Căn cứ không quân Thule của Mỹ ở Greenland - Ảnh: afspc.af.mil
Thế nhưng lời đề nghị mua lại Greenland gây xôn xao tuần qua của ông Donald Trump không chỉ rất thật, mà còn ẩn giấu nhiều dụng ý sâu xa.
Năm 1803, tổng thống Hoa Kỳ Thomas Jefferson từng mua vùng lãnh thổ Louisiana từ Pháp với giá 15 triệu USD, mà theo trang tính giá cũ - giá mới có bù trừ lạm phát và các yếu tố khác thì tương đương 340 triệu USD vào năm 2019.
Năm 1867, tổng thống Andrew Johnson mua Alaska của đế quốc Nga với giá 7,2 triệu USD (125 triệu USD ngày nay). Đó rõ ràng đều là những món hời lớn, nhưng các thương vụ trên đều đi kèm yếu tố chính trị - quân sự quan trọng khiến các bên bán có muốn giữ cũng khó.
Mới tuần rồi, ông Trump đã bày tỏ ý định nghiêm túc mua Greenland từ Đan Mạch. Chúng ta chẳng bao giờ biết được giá cả thế nào vì "thương vụ" đã đổ vỡ từ trước khi bắt đầu, kéo theo là một sự cố ngoại giao nho nhỏ. Thật là một thời đại đáng sống!
Là một người Mỹ, thú thật tôi cũng không biết phải giải thích bắt đầu từ đâu. Thôi thì bắt đầu với chính Greenland vậy. Đó là hòn đảo lớn nhất thế giới dân cư thưa thớt ở bắc Đại Tây Dương và Bắc Băng Dương, không xa những đảo cấu thành phần cực bắc Canada.
Đảo đó lớn, nhưng nó không lớn như ta vẫn thấy trên các bản đồ phẳng hai chiều, nơi mà Greenland lớn gần bằng châu Phi (thực ra đảo đó nhỏ hơn nước Úc).
Và dù tên là "green", nó không được xanh lắm: 80% hòn đảo là băng giá. Dân cư chủ yếu là người Inuit, gần như chỉ sống ở vùng bờ biển phía tây không bị đóng băng.
Về mặt chính trị, Greenland là một vùng tự trị thuộc Vương quốc Đan Mạch. Đây có lẽ là vấn đề lớn nhất với ý tưởng của Trump: không thể đơn giản "mua" Greenland từ Đan Mạch, bởi đây không phải là một thuộc địa hay lãnh thổ "thuộc sở hữu" Đan Mạch.
Người dân Greenland đã tự trị từ rất lâu đời và sẽ phải tổ chức trưng cầu ý dân nếu có bất kỳ sự chuyển đổi chủ quyền nào sang một quốc gia khác. Sự tự trị đó là điều mà Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen đã nói tới cụ thể, khi gọi ý tưởng của Trump là "lố bịch": "Greenland không thuộc về Đan Mạch. Greenland là của người Greenland. Tôi chắc chắn hi vọng rằng điều đó có ý nghĩa nghiêm túc".
Nhưng ông Trump cũng nghiêm túc - và công bằng mà nói, mua đất mới không phải là không có tiền lệ trong lịch sử Mỹ. Vụ mua Louisiana và Alaska chỉ là những ví dụ nổi tiếng nhất: Mỹ từng mua lãnh thổ của Đan Mạch.
Quần đảo Virgin thuộc Mỹ ở Caribê hiện giờ được mua lại từ Đan Mạch với giá 25 triệu USD vào năm 1917. Đây cũng không phải lần đầu Mỹ đề nghị mua Greenland: tổng thống Harry S. Truman từng đưa ra đề nghị 100 triệu USD cho hòn đảo này (lúc đó còn là thuộc địa, chứ chưa phải vùng tự trị của Đan Mạch) vào năm 1946 nhưng bị từ chối.
Lý do mua hòn đảo này cũng đã thay đổi theo thời gian. Vào thời Truman, Hoa Kỳ muốn duy trì các căn cứ quân sự họ đặt trên đảo này trong Thế chiến II.
Còn ngày nay, trong khi không ai biết chắc ý định của ông Trump, lý do khả dĩ nhất có lẽ là kinh tế. Greenland có trữ lượng kim loại quý như uranium, dầu mỏ rất lớn và những nguồn tài nguyên đó trở nên dễ tiếp cận hơn bao giờ hết khi biến đổi khí hậu ngày càng khiến lớp băng của Greenland mỏng đi.
Mỹ cũng có lợi ích chiến lược trong việc kiểm soát nguồn cung đất hiếm của Greenland. Nguồn tài nguyên tối cần thiết cho hoạt động sản xuất thiết bị công nghệ này hiện chủ yếu được khai thác ở Trung Quốc và với diễn biến cuộc thương chiến hiện giờ, Mỹ có lẽ sẽ sớm cần nguồn lực này.
Mối quan tâm của ông Trump với Greenland không phải là mới đây. Báo chí Mỹ nói ông đã trao đổi không công khai về đề tài này được ít nhất một năm và theo New York Times, ông thậm chí đã phân công các thành viên trong Hội đồng An ninh quốc gia của ông nghiên cứu ý tưởng này. Nhưng ý tưởng này đã được giữ kín tới khi được tờ Wall Street Journal đưa tin ngày16-8.
Từ đó câu chuyện lan đi nhanh chóng. Washington Post cũng trong hôm đó dẫn hai nguồn nặc danh nói việc ông Trump khăng khăng bắt cấp dưới tìm hiểu cách mua lại hòn đảo "làm các trợ lý bối rối, một số người vẫn không tin rằng chuyện đó là nghiêm túc".
Trên mạng, nhất là trên Twitter, ý tưởng đó bị bỉ bai đủ kiểu. Tới tuần trước, ngay cả Trump có vẻ cũng không xem trọng đề xuất của ông khi đăng một tấm ảnh chế với tòa tháp Trump dán vào vùng ven biển lởm chởm đất đá xám xịt của Greenland kèm bình luận: "Tôi hứa không làm chuyện này ở Greenland!".
Một ngày sau khi thủ tướng Đan Mạch nói đề nghị đó là "lố bịch", Trump nhắn trên Twitter rằng ông đã hủy chuyến thăm dự kiến vào tháng 9 tới Đan Mạch: "Thủ tướng đã tiết kiệm được nhiều chi phí và nỗ lực cho cả Mỹ và Đan Mạch khi thẳng thắn như thế. Tôi cảm ơn bà ấy và mong đợi sẽ sắp xếp được lịch trình trong tương lai!".
Theo tiêu chuẩn những bài đăng cực kỳ xấu tính của Trump trên Twitter, tuyên bố đó lịch sự đến ngỡ ngàng.
Nhưng sự lịch sự đó không kéo dài được lâu. Vào thứ tư, phát biểu với các phóng viên bên ngoài Nhà Trắng, Trump nói tuyên bố của thủ tướng Đan Mạch là "đáng kinh tởm". "Bà ấy đang nói chuyện với Hợp chủng quốc Hoa Kỳ.
Không được phép nói chuyện với Hoa Kỳ kiểu đó, ít ra là dưới quyền tôi" - ông nói. Tới cuối tuần, Trump lại tweet về đóng góp quá thấp của Đan Mạch cho NATO và chê bai liên minh NATO nói chung.
Nhiều khả năng những cãi cọ sẽ không leo thang xa hơn, nhưng chọc giận một đồng minh then chốt với một kế hoạch nửa vời hầu như không thể thành công có vẻ là một động thái chính trị thiếu khôn ngoan nữa trong danh sách dài những bước đi gây tranh cãi của Trump.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận