Châu Âu, Mỹ, Nga và Trung Quốc - sức mạnh nào sẽ chi phối thế giới trong thế kỷ 21? - Ảnh: THE GUARDIAN
Những ngày qua, việc Mỹ rút quân khỏi Syria, người Kurd quay lưng với phương Tây, rồi dẫn đến các lực lượng Nga, Iran và quân chính phủ Syria mở rộng phạm vi kiểm soát... được xem là "bước ngoặt" kịch tính đối với khu vực Trung Đông.
Giới quan sát phấn khích nhận định những chuyển biến ở Syria dự báo hồi kết cho vai trò đầu tàu của Mỹ trong khu vực, thậm chí là vị thế thống trị toàn cầu của Washington.
Báo The Hill của Mỹ thậm chí so sánh sự kiện lần này với quyết sách "Đông Suez" của Anh năm 1968 - rút hết quân khỏi Đông Nam Á, Vịnh Ba Tư và quần đảo Maldives - đánh dấu sự tan rã của sức mạnh Đế quốc Anh hậu Thế chiến thứ 2.
Câu hỏi đặt ra là nếu cuộc khủng hoảng Syria quả thực là "thời khắc chuyển biến", ai là ứng viên cho chiếc vương miện "cường quốc số 1"?
Trung Quốc không giấu giếm tham vọng cường quốc trong thế kỷ 21 - Ảnh: REUTERS
Khó dự báo, nhưng không bất ngờ
Theo báo The Guardian, sự thoái lui dần của Mỹ trên trường quốc tế được công nhận rộng rãi, nhưng khó để xác định khi nào một thời điểm cụ thể, mang tính quyết định, xảy ra; có thể đến hàng trăm năm sau các nhà nghiên cứu lịch sử vẫn tranh cãi về điều này.
Một ví dụ khá sinh động: Có lần, khi được hỏi về tầm quan trọng của cuộc Cách mạng Pháp năm 1789, cố thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai trả lời ngắn gọn: "Còn quá sớm để nói".
Nhìn chung, những thay đổi lớn trong cân bằng địa chính trị và chiến lược ít khi diễn ra bất ngờ, thường nó là kết quả của nhiều quyết sách chính trị, động thái quân sự, tai nạn và cả tính toán sai lầm trong nhiều năm.
Những nỗ lực không thành trong việc lật đổ Tổng thống Syria Bashar al-Assad, kết hợp với lời hứa tranh cử "chấm dứt mọi cuộc chiến ở nước ngoài" của ông Donald Trump năm 2016, mối hận thù lâu năm giữa người Thổ và người Kurd... là những sự kiện tiền đề dẫn đến thay đổi lớn vừa qua.
Việc Nga mở rộng sức ảnh hưởng ở Trung Đông cũng không diễn ra mới đây.
Từ khi can thiệp quân sự vào Syria năm 2015, Tổng thống Vladimir Putin đã khéo léo khai thác chính sách mơ hồ, thiếu nhất quán của Mỹ; trong lúc ông Trump lo đối đầu với Iran, ông Putin thận trọng thiết lập quan hệ hợp tác với cả bạn lẫn thù, bao gồm Israel, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia, Ai Cập... dựa trên lợi ích đan xen.
Nói như ông Chu Ân Lai, vẫn còn sớm để nhận định việc Mỹ rút quân là một bước ngoặt. Tuy nhiên, các biến động ở Syria là bằng chứng rõ nhất cho thấy cán cân sức mạnh toàn cầu đang dịch chuyển, chỉ có điều không ai rõ nó sẽ đi về đâu và hậu quả ra sao.
Nước Nga dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Putin đã có những thành công nhất định so với thời thập niên 1990 - Ảnh: TASS
Trật tự thế giới mới
Trật tự thế giới cũ do Mỹ thống trị đã yếu đi là một thực tế, nhưng ai sẽ vượt lên dẫn đầu lại là dấu hỏi. Bốn thế lực chính của thế giới vẫn là Mỹ, Trung Quốc, Nga và châu Âu.
Nói về Nga, với những gì được kế thừa từ cố Tổng thống Boris Yeltsin, ông Putin đã làm rất tốt công việc của mình. Tuy nhiên, bên cạnh thành công về ngoại giao và quân sự, đặc biệt ở Trung Đông, Nga không thể khỏa lấp được những điểm yếu nội tại: đầu tư yếu, lệ thuộc vào xuất khẩu năng lượng, hạ tầng và an sinh xã hội còn nghèo nàn...
Trong khi đó, Trung Quốc với túi tiền rủng rỉnh không giấu giếm tham vọng quay lại thời hoàng kim. Kế hoạch "Vành đai, Con đường" đổ tiền vào hơn 150 quốc gia có lẽ là chiến lược bành trướng toàn cầu quy mô, tốc độ nhất từng được triển khai trong lịch sử.
Bắc Kinh gọi đó là "hợp tác cùng có lợi", người chỉ trích thì gọi là "cái bẫy nợ tàn nhẫn". Dù là gì, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình, Trung Quốc ngày càng trở nên cứng rắn và cạnh tranh hơn trong quan hệ với các cường quốc khác, nhất là với Mỹ.
Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) không ngừng hiện đại hóa, còn các doanh nghiệp Trung Quốc như Huawei đủ sức chen lấn với đối thủ phương Tây trong các lĩnh vực như viễn thông, năng lượng hạt nhân...
Nếu loại trừ một châu Âu đang chia rẽ và tiềm lực không còn như xưa, thì gọi là "đủ sức đương đầu với Trung Quốc" chỉ còn lại Mỹ. Đây vẫn là quốc gia dẫn đầu trong nhiều lĩnh vực quan trọng như kỹ thuật số, trí tuệ nhân tạo, y khoa, khám phá không gian... và gần đây đã trở thành nhà sản xuất dầu thô, khí đốt lớn nhất thế giới.
Trên hết, Mỹ vẫn là sức mạnh quân sự số 1. Người ta nói ông Trump đã thay đổi vĩnh viễn hình ảnh nước Mỹ, điều đó có thể đúng, nhưng những người kế nhiệm của ông, dù là ai, chắc chắn sẽ làm mọi cách để ngăn việc phải trao chiếc vương miện "soái ca" cho Trung Quốc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận