Binh sĩ Trung Quốc đồn trú tại Tây Tạng trong lễ chào cờ trước cung điện Potala - Ảnh chụp màn hình
Truyền thông Ấn Độ tỏ ra cảnh giác cao độ và cho rằng Trung Quốc đang nhắm vào một vùng đất khác do Ấn Độ kiểm soát và lớn hơn nhiều so với khu bảo tồn Sakteng (SWS) của Bhutan.
Sự việc bắt đầu từ một hội nghị trực tuyến của Quỹ môi trường toàn cầu (GEF) hồi đầu tháng 6. Khi bàn đến việc chi tiền cho khu bảo tồn Sakteng (SWS), đại biểu Trung Quốc đã phản đối với lý do SWS là "lãnh thổ đang tranh chấp giữa Bhutan và Trung Quốc".
Tuyên bố này khiến nhiều đại biểu bất ngờ. Trong thời gian còn lại của hội nghị, đại biểu Trung Quốc yêu cầu phải ghi rõ trong biên bản rằng Bắc Kinh phản đối chi tiền cho SWS vì đây là lãnh thổ tranh chấp.
Chính quyền Thimphu thể hiện sự tức giận khi biết tin và gởi công hàm phản đối tới Đại sứ quán Trung Quốc đặt tại Ấn Độ do Bhutan và Trung Quốc không thiết lập quan hệ ngoại giao.
Công hàm nhấn mạnh "SWS là một phần lãnh thổ có chủ quyền và không thể tách rời của Bhutan" và bác bỏ tuyên bố của Trung Quốc.
Vị trí khu bảo tồn Sakteng không giáp với khu vực nào đang do Bắc Kinh kiểm soát - Ảnh chụp màn hình
Trong một tuyên bố gửi tới tờ Hindustan Times hồi tuần trước, Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định có tranh chấp với Bhutan tại các vùng phía tây, trung và đông Bhutan nhưng không nói rõ tên mỗi nơi. SWS nằm ở phía đông Bhutan và giáp với bang Arunachal Pradesh của Ấn Độ.
Bắc Kinh khẳng định những tranh chấp này đã diễn ra từ lâu và nước khác không nên can dự vào chuyện này - điều mà Hindustan Times cho là đang ám chỉ trực tiếp tới Ấn Độ, nước láng giềng của Bhutan.
Ấn Độ đã ra mặt khi quân đội Trung Quốc được điều động tới một khu vực tranh chấp giữa Thimphu và Bắc Kinh.
Yêu sách chủ quyền kỳ lạ của Trung Quốc khiến một số người khó hiểu vì khu bảo tồn SWS không giáp với bất kỳ vùng đất do Bắc Kinh kiểm soát. Các khu vực tranh chấp đã biết đều nằm trên biên giới Bhutan - Tây Tạng.
Có ý kiến cho rằng quan chức Trung Quốc tại GEF đã bị "hớ" nhưng theo truyền thông Ấn Độ, đây là một hành động có chủ ý nhắm vào bang Arunachal Pradesh giáp với Tây Tạng.
Dù New Delhi đã quản lý và kiểm soát vùng đất hơn 83.000km2 này từ lâu, Bắc Kinh vẫn tuyên bố đây là vùng tranh chấp và gọi bằng cái tên "Nam Tạng".
Báo Trung Quốc tung ảnh xe tăng Type 15 của nước này tập trận trên Tây Tạng trong lúc căng thẳng ở biên giới Ấn Độ leo thang trong tháng 6 - Ảnh chụp màn hình ChinaMil
Trung Quốc lập luận thỏa thuận phân chia ranh giới Ấn Độ - Tây Tạng năm 1914, vốn dẫn tới sự hình thành của bang Arunachal Pradesh sau này, là không có giá trị do chính quyền Tây Tạng lúc đó không có quyền đại diện Trung Quốc ký kết với thực dân Anh (khi đó đang bảo hộ Ấn Độ).
Tờ Hindustan Times nhận định lý do chính thúc đẩy Trung Quốc đi "nước cờ Bhutan" không gì khác ngoài vùng đất mà Bắc Kinh gọi là Nam Tạng đã bị mất vào tay Ấn Độ.
Một nguyên nhân khác, theo tờ Indian Express, là Trung Quốc muốn chia rẽ Ấn Độ và Bhutan. Bắc Kinh tin rằng chính quyền Thimphu bực tức New Delhi khi bỗng dưng một vùng đất thuộc chủ quyền của mình bị biến thành vùng tranh chấp vì những căng thẳng giữa Ấn Độ và Trung Quốc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận