18/03/2021 11:17 GMT+7

Trung Quốc có mạnh tay với Myanmar?

DUY LINH
DUY LINH

TTO - Các vụ đốt phá nhà máy và tấn công người Trung Quốc ở Myanmar đang làm dấy lên nhiều lo lắng lẫn suy đoán Bắc Kinh có thể can thiệp quân sự để bảo vệ lợi ích kinh tế và công dân của mình.

Trung Quốc có mạnh tay với Myanmar? - Ảnh 1.

Khói đen bốc lên từ Khu công nghiệp Hlaing Thar Yar ở thành phố Yangon, nơi tập trung nhiều công ty Trung Quốc, ngày 14-3 - Ảnh: AFP

Cho đến nay chưa có chỉ dấu nào cho thấy sẽ có can thiệp quân sự của Trung Quốc. Bộ Ngoại giao Trung Quốc trong cuộc họp báo ngày 17-3 vẫn thận trọng câu chữ khi kêu gọi chính quyền Myanmar có các "biện pháp cứng rắn và hành động quyết liệt" để đảm bảo an toàn cho công dân và nhà máy Trung Quốc.

Âm thầm sơ tán

Trong một bài xã luận ngày 16-3, Đài CGTN của chính quyền Trung Quốc cảnh báo Bắc Kinh sẽ có "các hành động mạnh mẽ hơn" nếu hỗn loạn lan rộng và Myanmar không thể bảo vệ được các cơ sở kinh tế của Trung Quốc.

Những vụ đốt phá, vốn vẫn chưa rõ ai là thủ phạm, đã khiến các công ty Trung Quốc tại Myanmar kinh hãi. Thời báo Hoàn Cầu ngày 16-3 cho biết đã có 32 công ty vốn Trung Quốc bị tấn công, ít nhất 2 người Trung Quốc bị thương trong các vụ việc. 

Thiệt hại ước tính rơi vào khoảng 37 triệu USD, tập trung chủ yếu tại khu công nghiệp ở Hlaingthaya, thành phố Yangon. 

Tờ báo tỏ ra cẩn thận về câu chữ, không quy chụp trách nhiệm cho bên nào ở Myanmar, nhưng cho biết các doanh nghiệp Trung Quốc đã tập hợp để "tự bảo vệ chính mình".

"Nhiều công ty Trung Quốc đã quá chủ quan về tình hình. Giờ họ đang chuẩn bị tạm thời đóng cửa nhà máy, chờ đợi và đưa ra quyết định kế tiếp" - một doanh nhân Trung Quốc đề nghị không nêu tên nói với Thời báo Hoàn Cầu. 

Vị này không nói rõ các công ty Trung Quốc sẽ "tự bảo vệ" bằng cách nào nhưng cho biết đang liên lạc chặt chẽ với Đại sứ quán Trung Quốc tại Myanmar.

Báo South China Morning Post (SCMP) ngày 16-3 dẫn các nguồn thạo tin cho biết Ủy ban Giám sát và quản lý tài sản Trung Quốc (SASAC), một ủy ban đặc biệt quản lý các doanh nghiệp nhà nước, đã yêu cầu các công ty nhà nước Trung Quốc rút các nhân sự không cần thiết khỏi Myanmar. 

Một nhân sự thuộc một công ty thủy điện Trung Quốc ở Myanmar tiết lộ doanh nghiệp này đã bắt đầu đưa người về nước từ tuần trước. 

"Vài người đã về tới Trung Quốc an toàn. Những người còn ở lại Myanmar được yêu cầu ở trong khuôn viên công ty, hạn chế ra ngoài trừ đi mua thực phẩm" - vị này hé lộ với SCMP.

Chỉ thị của SASAC yêu cầu sơ tán có trình tự, trước tiên là nhân sự các dự án đang bị hoãn thi công ở Myanmar, kế đến là nhân sự sắp hết hạn công tác, lao động chưa được tiêm vắcxin ngừa COVID-19, những người sống ở các vùng hẻo lánh và "đối mặt với các tình huống nghiêm trọng ở địa phương đó". 

Nguồn tin của SCMP tại ít nhất 2 công ty Trung Quốc ở Myanmar xác nhận đã nhận được chỉ thị của SASAC. Tuy nhiên, Thời báo Hoàn Cầu ngày 17-3 lại dẫn nguồn tin riêng phủ nhận điều này.

Can thiệp mềm?

Tạp chí Nikkei Asia của Nhật Bản ngày 16-3 bình luận các vụ phá hoại nhắm vào công ty Trung Quốc đã kéo Bắc Kinh vào cuộc khủng hoảng chính trị ở Myanmar. 

Trong khi phần lớn đều ngầm cho rằng đây là hệ quả của bầu không khí chống Trung Quốc ngày càng tăng ở Myanmar, Thời báo Hoàn Cầu khẳng định đây là một phần trong âm mưu của "các thế lực thù địch trong và ngoài Myanmar hòng đẩy Myanmar rời xa Trung Quốc".

Tờ báo này kế đó cho biết các dự án trọng điểm của Trung Quốc tại Myanmar vẫn chưa bị ảnh hưởng. Hai dự án nhận được sự chú ý lớn bao gồm dự án đường ống dẫn dầu thô nối chạy xuyên Myanmar và dự án thành phố mới Yangon. 

Đã có những lời đe dọa sẽ cho "nổ tung" đường ống dẫn dầu Trung Quốc trên mạng Myanmar song chưa có sự cố nào được ghi nhận.

Kịch bản can thiệp cứng - tức đưa quân sang Myanmar - không có nhiều khả năng trở thành hiện thực trong bối cảnh hiện nay. 

Còn nếu muốn can thiệp mềm - tức viện dẫn nguyên tắc "trách nhiệm bảo vệ" của cộng đồng quốc tế được nêu trong Hội nghị thượng đỉnh thế giới năm 2005 của Liên Hiệp Quốc - Bắc Kinh cần nhận được sự đồng thuận trong Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc mà họ là một thành viên. 

Mỹ và các nước phương Tây sẽ khó chấp nhận giải pháp ủy quyền cho Trung Quốc đơn phương hành động tại Myanmar.

Đức Giáo hoàng Francis: "Ngay cả ta cũng sẽ quỳ ở Myanmar"

"Thêm một lần nữa và với nhiều nỗi buồn hơn trước, ta cảm thấy cần phải nói về tình hình bi kịch ở Myanmar - nơi nhiều con người, phần lớn là trẻ tuổi, đã mất đi mạng sống của mình để đem về hi vọng cho đất nước" - Hãng tin Reuters trích lời Đức Giáo hoàng Francis.

Thông điệp được người đứng đầu Vatican đưa ra sau một buổi lễ ngày 17-3. Đây là lần thứ ba Đức Giáo hoàng Francis lên tiếng về tình hình Myanmar từ sau cuộc binh biến ngày 1-2.

"Ngay cả ta cũng sẽ quỳ xuống đường phố Myanmar và thốt lên "xin hãy dừng lại bạo lực". Ngay cả ta cũng sẽ dang rộng vòng tay và nói "hãy đối thoại". Bạo lực không giải quyết được bất cứ điều gì. Đối thoại phải thắng thế" - Đức Giáo hoàng kêu gọi.

Trung Quốc nổi giận, nói thành Trung Quốc nổi giận, nói thành 'nạn nhân' ở Myanmar

TTO - Các nhà máy và công dân Trung Quốc là nạn nhân mới nhất của tình trạng bất ổn hậu đảo chính tại Myanmar. Bắc Kinh nổi giận, đòi phải can thiệp mạnh.

DUY LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp