Đảo An Bang hôm nay - Ảnh: LÊ ĐỨC DỤC
"Đây, chú thấy cái logo kỷ niệm 40 năm thành lập lữ đoàn có đẹp không, có thấy cái số 146 này không? Số 1 là cái nòng súng treo lá cờ quyết thắng, còn số 46 là phiên hiệu tiền thân của đơn vị".
Vừa chỉ vào logo in rất đẹp trên tấm thiệp mời, vị chỉ huy đầu tiên của Lữ đoàn 146 về dự kỷ niệm 40 năm ngày truyền thống của lữ đoàn - đại tá Cao Ánh Đăng mở đầu câu chuyện như thế.
Năm nay ông đã 90 tuổi. May mắn lắm mới gặp được một chứng nhân lịch sử ở tuổi ấy mà còn minh mẫn.
Hòa bình rồi nhưng không ai được về quê
Đại tá Cao Ánh Đăng - Ảnh: L.Đ.D.
Tháng 1-1975, Trung đoàn 46 bộ binh do thiếu tá Cao Ánh Đăng làm trung đoàn trưởng đang ở Quảng Trị thì nhận lệnh tham gia cuộc tổng tiến công năm 1975.
Có mặt trong chiến dịch Hồ Chí Minh, anh em Trung đoàn 46 tiến về Long Thành, Nhơn Trạch đến Thành Tuy Hạ, sau ngày 30-4-1975 đóng quân ở đó.
"Ngày 19-5-1975, chúng tôi nhận lệnh đưa một tiểu đoàn ra cho Côn Đảo. Hơn một tuần sau, ngày 27-5-1975, Bộ tổng tham mưu quyết định giao cho Bộ tư lệnh Hải quân.
Trung đoàn sáp nhập với Đoàn đặc công 126 thành một lữ đoàn hải quân đánh bộ. Nhiệm vụ chính của lữ đoàn là bảo vệ quần đảo , căn cứ Cam Ranh, đồng thời cơ động bảo vệ bờ biển.
Từ Sài Gòn, chúng tôi ra Cam Ranh, đi tiếp tới Trường Sa.
Nhiều anh em đang phấn khởi vì hòa bình rồi, ai cũng nghĩ rằng sắp được về quê nhà. Nay lại lên tàu ra đảo, sóng nước mịt mù. Không ít người tỏ ra tâm tư" - vị đại tá lão thành trầm ngâm nhớ lại những ngày ấy.
"Trường Sa vốn do quân đội Việt Nam cộng hòa (VNCH) chiếm giữ, những nước lân cận trong vùng biển đều là đồng minh của họ. Nhưng khi ta tiếp quản thì vấn đề khác hẳn, ta không "cùng phe" nữa.
Lúc đó, không chỉ họ đang nhòm ngó ta mà cả một nước lớn xa xôi cũng đang lăm le mò tới. Năm 1975, chúng ta chỉ đóng quân trên năm đảo nổi: Song Tử Tây, Nam Yết, Sinh Tồn, Sơn Ca và Trường Sa.
Đây cũng là thời điểm ta chuẩn bị lực lượng, khí tài cho việc đóng quân trên các đảo mà trước đó phía VNCH dựng bia chủ quyền" - đại tá Cao Ánh Đăng cho biết.
Đảo An Bang xưa - Ảnh tư liệu
Tiếp quản nhiều đảo
Đầu năm 1978, Philippines đưa quân ra chiếm đảo Ponata, khiến tình hình khu vực Trường Sa trở nên phức tạp.
Tiên liệu được tình hình sẽ còn phức tạp hơn, tư lệnh quân chủng Giáp Văn Cương lập tức giao nhiệm vụ cho Trung đoàn 146 phối hợp với một số lực lượng chia thành bốn đoàn ra đóng giữ thêm bốn đảo mới là An Bang, Sinh Tồn Đông, Hòn Sập (sau này đổi thành đảo Phan Vinh) và Trường Sa Đông.
Thiếu tá Cao Ánh Đăng trực tiếp chỉ huy mũi ra An Bang trên tàu HQ601.
"Khi tàu HQ601 ra An Bang, anh em mình lên đảo từ phía bãi cát, đó là phía duy nhất có thể tiếp cận đảo. Ở đây chưa có công sự, lán trại. Anh em mang theo ra đảo rất nhiều bao cát, đổ cát vào đầy để chất làm công sự.
Đang kể, vị đại tá lão thành như sực nhớ - Hôm đổ bộ lên An Bang, đảo đầy đặc chim mà anh em gọi là "vịt biển".
Thịt chim ăn rất ngon, nhưng bọn chim này có nhiều rệp, lính mình ai cũng bị chốc lở do rệp cắn. Anh em dùng thuốc tím bôi lên nốt lở, chỉ mặc quần cộc cởi trần trong nắng để xây dựng công sự, mình mẩy loang lổ trông rất ghê.
Một hôm có chiếc tàu Malaysia kéo đến, đậu ngoài thềm đảo có vẻ uy hiếp lính ta, nhưng chắc nó nhìn vào thấy lính mình loang lổ như vậy nên sợ. Mà sợ là phải, nó biết mình vừa đánh thắng cả Mỹ cơ mà".
Người lính già cười đầy sảng khoái.
Ngày 10-3-1978, sau khi được đóng giữ thành công, chủ nhiệm chính trị trung đoàn Ngô Sĩ Ta dẫn một mũi khác đổ bộ lên Sinh Tồn Đông, hoàn thành triển khai bảo vệ đảo vào ngày 17-3-1978.
Ngày 30-3, mũi tiếp quản đảo Hòn Sập được trung tá tham mưu phó Vũ Xuân Hòa đưa quân lên đóng giữ. Ngày 2-4-1978, mũi của tham mưu trưởng Trung đoàn 146 Nguyễn Trung Cang hoàn thành nhiệm vụ tiếp quản Trường Sa Đông.
"Các anh tới đảo Thuyền Chài chưa? Hỏi vậy để dễ hình dung bãi Thuyền Chài đó dài và rộng lắm.
Sau khi đưa quân ra chốt được ở An Bang, chúng tôi cho tàu đi quanh khu vực để điều nghiên và phát hiện cái bãi này rất đẹp, chạy dài từ bắc xuống nam, khi triều xuống thì mỏm phía nam nhô cao hơn.
Chúng tôi điện về Cam Ranh đề nghị cho tăng cường một lực lượng ra chốt giữ. Tháng 5-1978, tàu 501 chở một phân đội ra bãi Thuyền Chài, nhưng do điều kiện vật chất chưa đảm bảo nên trên cho rút về căn cứ.
Sau này mới lại đưa người ra xây các nhà cao cẳng, bây giờ Thuyền Chài có đến ba điểm đóng quân, giữ vị trí rất quan trọng với khu vực" - ông Đăng nói.
Đại tá Cao Ánh Đăng kể tiếp: "Hồi đó, đi kiểm tra ở khu vực này chúng tôi thấy có tàu cá của Trung Quốc xuống tới đây, chắc chắn tàu đó đi trinh sát giả dạng. Mình tới nói chuyện nhưng họ không biết tiếng.
Bãi Thuyền Chài dài hơn 10 hải lý, mình đuổi đầu này họ lại chạy lên đầu kia. Tôi phải gọi vào bờ xin cho một người thông thạo tiếng Trung Quốc ra. Đó là anh Lương ở Phòng hàng hải.
Anh Lương theo tàu ra, tôi bảo đi cùng tôi tới chiếc tàu cá của Trung Quốc nói rõ đây là vùng biển chủ quyền của Việt Nam, các anh phải rút đi. Anh Lương dịch lại, họ nói họ là tàu của hợp tác xã đánh cá.
Hai bên đang trao đổi qua lại thì có sáu chiếc canô nhỏ chạy tới, trên đó toàn thanh niên. Họ bảo họ là ngư dân, tôi nói ngay: "Ngư dân đi xuống tận đây phải là 30-40 tuổi, đen đúa, chứ ngư dân không trẻ thế này, tôi biết các anh thuộc lực lượng đi trinh sát vùng biển của chúng tôi, cho tàu rút đi ngay".
Đấu tranh quyết liệt, hai tàu chốt hai phía nam - bắc của bãi Thuyền Chài mới rút lui".
Như vậy là năm 1978 bộ đội Lữ đoàn 146 đã chạm mặt với ông láng giềng. Gần mười năm sau, nhiều người lính của Lữ đoàn 146 ngã xuống trong chiến dịch CQ 88, mà đỉnh điểm là cuộc chiến đấu bảo vệ Gạc Ma vào tháng 3-1988.
40 năm tròn kể từ ngày 8-5-1978, không ít người lính của Lữ đoàn 146 hi sinh quên mình trên quần đảo thân yêu. Trong câu chuyện, hễ nhắc tới một điểm đảo nào là đại tá lão thành Cao Ánh Đăng lại nhớ về những người lính nằm xuống trên từng hòn đảo đó...
Liên tục đóng giữ thêm nhiều bãi đá
Lữ đoàn 146 quản lý, bảo vệ 5 đảo ngay thời điểm tháng 4-1975 rồi quản lý, bảo vệ 9 đảo vào tháng 4-1978.
Trong chiến dịch CQ 88, Lữ đoàn 146 hiệp đồng chặt chẽ với các đơn vị bạn vượt qua mọi sự khiêu kích, ngăn cản của đối phương, kịp thời đóng giữ 8 bãi đá mới: Thuyền Chài (5-3-1987); Đá Tây (15-1-1988); Đá Lát (5-2-1988); Tiên Nữ, Đá Lớn (6-2-1988); Đá Đông (18-2-1988); Tốc Tan (27-2-1988); Núi Le (2-3-1988).
Đến hôm nay, quần đảo Trường Sa có 21 đảo và 33 điểm đóng quân!
Ra với Trường Sa mới hiểu hết niềm thiêng liêng và giá trị vô bờ của từng đảo chìm, đảo nổi. Có sách vở nào chép hết xương máu, mồ hôi nước mắt của người lính Việt Nam trên quần đảo bão tố mà những cán bộ chiến sĩ của Lữ đoàn 146 là lực lượng nòng cốt!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận