"Giao tranh dữ dội đang diễn ra ở miền nam Lebanon. Vì sự an toàn cá nhân, chúng tôi yêu cầu các bạn (người dân Lebanon) không di chuyển bằng xe cộ từ phía bắc đến phía nam sông Litani", người phát ngôn Lực lượng Phòng vệ Israel Avichay Adraee cho biết trên Telegram ngày 1-10.
Cùng ngày, Liên Hiệp Quốc cảnh báo Israel tránh mở "cuộc xâm lược trên bộ quy mô lớn" ở Lebanon.
Chưa rõ kéo dài bao lâu
Sông Litani ở miền nam Lebanon đã trở thành trung tâm của cuộc xung đột hiện nay giữa Israel và Hezbollah. Israel tuyên bố họ muốn đẩy Hezbollah ra khỏi phía nam sông Litani.
Người dân địa phương tại thị trấn biên giới Aita al-Shaab của Lebanon cho biết đã có các cuộc pháo kích dữ dội cũng như tiếng trực thăng và drone trên cao. Pháo sáng bắn rực trời phía trên thị trấn biên giới Rmeish của Lebanon.
Quân đội Israel cho biết họ tiến hành "các cuộc tấn công trên bộ với quy mô hạn chế, cục bộ và có mục tiêu dựa trên thông tin tình báo chính xác" nhằm vào Hezbollah ở các ngôi làng phía nam Lebanon gần biên giới. Không quân và pháo binh của Israel cũng tham gia hỗ trợ lực lượng mặt đất bằng các cuộc tấn công chính xác.
"Chiến dịch trên bộ hạn chế" diễn ra trong bối cảnh Israel cũng tấn công vào phía nam thủ đô Beirut (Lebanon), thủ đô Damascus (Syria) và Dải Gaza, bất chấp quốc tế kêu gọi kiềm chế.
Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant cảnh báo cuộc chiến vẫn chưa kết thúc ngay cả sau khi thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah bị tiêu diệt trong cuộc không kích của Israel ở Beirut trước đó.
Chưa rõ chiến dịch này sẽ kéo dài bao lâu, nhưng quân đội Israel thông tin binh sĩ đã được huấn luyện và chuẩn bị cho nhiệm vụ này trong những tháng gần đây.
Trung Đông "đang bất ổn nhất"
Hezbollah trước đó tuyên bố họ "sẵn sàng (đáp trả) nếu Israel quyết định tiến vào bằng đường bộ". Hezbollah là nhóm vũ trang được huấn luyện bài bản, được cho là có hàng chục ngàn chiến binh và kho vũ khí gồm khoảng 150.000 tên lửa, rocket. Đợt giao tranh dữ dội gần nhất giữa Israel và Hezbollah là vào năm 2006.
Gần đây Israel đã giáng những đòn nặng nề vào Hezbollah, lực lượng ủy nhiệm mạnh nhất của Iran tại Trung Đông, trong đó có vụ tiêu diệt thủ lĩnh Hassan Nasrallah của nhóm này tại Beirut vào tuần trước, loại bỏ một nhân vật quan trọng đã biến Hezbollah thành lực lượng quân sự hàng đầu ở Lebanon.
Mỹ và các đồng minh - gồm cả Pháp, quốc gia có quan hệ thân thiết với Lebanon - đã kêu gọi ngừng bắn, hy vọng tránh leo thang căng thẳng hơn nữa vì lo ngại Iran can dự và gây ra một cuộc chiến tranh rộng lớn hơn ở Trung Đông. Tuy nhiên, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu dường như "bỏ ngoài tai" những kêu gọi ấy.
Các chuyên gia chính sách đối ngoại nhận định những cuộc không kích và tấn công trên bộ của Israel ở Lebanon cho thấy khả năng gây ảnh hưởng của Mỹ đối với ông Netanyahu có giới hạn. Việc Israel tiêu diệt thủ lĩnh Hezbollah và sau đó mở cuộc tấn công trên bộ đang làm phức tạp thêm con đường vốn đã mơ hồ để xuống thang căng thẳng ở Trung Đông.
"Câu hỏi đặt ra là điều gì xảy ra tiếp theo? Israel có leo thang không? Hezbollah có leo thang không? Iran có leo thang không? Chúng ta đang ở thời điểm bất ổn nhất kể từ ngày 7-10-2023 (thời điểm xung đột Israel - Hamas nổ ra)", ông Sean McFate, chuyên gia về chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia tại Đại học Syracuse, bình luận.
Thời gian qua, các đồng minh của Iran - từ Hezbollah ở Lebanon cho đến lực lượng Houthi ở Yemen và các nhóm vũ trang ở Iraq - đã tham gia nhiều cuộc tấn công trong khu vực để ủng hộ phong trào Hamas ở Dải Gaza. Những diễn biến mới nhất làm dấy lên lo ngại xung đột sẽ nhấn chìm Trung Đông và lôi kéo Mỹ cũng như Iran can dự.
Theo báo Wall Street Journal, chính quyền Tổng thống Joe Biden đang điều động lực lượng quân sự để ngăn chặn phản ứng của Iran. Ngày 30-9, Lầu Năm Góc cho biết họ có kế hoạch tăng cường số lượng máy bay chiến đấu F-15E, F-16 và A-10 của không quân triển khai tại Trung Đông.
Đây là động thái đáng chú ý vì máy bay chiến đấu F-15E và F-16 từng đóng vai trò chính trong việc bắn hạ drone của Iran khi Tehran tiến hành cuộc tấn công bằng tên lửa và drone vào Israel hồi tháng 4.
1 triệu người ở Lebanon phải sơ tán
Ngày 1-10, Thủ tướng Lebanon Najib Mikati nhận định đất nước ông đang phải đối mặt với "một trong những giai đoạn nguy hiểm nhất trong lịch sử", đồng thời kêu gọi Liên Hiệp Quốc cung cấp viện trợ cho những người dân phải di dời.
"Khoảng 1 triệu người dân của chúng tôi đã phải sơ tán vì cuộc chiến tàn khốc mà Israel đang tiến hành ở Lebanon. Chúng tôi khẩn thiết kêu gọi thêm viện trợ để củng cố những nỗ lực đang diễn ra của mình nhằm cung cấp sự hỗ trợ cơ bản cho những dân thường phải di dời", ông nói trong cuộc gặp các đại diện của Liên Hiệp Quốc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận