Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (trái) và ông Vương Nghị tại trụ sở Bộ Ngoại giao Mỹ ở Washington. Ảnh: Reuters |
Đứng bên cạnh Ngoại trưởng Mỹ John Kerry trước khi bước vào cuộc hội đàm tại Bộ Ngoại giao Mỹ ở Washington, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố: “Chính phủ Trung Quốc có lập trường kiên định và rõ ràng. Chuyện Hong Kong là vấn đề nội bộ của Trung Quốc”.
AFP miêu tả ông Vương nói nghiêm nghị: “Tất cả các nước nên tôn trọng chủ quyền của Trung Quốc và đây là nguyên tắc cơ bản của việc quản lý quan hệ quốc tế. Tôi tin rằng bất cứ nước nào, bất cứ xã hội nào, bất cứ ai cũng không cho phép những hành động phi pháp vi phạm trật tự”.
Đáp lại, ông Kerry nhắc lại lời kêu gọi kiềm chế. Đứng bên cạnh ông Vương, ông nói với các phóng viên: “Như Trung Quốc đã biết, chúng tôi ủng hộ phổ thông đầu phiếu ở Hong Kong theo Luật Cơ bản. Chúng tôi tin rằng một xã hội mở với mức độ tự trị cao nhất có thể và được điều hành bởi luật lệ là điều cơ bản đối với sự ổn định và thịnh vượng của Hong Kong”.
Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng nói với ông Vương Nghị hôm 2-10 (giờ Việt Nam) rằng Washington sẽ theo dõi chặt chẽ cuộc biểu tình ở Hong Kong và kêu gọi một giải pháp hòa bình cho vấn đề. Trong cuộc gặp giữa ông Vương và cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Susan Rice tại Nhà Trắng, ông Obama cũng khẳng định sẽ đến Trung Quốc cuối năm nay.
Tại Hong Kong, đến sáng sớm nay, vẫn còn hơn 3.000 người biểu tình tụ tập bên ngoài trụ sở chính quyền, kêu gọi trưởng đặc khu Lương Chấn Anh từ chức. Họ muốn nói chuyện mặt đối mặt với ông Lương. Trong khi đó, cảnh sát chống bạo động với mũ bảo hiểm, mặt nạ chống hơi cay và khiên vẫn đứng túc trực sau hàng rào sắt. Ông Vương nói Bắc Kinh có “khả năng kiểm soát phù hợp tình hình hiện tại theo luật hiện hành”.
Đêm qua, một trong những lãnh đạo biểu tình sinh viên là Agnes Chow dọa sẽ có các hành động mạnh mẽ hơn, trong đó có cả việc chiếm các trụ sở cơ quan chính quyền. Với việc hôm qua và hôm nay là ngày nghỉ lễ ở Hong Kong, nhiều người có thời gian rảnh rỗi để tham gia biểu tình.
Sinh viên 23 tuổi Jason Chan thì nói cần phải leo thang phong trào. “Nhiều người đã đổ ra đường mỗi ngày và chính quyền không trả lời chúng tôi. Nếu chúng tôi không đưa mọi chuyện lên một mức độ mới, phong trào này là vô nghĩa” - Chan nói.
Nhưng cũng có người lưỡng lự, như nhà thiết kế thời trang Janice Pang: “Tôi nghĩ chúng tôi nên giữ một phong trào hòa bình. Người Hong Kong sẽ không ủng hộ chúng tôi nếu chúng tôi làm điều gì đó quá khích”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận