Ông Mark Reilly, nhân vật chính vụ hối lộ của GSK tại Trung Quốc - Ảnh: Reuters |
Ngày 18-9, truyền thông đưa tin Tòa phúc thẩm thành phố Trường Sa, tỉnh Hồ Nam, kết án một cựu lãnh đạo Công ty dược phẩm GlaxoSmithKline (GSK) tại Trung Quốc tên Mark Reilly, và một số nguyên lãnh đạo khác của công ty này từ 2-4 năm tù vì tội hối lộ...
Theo cáo trạng, ông Reilly đã lệnh cho nhân viên đút lót các bệnh viện, bác sĩ và những cơ sở y tế để đổi lại doanh thu hàng tỉ USD. Công ty GSK cũng bị phạt 3 tỉ nhân dân tệ (490 triệu USD) - mức phạt lớn nhất từ trước tới nay do một tòa án Trung Quốc đưa ra.
“Người thổi còi” trong nội bộ
GSK thất thu Theo AFP ngày 22-10, không lâu sau án phạt tại Trung Quốc, Tập đoàn GSK đã công bố thông tin tài chính quý 3-2014. Trong dịp này, GSK thừa nhận bị sụt giảm 59% lợi nhuận sau thuế so với cùng kỳ năm trước. Tập đoàn này cũng buộc phải thực hiện kế hoạch tiết kiệm kéo dài ba năm để giảm chi phí 1,6 tỉ USD. |
Theo Reuters, bản cáo trạng nêu rõ giám đốc Reilly và bốn đồng sự đã “tích cực tổ chức, thúc đẩy thực hiện việc hối lộ để bán hàng”.
Tuy nhiên, tòa án đã khoan hồng cho bị cáo Reilly hưởng án treo vì “đã trung thực thú nhận sự thật”, và rằng bị cáo này đã tự nguyện quay lại Trung Quốc năm 2013 để hợp tác điều tra.
Theo China Daily, bốn cộng sự cùng “dính” trong vụ này với sếp Reilly là phó chủ tịch điều hành chung Liang Hong, phó chủ tịch quản lý nhân sự Zhang Guowei, giám đốc pháp luật Zhao Hongyan cùng giám đốc phát triển kinh doanh Huang Hong.
Tân Hoa xã cho biết để bôi trơn, GSK đã chi 489 triệu USD cho các quan chức Trung Quốc cùng những hiệp hội dược phẩm và các bác sĩ, chưa kể khoản hối lộ tình dục!
Nội vụ bùng nổ vào tháng 6-2012, với việc 23 email nặc danh lần lượt gửi đến chính quyền Bắc Kinh tố cáo rằng các bác sĩ đã được hối lộ và việc chi hối lộ này ban lãnh đạo GSK tại Trung Quốc đều hay biết.
Nội bộ GSK càng rung rinh hơn với việc 13 quan chức điều hành cùng hai viên chức của Hãng kiểm toán PwC bỗng dưng nhận được hàng loạt email tố cáo, lần này được viết bằng tiếng Anh hoàn chỉnh với đề mục là “Ghi nhận về việc GSK hối lộ ở Trung Quốc” do gskwhistleblow-er@ (tức người thổi còi cáo giác của GSK) đứng tên.
Theo các cáo buộc này, GSK đã “xào nấu” lại sổ sách kế toán và hồ sơ để che giấu các chiêu tiếp thị bất chính, như quy định ứng trước 1.000 bảng Anh mỗi tháng cho các nhân viên bán hàng Trung Quốc qua tài khoản một ngân hàng Mỹ có chi nhánh tại Trung Quốc để linh động chi tiếp khách.
Tổng giám đốc điều hành GSK cũng nhận được một email nặc danh tố cáo rằng GSK đã chi đến 283 triệu bảng Anh (tức khoảng nửa tỉ USD) hối lộ các bác sĩ Trung Quốc để họ chỉ định sử dụng thuốc của hãng này.
“Người thổi còi” phải nằm trong nội bộ GSK mới nắm rõ thông tin để tố giác. Trong nội bộ GSK - Trung Quốc, một số người nghi ngờ bà Vivian Shi, người đứng đầu bộ phận quan hệ với chính phủ.
Trong một cuộc họp có đến khoảng 20 quan chức trung cao cấp người Trung Quốc, một người đã thẳng thừng đề xuất GSK nên tống khứ bà Shi cho rảnh nợ.
Sau đó, GSK đã ra thông cáo cho biết có tìm thấy một số bất thường liên quan đến những khoản chi phí bị tố cáo, nhưng tại thời điểm đó vẫn không tìm thấy bằng chứng rõ ràng.
Án điểm?
Đến ngày 16-3-2013, nội vụ càng nổ tung với một đoạn video bí mật ghi cảnh giám đốc GSK tại Trung Quốc là Mark Reilly quan hệ tình dục với bạn gái của mình được gửi đến trụ sở tập đoàn tại London cho tổng giám đốc của GSK là Andrew Witty qua đường email.
Sau một số cuộc họp tại trụ sở ở London, Reilly được cho phép thuê ông Peter Humphrey, giám đốc công ty thám tử tư Chinawhys, điều tra bà Vivian Shi cùng các mối quen biết của bà này với Chính phủ Trung Quốc.
Nhưng thám tử Humphrey, 58 tuổi, đã không được thông báo về sự tồn tại clip sex của Reilly cũng như nội dung các email tố cáo.
Thế rồi đến ngày 10-7-2013, thám tử Humphrey cùng vợ là một người Mỹ gốc Hoa bị bắt giữ tại Bắc Kinh và giam cho đến nay với bản án hai năm rưỡi tù giam vì tội thu thập bất hợp pháp các thông tin liên quan đến vụ án.
Một tháng sau, viên thám tử này đã lên truyền hình Trung Quốc khai hết nội vụ.
Tờ Sunday Times của Anh khi thuật lại câu chuyện đã kèm theo bình luận rằng có thể Reilly và viên thám tử này là vô tội, chẳng qua chỉ là nạn nhân của nạn tham nhũng có hệ thống và rơi vào thời điểm không thích hợp.
Đúng là vụ án trên đã nổ ra vào thời điểm Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vừa nhậm chức nên có thể được xem như là một vụ “mẫu” của chiến dịch chống tham nhũng “đa phương” mà ông nhiều lần tuyên bố: không chỉ nhắm vào các quan lớn hoặc tướng lĩnh lắm sao đầy thế lực mà cả trong một lĩnh vực cho đến nay chỉ nghe đồn đãi trong xã hội và trên truyền thông là ngành dược.
Ít nhất qua vụ GSK tại Trung Quốc cũng có thể thấy ba chi tiết:
1/ Chuyện đút lót trả “tiền công” cho đăng ký, chỉ định thuốc này, thuốc kia cho bệnh nhân, sử dụng thiết bị này, thiết bị kia là chuyện có thật.
2/ Khi còn che chắn được thì một mặt chối bỏ cáo buộc, một mặt tìm cách “xử” kẻ tố giác.
3/ Cho đến trước vụ kinh thiên động địa này, các bên trong cuộc xem là “chẳng có gì”!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận