Bà Sandy Phan-Giliis (giữa) trong tấm ảnh cùng người thân - Ảnh: SaveSandy.org |
Reuters dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, bà Hoa Xuân Oánh khẳng định: “Dựa trên các thông tin của chúng tôi, bà Phan-Gillis, bị tình nghi hoạt động gián điệp và đã bị các cơ quan hữu quan Trung Quốc buộc tội và sẽ bị xử lý theo đúng quy định của pháp luật”.
Bà Hoa không cho biết thêm thông tin chi tiết về các hoạt động bị cho là gián điệp của bà Phan-Gillis.
Động thái của Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh hội nghị Thượng đỉnh G20 sắp được tổ chức tại thành phố Hàng Châu mà Mỹ là một trong các quốc gia tham dự.
Tổng thống Mỹ Barack Obama dự kiến sẽ đến Trung Quốc vào ngày 3-9 và sẽ có cuộc gặp với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Reuters nhận định việc Bắc Kinh buộc tội một công dân Mỹ làm gián điệp ngay trước thềm chuyến thăm của ông Obama có thể làm tăng thêm sự căng thẳng trong quan hệ hai nước, vốn nặng nề trong thời gian gần đây với những bất đồng về vấn đề Biển Đông và an ninh mạng.
Nói với Reuters, một quan chức thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Washington “quan ngại sâu sắc” về trường hợp của bà Phan-Gillis và đã liên tục yêu cầu Bắc Kinh cung cấp chi tiết vụ việc cũng như cho phép các nhân viên lãnh sự Mỹ ở Trung Quốc được phép tiếp cận với công dân của mình.
“Chúng tôi yêu cầu Trung Quốc giải thích rõ lý do giam cầm bà Phan-Gillis”, quan chức này nhấn mạnh.
Cũng theo người này, Washington đã yêu cầu Bắc Kinh “đánh giá và xem xét nghiêm túc” những khuyến nghị của Nhóm làm việc của Liên Hiệp Quốc về Giam giữ tùy tiện, tjheo đó bà Phan-Gillis phải được phóng thích.
Chồng của bà Phan-Gillis, ông Jeff Gillis cho biết những lời cáo buộc của Trung Quốc là “hoàn toàn sai sự thật” và yêu cầu phải thả vợ mình.
Ông này viện dẫn một trong những cáo buộc của Bắc Kinh rằng bà Phan-Gillis đã từng tới Trung Quốc cho một nhiệm vụ gián điệp năm 1996. Tuy nhiên, hộ chiếu của bà Phan-Gillis lại không có bất kỳ chuyến đi đến đại lục nào vào năm này.
Cuối những năm 1970, bà Phan cùng gia đình di cư đến Mỹ và lập nghiệp tại đây. Năm 2015, bà Phan-Gillis đến Trung Quốc với tư cách là một thành viên trong phái đoàn thương mại của thành phố Houston (Mỹ). Lúc bị bắt vào tháng 3 cùng năm, bà này bị cho là đang cố gắng đi từ thành phố Chu Hải đến Macau (Trung Quốc).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận