không hài lòng với việc Trung Quốc thường xuyên xâm nhập vùng biển quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư do Nhật quản lý nhưng Trung Quốc cũng tuyên bố có chủ quyền.
Sức nặng của quyết định chính trị ảnh hưởng rất nhiều đến khả năng gia nhập CPTPP của Trung Quốc và Đài Loan. Chính việc đòi hỏi phải có sự nhất trí của mọi thành viên CPTPP đã khiến quá trình gia nhập của hai nước khó khăn hơn. Trung Quốc có thể dùng sức mạnh của mình để tác động tới các nền kinh tế nhỏ trong CPTPP nhằm ngăn cản Đài Loan.
Trong khi đó, hầu hết các quốc gia trong CPTPP không muốn hạ tiêu chuẩn của hiệp định vì Trung Quốc. Họ đã có quá đủ các điều khoản thương mại với Trung Quốc trong Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) do Trung Quốc dẫn dắt.
Có tới 7 trong 11 thành viên CPTPP bao gồm Brunei, Malaysia, Nhật Bản, New Zealand, Singapore, Úc và Việt Nam cũng là thành viên RCEP, và các nước này không muốn Trung Quốc biến CPTPP thành một phiên bản khác của RCEP.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gửi thông điệp đến các CEO APEC
Hôm nay (11-11), Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc sẽ có các hoạt động đầu tiên trong khuôn khổ Tuần lễ cấp cao APEC 2021 do New Zealand chủ trì.
Theo Bộ Ngoại giao, Chủ tịch nước sẽ tham dự Đối thoại giữa lãnh đạo các nền kinh tế APEC với Hội đồng tư vấn doanh nghiệp APEC ngày 11-11 và phát biểu ghi hình trước Hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp APEC (CEO Summit) diễn ra trong hai ngày 11 và 12-11.
Ngày 12-11, Chủ tịch nước dự Hội nghị các nhà lãnh đạo 21 nền kinh tế APEC lần thứ 28, sự kiện quan trọng nhất trong Tuần lễ cấp cao APEC, và sẽ phát biểu trực tuyến.
Theo Bộ Ngoại giao, APEC CEO Summit có sự tham dự của khoảng 4.500 đại biểu là giám đốc điều hành (CEO) các doanh nghiệp hàng đầu châu Á - Thái Bình Dương. Sẽ có 9 phiên thảo luận về nhiều vấn đề như đổi mới sáng tạo, hồi phục kinh tế hậu đại dịch...
BẢO DUY
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận