Phóng to |
Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida đã bắn tín hiệu nói có thể để Mỹ đưa vũ khí hạt nhân vào Nhật trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry - Ảnh: AFP |
Theo Kyodo, khoảng 331kg plutonium được làm giàu tới mức độ có thể sản xuất vũ khí đã được Mỹ bàn giao cho Nhật từ thời chiến tranh lạnh. Theo ước tính, số plutonium này có thể sản xuất 40-50 trái bom hạt nhân. Ngoài ra, Tokyo cũng sở hữu khoảng 40 tấn plutonium có thể sử dụng cho các lò phản ứng hạt nhân.
Thông tin này không gây ngạc nhiên vì từ lâu giới quân sự vẫn nói Tokyo có các cơ sở để có thể nhanh chóng triển khai vũ khí hạt nhân - đặc biệt để đối phó với tình hình ở bán đảo Triều Tiên. Theo Kyodo, Washington đã thúc giục Nhật Bản trả plutonium từ năm 2010 nhưng đến giờ Tokyo vẫn trì hoãn trong việc trả số nguyên liệu này. Hai bên dự kiến có cuộc gặp thứ ba vào tháng 3-2014 để bàn về vấn đề này.
Tới ngày 17-2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh bày tỏ “quan ngại sâu sắc” và hối thúc Nhật Bản trả lại 331kg plutonium này.
“Trong một thời gian khá dài Nhật Bản né tránh trả lại số nguyên liệu hạt nhân cấp độ vũ khí và điều này gây lo ngại cho cộng đồng thế giới. Trung Quốc cũng quan ngại sâu sắc và mong chờ một lời giải thích từ Nhật Bản” - bà Hoa tuyên bố. Theo bà Hoa, việc nắm giữ một lượng lớn plutonium cấp độ vũ khí của Tokyo đi ngược lại nguyên tắc của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế về cân bằng giữa cung và cầu nguyên liệu hạt nhân. Bà cũng yêu cầu Nhật Bản, với tư cách là thành viên của Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân, cần tuân thủ các quy định về an ninh hạt nhân và sớm trả lại số nguyên liệu trên.
Chỉ trước đó một vài ngày, Tokyo đã ngụ ý Mỹ có thể đưa vũ khí hạt nhân vào Nhật Bản trong trường hợp khẩn cấp. Thông tin này gây lo ngại cho Bắc Kinh, đặc biệt khi hai nước đang căng thẳng quanh vấn đề chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông.
Tờ China Daily cũng bồi thêm khi trích lời các chuyên gia bày tỏ lo ngại về an toàn của số plutonium trong tay Nhật Bản trong trường hợp xảy ra tấn công khủng bố. Tờ này dẫn bản tin của Hãng AP năm 2012 về việc Tokyo định tái xử lý các nguyên liệu hạt nhân đã qua sử dụng ở cơ sở Rokkasho, “đồng nghĩa với việc chiết xuất plutonium có thể dùng để chế tạo vũ khí hạt nhân”.
Theo ông Wu Huaizhong - Viện nghiên cứu Nhật Bản (Đại học Khoa học xã hội Trung Quốc), mặc dù Mỹ muốn đồng minh của mình gánh vác thêm các trách nhiệm an ninh tại Đông Á thì họ vẫn không muốn Nhật sở hữu vũ khí hạt nhân. “Ngày nay có hai lằn ranh đỏ mà Nhật Bản không được phép vượt qua: một là không sở hữu vũ khí hạt nhân, hai là rời khỏi liên minh với Mỹ” - ông Wu nhấn mạnh.
Bắc Kinh đưa ra phản ứng gay gắt sau khi Ngoại trưởng Nhật Fumio Kishida cuối tuần trước ngụ ý Tokyo có thể cho phép Mỹ đưa vũ khí hạt nhân vào Nhật Bản trong trường hợp khẩn cấp đe dọa đến tính mạng của công dân Nhật.
Trước đó, Tokyo cũng nhận được cam kết từ Ngoại trưởng Mỹ John Kerry rằng Washington sẽ bảo vệ Nhật Bản trong trường hợp xảy ra xung đột trong tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc.
Hãng Kyodo cho biết trong cuộc gặp với các bộ trưởng Nhật Bản, ông Kishida đã vạch ra các điều kiện khiến chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe đưa ra ngoại lệ đối với lập trường lâu nay của Nhật Bản trong việc sở hữu, sản xuất hoặc cho phép vũ khí hạt nhân vào biên giới nước này.
Cựu ngoại trưởng Nhật Katsuya Okada năm 2010 tiết lộ rằng Nhật Bản và Mỹ có các thỏa thuận trong thời chiến tranh lạnh, cho phép Mỹ mang các tàu ngầm vũ trang hạt nhân vào các cảng của Nhật. Thỏa thuận này đã kết thúc vào đầu những năm 1990.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận