Một sạp báo ở Trung Quốc |
Theo ông Vương Nhất Nghĩa - chủ tịch Hiệp hội Nhà báo Chiết Giang, Trung Quốc có tài nguyên báo chí rất lớn: khoảng 350 đài truyền hình với hàng ngàn kênh, gần 2.000 tờ báo, 10.000 tạp chí, với 1 tỉ độc giả, mỗi năm doanh thu quảng cáo lên đến mấy chục tỉ NDT (1 NDT = 3.500 đồng), nhưng vẫn chưa được xem là nước mạnh về truyền thông.
Nguyên nhân có rất nhiều: mức độ xã hội hóa báo chí không cao; thực lực kinh tế còn yếu; mô hình kinh doanh vẫn còn đơn nhất, lâu nay chỉ chú trọng về nghiệp vụ báo chí mà lơ là kinh tế báo chí; lực lượng quản lý kinh tế báo chí chất lượng cao thiếu hụt nghiêm trọng... Đó cũng chính là lý do của cải tổ tiếp theo: các tập đoàn truyền thông lên sàn chứng khoán.
Ba giai đoạn lên sàn
Theo tạp chí Tin Tức Chiến Tuyến ngày 1-11-2011, Trung Quốc đã trải qua ba giai đoạn niêm yết lên sàn của công ty ngành báo chí truyền thông. Giai đoạn sơ khai từ năm 2000 - 2005 có bảy doanh nghiệp truyền thông lên sàn.
Năm 1999, tờ Thành Đô Thương Báo thông qua công ty con là Công ty TNHH cổ phần truyền thông Bác Thụy mua 27,65% cổ phần Công ty điện tử Tứ Xuyên, trở thành công ty truyền thông xuất bản đầu tiên của Trung Quốc lên sàn. Ngành nghề hoạt động của Công ty điện tử Tứ Xuyên từ sản xuất điện tử chuyển sang lĩnh vực quảng cáo, in ấn, phát hành báo chí, chuyển phát nhanh và truyền thông thông tin.
Đến năm 2000, Công ty điện tử Tứ Xuyên chính thức đổi tên thành Truyền thông Bác Thụy. Năm 2004, Công ty TNHH cổ phần truyền thông Bắc Thanh với vốn đăng ký 101 tỉ NDT do báo Thanh Niên Bắc Kinh nắm giữ 87,9% cổ phần đã niêm yết tại sàn chứng khoán Hong Kong, trở thành công ty ngành truyền thông đầu tiên của Trung Quốc lên sàn chứng khoán Hong Kong.
Giai đoạn đột phá từ năm 2006 - 2009. Sau khi triển khai hội nghị công tác cải cách thể chế hoạt động văn hóa ở Trung Quốc năm 2006, công cuộc cải cách ngành truyền thông xuất bản ngày càng nhộn nhịp.
Một tập đoàn báo chí phải đáp ứng ba tiêu chí sau: phải có một ấn phẩm báo chí có sức ảnh hưởng lớn; phải gồm nhiều ấn phẩm trực thuộc và hoạt động kinh doanh khác phát triển dựa trên ấn phẩm báo chí vốn có; có thực lực kinh tế hùng hậu. Theo số liệu năm 2013, Trung Quốc hiện có 47 tập đoàn báo chí. (baidu.com) |
Năm 2007, Công ty TNHH cổ phần truyền thông xuất bản Liêu Ninh là công ty ngành truyền thông đầu tiên đưa toàn bộ tài sản các lĩnh vực nội dung báo chí, quảng cáo, phát hành, in ấn lên sàn. Đến năm 2009, công ty này đổi tên thành Tập đoàn truyền thông xuất bản Liên hợp Bắc phương, tham gia các lĩnh vực như biên tập, xuất bản, phát hành sách, tạp chí, sách điện tử, ấn phẩm văn hóa...
Giai đoạn cao trào (2010 - 2011) chứng kiến trong vòng hai năm có đến chín công ty truyền thông lên sàn, trong đó gồm 5 tập đoàn xuất bản, 1 tập đoàn báo chí, 1 tập đoàn phát hành, 2 doanh nghiệp phát hành báo chí tư nhân.
Đáng chú ý là tờ Nhật Báo Chiết Giang. Đây là tờ báo đảng của tỉnh Chiết Giang, ra đời từ năm 1949, năm 2000 thành lập Tập đoàn báo chí Nhật báo Chiết Giang, với 38 ấn phẩm, hàng trăm trang web trực thuộc. Năm 2009 thành lập Tập đoàn cổ phần truyền thông báo chí Chiết Giang, năm 2011 thông qua Công ty Mèo Trắng lên sàn chứng khoán ở Thượng Hải, đến nay tổng giá trị vốn hóa thị trường là hơn 30 tỉ NDT.
Theo tờ Xuất Bản Tin Tức Trung Quốc (trực thuộc Tổng cục Xuất bản báo chí Trung Quốc), tính đến tháng 8-2012 Trung Quốc có 49 công ty trong ngành xuất bản truyền thông niêm yết tại sàn giao dịch chứng khoán, trong đó có chín công ty ngành báo chí. Còn theo trang Tình báo thương mại Trung Quốc (www.askci.com), hiện nước này có khoảng 68 công ty ngành truyền thông lên sàn.
Niêm yết cửa sau
Cũng theo tạp chí Tin Tức Chiến Tuyến (1-11-2011), đặc điểm chung của các công ty ngành truyền thông đã niêm yết lên sàn là họ chọn giải pháp tách mảng nghiệp vụ báo chí và mảng kinh doanh (gồm quảng cáo, phát hành, in ấn) ra làm hai, chỉ đưa tài sản mảng kinh doanh lên sàn. Sau khi chia tách, công ty truyền thông có tư cách thị trường độc lập, đó chính là cơ sở về thể chế để lên sàn.
Khi có tư cách thị trường độc lập mới có thể triển khai kinh doanh trên thị trường vốn hóa. Còn phương thức lên sàn, chủ yếu là niêm yết cửa sau, tức mượn tư cách của công ty đã niêm yết để được lên sàn, thông qua hình thức thu mua hay sáp nhập.
Tập đoàn báo chí Chiết Giang năm 2011 đã lựa chọn hình thức này để có thể lên sàn một cách nhanh nhất, nắm bắt cơ hội phát triển. Ngoài ra, chỉ một số ít tập đoàn chọn phương thức IPO phát hành lần đầu ra công chúng, nhưng trước đó họ cũng đã thông qua niêm yết cửa sau để gia nhập thị trường chứng khoán, sau đó mới tiến đến việc phát hành trái phiếu ra công chúng.
Trang people.com.cn cũng đúc kết thêm một số đặc điểm khác, như hoạt động kinh doanh chính của các tập đoàn truyền thông chủ yếu là quảng cáo, phát hành, in ấn báo chí và các đầu tư lĩnh vực văn hóa. Tuy nhiên, lĩnh vực hoạt động của họ đang ngày càng mở rộng, nhất là lĩnh vực truyền thông mới (báo mạng, báo xem qua thiết bị di động, báo điện tử).
Công ty truyền thông Tân Hoa gồm lĩnh vực báo chí, phát hành và truyền thông mới; còn Công ty truyền thông Bác Thụy thì từ lĩnh vực phát hành, in ấn, quảng cáo nay bao gồm cả báo chí, phát thanh truyền hình, game online, thương mại điện tử...; Công ty truyền thông Trung Nam thì gồm lĩnh vực xuất bản, in ấn, phát hành, báo chí, truyền thông mới. Nói chung, các công ty đều có xu hướng phát triển truyền thông đa phương tiện.
Ông Liêu Bân Kiệt, tổng cục trưởng Tổng cục Xuất bản báo chí Trung Quốc, cho rằng thực tế chứng minh việc đưa doanh nghiệp ngành văn hóa, nhất là xuất bản, báo chí, phát hành, lên sàn chứng khoán là lựa chọn đúng đắn, là con đường huy động vốn an toàn và nhanh nhất.
Tuy nhiên, chuyện kinh doanh không hẳn suôn sẻ. Trong chín công ty lên sàn, có ba công ty thua lỗ gồm Truyền thông Sadi, Truyền thông Việt, Tân Hoa Duyệt Động. Nhìn chung, hoạt động kinh doanh của các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Trung Quốc có lợi nhuận hơn khi niêm yết ở nước ngoài. Về giá cổ phiếu thì Công ty truyền thông Bác Thụy cao nhất, trong vòng 10 năm tăng gấp 15 lần.
Được và mất
Trên trang sina.com ngày 26-8-2003 có bài “Tại sao tập đoàn báo chí phải lên sàn?”, trong đó đã chỉ ra những ưu điểm của việc lên sàn: một là có lợi cho việc huy động nguồn vốn, nếu chỉ dựa vào khả năng huy động và tích cóp của công ty theo cách thông thường, họ cần ít nhất 5-8 năm mới huy động được nguồn vốn lớn như khi lên sàn; hai là xây dựng cơ chế khuyến khích lao động có hiệu quả (nhiều tập đoàn báo chí là đơn vị sự nghiệp, mức lương cán bộ đều đã vượt trần, nếu chuyển thành công ty niêm yết sẽ có thể áp dụng cơ chế lương khoán theo năm);
ba là có thể tối ưu hóa việc phân bổ tài nguyên, các tờ báo nhỏ hoạt động yếu kém sẽ được sáp nhập; bốn là có thể thay đổi cơ chế hoạt động, sau khi lên sàn phải chịu sự giám sát của cổ đông, áp lực thị trường vốn hóa, giám sát của toàn xã hội.
Đằng sau hội đồng quản trị còn có ủy ban hoạch định chính sách, ủy ban tiền lương, họ đều là chuyên gia, học giả trong ngành. Cổ đông và hội đồng quản trị sẽ là người có ảnh hưởng quan trọng đến việc chuyển đổi cơ chế hoạt động của tập đoàn.
Lên sàn còn là cơ hội đánh bóng thương hiệu. Sau khi Công ty truyền thông Bác Thụy lên sàn, hình ảnh, tên tuổi của tờ Thành Đô Thương Báo cũng tăng theo, được nhà đầu tư cả nước biết đến, sức ảnh hưởng không còn bó hẹp ở phạm vi trong vùng, lượng phát hành cũng như thu nhập quảng cáo tăng lên đáng kể.
Tuy nhiên, sau quá trình lên sàn, các tập đoàn truyền thông phải đối diện với một số vấn đề nan giải. Như một khi tách mảng nghiệp vụ báo chí và kinh tế báo chí ra làm hai, nên lấy tòa soạn làm chủ đạo hay lấy công ty cổ phần làm chủ đạo? Ngoài ra, do nguyên nhân lịch sử, cán bộ viên chức của các tập đoàn báo đảng ở Trung Quốc đa số đều là nhân viên biên chế. Sau khi lên sàn, cùng với việc cải tổ cơ cấu tổ chức sẽ không còn nhân viên biên chế.
Từ đơn vị sự nghiệp chuyển sang đơn vị doanh nghiệp, làm thế nào để tập đoàn vận hành theo mô hình doanh nghiệp nhưng lại quản lý theo mô hình đơn vị sự nghiệp là một trong các vấn đề mà các tập đoàn cần giải quyết. Ngoài ra, mọi thông tin đều phải công khai minh bạch, chịu sự giám sát của xã hội; tập đoàn không được hưởng các chính sách ưu đãi thuế, vì đã là công ty niêm yết thì phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ về thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế hải quan khi mua máy móc, thuế doanh nghiệp... như các công ty niêm yết khác.■
Tháng 10-2014, khi Liên hiệp báo chí thương mại Trung Quốc được thành lập, truyền thông thương mại điện tử trở thành lựa chọn được ưa thích trong cuộc cải cách. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có định nghĩa chính xác về khái niệm “truyền thông thương mại điện tử”, chính vì thế rất nhiều công ty tự nhận mình đang hoạt động trong lĩnh vực trên, như quảng cáo tiêu dùng, tức báo tổ chức hội chợ triển lãm; làm đại lý chia lợi nhuận, như các báo tuyên truyền dự án nhà ở và được chia hoa hồng trên số căn hộ được bán trong thời gian hợp tác; đọc mã vạch chia lợi nhuận, tức các tờ báo in mã vạch của các công ty bán hàng, độc giả chỉ cần quét mã vạch là có thể biết thông tin sản phẩm, đọc sách báo, tải game... (media.people.com.cn) |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận