Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng vấn đề nhập khẩu phế liệu đang là vấn đề cấp bách - Ảnh: CHÍ TUỆ
Tại cuộc họp về Quản lý nhập khẩu phế liệu và sử dụng phế liệu làm nguyên liệu sản xuất diễn ra ngày 12-7 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng vấn đề nhập khẩu phế liệu ở nước ta hiện nay đang là vấn đề cấp bách, cần phải làm ngay, Trung Quốc đã cấm nhập khẩu phế liệu, Việt Nam có quy định mà vẫn vào ầm ầm là trái pháp luật.
Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Hoàng Văn Thức cho biết nhu cầu nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu trong các ngành sản xuất thép, giấy nhựa và xi măng có xu hướng tăng mạnh trong năm 2017 và 5 tháng đầu năm 2018.
Năm 2016, khối lượng sắt thép phế liệu nhập khẩu là 2,7 triệu tấn thì năm 2017 là 5,2 triệu tấn; giấy phế liệu từ 338 nghìn tấn lên 1,3 triệu tấn; nhựa phế liệu từ 18 nghìn tấn lên 90 nghìn tấn…
Đặc biệt, trong 5 tháng đầu năm 2018, khối lượng nhựa phế liệu nhập khẩu đã tăng đột biến, gấp gần 2 lần so với với cả năm 2017.
Hiện nay, lượng phế liệu nhập khẩu đang tồn đọng chủ yếu tại các cảng ở TP. Hồ Chí Minh (tổng 4.480 container, riêng cảng Cát Lái 3.464 container), cảng Hải Phòng (1.344 container). Trong đó ước tính 20% là phế liệu giấy và 80% còn lại là phế liệu nhựa và phế liệu khác.
Về nguyên nhân khách quan, ông Thức cho rằng từ cuối 2017, Trung Quốc dừng nhập khẩu 24 loại phế liệu khiến các nước trước đây vẫn xuất khẩu chất thải rắn, phế liệu sang Trung Quốc như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada, các nước Bắc Âu phải tìm đối tác khác, thị trường khác như Việt Nam, Thái Lan, Malaysia.
Do đó, một lượng lớn hàng phế liệu nhập khẩu từ các nước đang phát triển đã tràn về khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Hoàng Văn Thức tại cuộc họp về Quản lý nhập khẩu phế liệu và sử dụng phế liệu làm nguyên liệu sản xuất diễn ra ngày 12-7 - Ảnh: CHÍ TUỆ
Về nguyên nhân chủ quan, những khe hở trong quản lý khiến cho việc tồn tại các container phế liệu nhập khẩu không chủ, xuất hiện tình trạng một số tổ chức, cá nhân đăng ký địa chỉ ma nhưng cố tình nhập khẩu phế liệu không đáp ứng quy chuẩn nên cơ quan hải quan không thể liên hệ được.
Nhiều địa chỉ ghi trên mạng không đúng với thực tế (địa chỉ ma) dẫn tới một số lượng lớn container tồn tại tồn đọng lâu ngày, nhiều container lưu bãi 5-6 năm mà không có người đến nhận gây thiệt hại kinh tế và tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường
"Việt Nam hiện chưa có cơ chế phòng ngừa, kiểm soát việc nhập khẩu phế liệu từ xa, từ ngoài biên giới, chỉ khi tàu cập cảng, hàng hóa được vận chuyển, sắp xếp lên bờ lúc đó mới làm thủ tục thông quan, mới kiểm tra giấy phép nhập khẩu phế liệu.
Vì thế, chúng ta luôn bị động phải đối phó với những chủ tàu, chủ hàng cố tình vi phạm hoặc gian lận nhập phế liệu không đúng hoặc không có giấy phép vẫn nhập về. Đây là một tồn tại rất lớn?
Ngoài ra, thông tin từ một số hãng tàu lớn cho thấy hàng phế liệu nhựa, giấy sẽ tiếp tục đổ về các cảng biển Việt Nam do các hãng tàu, khách hàng đã ký hợp đồng trong khi đó, các cơ quan chức năng vẫn đang tìm hướng giải quyết số lượng container tồn đọng tại các cảng" – ông Thức nhấn mạnh
Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải Quan Mai Xuân Thành cho biết nhiều container phế liệu nhập khẩu trong tình trạng vô chủ và có nhiều gian lận, lấy tên địa chỉ không rõ ràng minh bạch, nếu không có cơ quan điều tra vào thì có người đến nhận, nếu cơ quan điều tra thì không ai nhận, xác minh nhận diện thì không ra nhưng thực ra là có chủ.
"Đối với hàng vô chủ đấy chúng ta sẽ xử lý như thế nào trong khi họ không có giấy phép. Bộ cũng cần cương quyết việc cho dỡ hàng hay không dỡ hàng khi không có giấy phép của Bộ vì hiện nay họ không cần người nhận nữa, chỉ cần đưa vào là xong" – ông Thành đặt vấn đề
Trưởng phòng Dịch vụ vận tải hàng hải (Cục Hàng hải VN) Trịnh Thế Cường cho biết theo thông tin từ các hãng tàu, hiện có khoảng 500 nghìn container phế liệu dạng tạm nhập tái xuất ở trong khu vực Châu Á, khi Trung Quốc dừng nhập thì các hãng tàu, chủ hàng bắt buộc phải đưa vào bất cứ cảng nào ở trong khu vực mà họ có thể nhét được.
Theo ông Cường, để ngăn chặn tình trạng trên, phải có giấy phép nhập khẩu của Việt Nam thì mới dỡ hàng xuống cảng.
Phó Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Lưu Hải cho rằng cần ràng buộc trách nhiệm chủ tàu khi nhập khẩu phế liệu vào Việt Nam. Nếu chủ tàu nào có gian lận, cần cương quyết xử lý.
Nhiều lô hàng đã qua sử dụng, thậm chí thuộc diện cấm nhập khẩu nhưng vẫn lọt vào VN - Ảnh: N.B.
Kết luận tại cuộc họp, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng cần đánh giá nhu cầu thực tế hiện nay có cần phải nhập nhiều như vậy không hay là chủ yếu hàng tạm nhập tái xuất, hàng nhập lậu, hàng chất chải… Nếu không thì không cho nhập.
Cơ chế phối hợp giữa các đơn vị Bộ Tài nguyên Môi trường, Hải quan, Công an, Công thương… còn yếu nên cần phải thay đổi ngay để phối hợp chặt chẽ để minh bạch thông tin.
Ông Hà cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ GTVT, Cảng vụ, Công thương văn bản đối với các hãng tàu quy định lô hàng có đủ điều kiện, đề nghị có hồ sơ hoàn chỉnh, không có giấy phép nhập khẩu thì kiên quyết không dỡ và hãng tàu phải chịu trách nhiệm những lô hàng đó.
Đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét lại những danh mục hàng hóa thuộc loại hiệu quả thấp, nguy cơ ô nhiễm môi trường thì loại bỏ, trên nhu cầu sử dụng phải xem xét cần thiết, phải tính toán hiệu quả kinh tế và môi trường...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận