12/05/2022 13:16 GMT+7

Trung Quốc cấm đánh bắt cá, Bộ Nông nghiệp đề nghị hỗ trợ ngư dân bám biển

CHÍ TUỆ
CHÍ TUỆ

TTO - Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) khẳng định việc Trung Quốc tạm ngừng đánh cá đối với những khu vực thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam trên Biển Đông là không có giá trị.

Trung Quốc cấm đánh bắt cá, Bộ Nông nghiệp đề nghị hỗ trợ ngư dân bám biển - Ảnh 1.

Tàu cá ở Đà Nẵng ra khơi - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Bộ NN&PTNT vừa có công văn gửi các địa phương về việc Trung Quốc thông báo tạm ngừng đánh cá có thời hạn.

Theo công văn do Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến ký nêu: Bộ Nông nghiệp nông thôn Trung Quốc thực hiện tạm ngừng đánh cá có thời hạn từ 1-5 đến 16-8 đối với toàn bộ các nghề trừ nghề câu trên các vùng biển, trong đó có những vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên Biển Đông.

Trước tình hình trên, Bộ NN&PTNT thông báo và đề nghị UBND các tỉnh, thành phố ven biển chỉ đạo các ngành chức năng, địa phương thông báo ngay cho ngư dân biết về việc tạm ngừng đánh cá có thời hạn của phía Trung Quốc và khẳng định việc Trung Quốc tạm ngừng đánh cá đối với những khu vực thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam trên Biển Đông là không có giá trị.

Bộ NN&PTNT động viên ngư dân bám biển sản xuất bình thường trong phạm vi vùng biển của Việt Nam và hướng dẫn ngư dân tổ chức thành đoàn, đội khi đi sản xuất để hỗ trợ nhau trên biển; kịp thời thông báo cho cơ quan chức năng về các hành vi vi phạm của tàu cá nước ngoài trong vùng biển của Việt Nam.

Bộ chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường giám sát hoạt động khai thác hải sản của tàu cá trên các vùng biển thông qua hệ thống giám sát tàu cá bằng vệ tinh, có biện pháp cảnh báo cho các tàu cá khi cần thiết và đặc biệt quản lý chặt chẽ việc xuất/cập bến của tàu cá hoạt động trong thời gian này.

Bộ NN&PTNT cũng đề nghị các địa phương kịp thời thông báo các vụ việc đột xuất phát sinh trên biển đối với tàu cá và ngư dân về đường dây nóng của Cục Kiểm ngư, số điện thoại 024- 62737323.

PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, phó chủ tịch thường trực Hội Nghề cá Việt Nam, cho biết suốt 20 năm qua Trung Quốc đã liên tục ban hành lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông kéo dài trong thời gian 3 tháng và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1-5 hằng năm.

Phạm vi không gian của lệnh cấm đánh bắt cá này gồm cả một số vùng biển nước ta ở quần đảo Hoàng Sa và phần vịnh Bắc Bộ được xác định theo Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS) và Hiệp định phân định vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc ký năm 2000.

Đây là hành động đơn phương, phi lý và được lặp lại hằng năm của phía Trung Quốc, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, cũng như các quyền và lợi ích của Việt Nam ở những vùng biển nói trên phù hợp với luật pháp quốc tế.

"Hội Nghề cá Việt Nam với tư cách là tổ chức hỗ trợ và đồng hành cùng ngư dân Việt Nam bám biển quê hương, hằng năm đã có văn bản gửi các cơ quan hữu trách để kịch liệt phản đối hành động sai trái, ngang ngược, đơn phương của phía Trung Quốc nói trên.

Trên các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam, lệnh cấm đánh bắt cá đơn phương nói trên của phía Trung Quốc là vô giá trị" - ông Hồi khẳng định.

Ông Hồi cho biết Hội Nghề cá Việt Nam sẽ huy động các nguồn lực để hỗ trợ, vận động ngư dân yên tâm ra khơi bám biển sản xuất, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Hội Nghề cá Việt Nam phản đối Trung Quốc cấm đánh bắt cá trên Biển Đông Hội Nghề cá Việt Nam phản đối Trung Quốc cấm đánh bắt cá trên Biển Đông

TTO - Hội Nghề cá Việt Nam phản đối kịch liệt lệnh cấm đánh bắt cá đơn phương trên Biển Đông của Trung Quốc năm 2022. Đây là hành động sai trái, ngang ngược, vô giá trị của Trung Quốc trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.

CHÍ TUỆ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp