Tàu Hải Dương địa chất 8 của Trung Quốc. Ảnh nhỏ: Hình ảnh được phó giáo sư Ryan Martinson đăng tải trên Twitter cho thấy hải trình của tàu Hải Dương địa chất 8 từ ngày 3-7 tới 19-7, vi phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam - Ảnh chụp màn hình HK01
Những diễn biến mới đây gần khu vực Tư Chính - Vũng Mây thuộc chủ quyền của Việt Nam ở phía nam Biển Đông được hiểu tóm tắt như sau: Việt Nam đang tiến hành các hoạt động kinh tế thuộc chủ quyền của mình ở Biển Đông và được luật pháp quốc tế công nhận nhưng ông hàng xóm Trung Quốc ngang nhiên xâm phạm chủ quyền của Việt Nam.
Thậm chí, Trung Quốc còn ngang ngược tuyên bố đó là của mình thuộc yêu sách chủ quyền đường lưỡi bò phi lý "nuốt trọn" hơn 80% Biển Đông, dù yêu sách này bị Tòa trọng tài thành lập theo phụ lục VII Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS) thẳng thừng bác bỏ năm 2016.
Hành động "xâm nhập trái phép" của Bắc Kinh không chỉ bị Việt Nam kiên quyết phản đối mà còn hứng "gạch đá" từ cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Mỹ khi Bộ Ngoại giao nước này ra thông cáo tối 20-7 lên án "các hành vi khiêu khích lặp đi lặp lại của Trung Quốc" nhắm vào các hoạt động phát triển và khai thác dầu khí đã có từ lâu của Việt Nam.
Hành động của Trung Quốc cũng đi ngược lại Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển mà hai nước đã ký năm 2011, trong đó có nội dung: "Căn cứ chế độ pháp lý và nguyên tắc được xác định bởi luật pháp quốc tế trong đó có UNCLOS 1982, nỗ lực tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được cho các vấn đề tranh chấp trên biển".
Hơn thế nữa, hành động của Trung Quốc cũng trái ngược hoàn toàn với luận điểm nêu trong tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc thời đại mới nhân Đại hội XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc năm 2017, đó là "Phát triển hợp tác hữu nghị với các nước trên cơ sở năm nguyên tắc chung sống hòa bình, thúc đẩy xây dựng quan hệ quốc tế kiểu mới tôn trọng lẫn nhau, công bằng, chính nghĩa, hợp tác cùng thắng".
Năm nguyên tắc chung sống hòa bình mà ông Tập đề cập chính là năm nguyên tắc được nêu trong hiệp định ký năm 1954 giữa Trung Quốc và Ấn Độ, bao gồm: 1. Tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, 2. Không xâm lược lẫn nhau, 3. Không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, 4. Bình đẳng và cùng có lợi và 5. Cùng chung sống hòa bình.
Với việc cố tình đưa nhóm tàu khảo sát địa chất xâm phạm thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam từ ngày 3-7, Bắc Kinh đã vi phạm nguyên tắc 1, 4 và 5.
Trái ngược với lời nói và hành động bất nhất của lãnh đạo Trung Quốc, Việt Nam đã vận dụng các biện pháp đấu tranh từ "trên biển đến bàn họp chính trị" lấy cốt lõi là sự ôn hòa và chính nghĩa để yêu cầu toàn bộ nhóm tàu khảo sát Trung Quốc ra khỏi lãnh thổ của mình - lời cựu đại sứ Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh.
Trong tuyên bố ngày 19-7 của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng, trên thực địa: "Các lực lượng chức năng trên biển của Việt Nam tiếp tục triển khai nhiều biện pháp phù hợp thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán một cách hòa bình, đúng pháp luật nhằm bảo vệ vùng biển Việt Nam". Hàng loạt biện pháp đấu tranh qua đường ngoại giao cũng đã được thực hiện.
Năm nguyên tắc chung sống hòa bình của Trung Quốc còn đó. Nhưng xâu chuỗi lại, các hành vi vi phạm luật pháp quốc tế, bắt nạt, cưỡng ép và đe dọa các quốc gia trong khu vực của Trung Quốc vẫn không dừng lại, bất kể cộng đồng thế giới lên án.
Vậy đó là chung sống hòa bình kiểu gì?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận