03/11/2020 06:22 GMT+7

Trump - Biden: Ai thắng?

NHẬT ĐĂNG ghi
NHẬT ĐĂNG ghi

TTO - 6h sáng nay 3-11 (giờ bờ Đông nước Mỹ, tức 18h giờ Việt Nam), một số bang như New York, Indiana, Kentucky, New Hampshire, Vermont, Maine, Connecticut, Virginia bắt đầu mở điểm bỏ phiếu cho cử tri đi bầu trực tiếp để chọn ra tổng thống nước Mỹ.

Trump - Biden: Ai thắng? - Ảnh 1.

Tổng thống Donald Trump (phải) và ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden Ảnh: AFP

Hơn 7,5 tỉ người trên thế giới sẽ chứng kiến một sự kiện bầu cử ảnh hưởng bậc nhất đến thế giới, có thể khiến nước Mỹ và toàn cầu bước vào một ngã rẽ quan trọng, bởi Tổng thống Donald Trump và ứng viên Đảng Dân chủ Joe Biden có quan điểm hầu như trái ngược nhau trong nhiều vấn đề quan trọng: đại dịch COVID-19, y tế, nhập cư và chính sách đối ngoại.

Trước giờ G, từ Mỹ, các chuyên gia am hiểu về chính trường Mỹ trao đổi góc nhìn với Tuổi Trẻ về điểm mạnh yếu của từng ứng viên cũng như dự đoán chính sách đối ngoại của nước Mỹ hậu bầu cử.

* Ông TÔ HOÀNG (ĐH Syracuse, Mỹ):

anh box4

“Trưng cầu ý dân” về di sản Trump

Lần bỏ phiếu này không chỉ đơn thuần là một cuộc bầu cử thông thường mà sẽ là “cuộc trưng cầu ý dân” về di sản 4 năm qua của Tổng thống Trump.

Kinh tế Mỹ, như nhiều cử tri Đảng Dân chủ cũng thừa nhận, là một thành quả không thể phủ nhận trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Trump cho dù có thể không đến mức “chưa từng có” như trong nhiều phát biểu vận động tranh cử của ông.

Những cam kết của ông Trump về việc cắt giảm thuế và thủ tục đã giúp nền kinh tế đang đà phục hồi, ít nhất là cho đến khi dịch COVID-19 bùng phát. Dù ai giành thắng lợi thì nhiều chính sách kinh tế đang phát huy hiệu quả của ông Trump chắc chắn sẽ vẫn được tiếp tục.

Trái ngược với thành quả kinh tế, trong nhiều thập kỷ kể từ sau cuộc chiến tranh ở Việt Nam, xã hội Mỹ chưa bao giờ có sự phân hóa sâu sắc như hiện nay. Cuộc bầu cử lần này đối với nhiều cử tri Mỹ không đơn thuần chỉ là sự lựa chọn giữa Trump hay Biden, mà còn là cuộc chiến giữa những người “ủng hộ Trump” và “chống Trump”.

Dù rằng sự chia rẽ về quan điểm chính trị luôn tồn tại trong suốt chiều dài lịch sử nước Mỹ nhưng hiếm khi nào bị đẩy lên một mức cao như cuộc bầu cử lần này.

Với hệ thống chính trị Mỹ, dù chỉ với một nhiệm kỳ 4 năm trong Nhà Trắng, ông Trump đã để lại dấu ấn của mình trong nền tư pháp Mỹ hơn bất kỳ một tổng thống Dân chủ hoặc Cộng hòa nào trong gần 50 năm qua.

Chỉ trong vòng 4 năm, với việc chỉ định 3 thẩm phán Tòa án tối cao Mỹ với nhiệm kỳ suốt đời (chỉ sau tổng thống Nixon) và 53 thẩm phán trong các tòa án phúc thẩm các cấp (gần tương đương với 8 năm của cựu tổng thống Obama), hệ thống tư pháp Mỹ sẽ đi theo con đường thiên hữu trong nhiều năm tới dù ông Biden lên nắm quyền cũng khó có thể thay đổi.

Về đối ngoại, khác với những người tiền nhiệm, ông Trump đã bỏ qua những chủ thuyết đối ngoại thông thường khi đặt “nước Mỹ trên hết” trong tất cả các mối quan hệ quốc tế của nước Mỹ. Ông không ngại va chạm với các đồng minh như NATO, bắt tay với các đối thủ như Nga, phá bỏ những thỏa ước đã có như với Iran, tạo ra những kẻ thù mới như Trung Quốc.

Chủ thuyết “nước Mỹ trên hết” của ông đã đánh vào những gì mà nhiều cử tri Mỹ mong đợi nhưng cũng tạo ra những hoài nghi về vai trò của nước Mỹ trên thế giới.

Sự xuất hiện của ông Trump trong nền chính trị Mỹ cũng đánh dấu sự nổi lên của một mô hình lãnh đạo mới mang nhiều tính dân túy. Khác với các “nhà lãnh đạo kinh điển” trước đây, các nhà lãnh đạo như ông Trump ít chịu sự ràng buộc của phép tắc thông thường, hành xử theo bản năng và theo những gì mà cử tri mong muốn. Mô hình lãnh đạo mới này sẽ không đơn giản mất đi cho dù ông Trump có tiếp tục ngồi lại Nhà Trắng hay không.

Cuối cùng và cũng bao trùm lên hết là sự đảo lộn của xã hội và chính trị Mỹ trong 4 năm qua, dù theo hướng tốt lên hay xấu đi. Những đảo lộn này hoặc sẽ trở thành “bình thường mới” nếu ông Trump giành thắng lợi hoặc sẽ quay trở lại “trạng thái cũ” trong trường hợp ông Biden thắng cử trong ngày 3-11.

* Ông TRẦN ĐỨC CẢNH (nguyên giám đốc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực bang Massachusetts, Mỹ):

anh box3

Ông Trump khó thắng

Thực chất năm nay sự tập trung của hai bên chỉ dành cho các bang chiến địa. Các bang còn lại xem như đã nghiêng về Dân chủ (xanh) hay Cộng hòa (đỏ). Ví dụ California có 55 đại cử tri đã nghiêng về Dân chủ, còn Alabama có 9 đại cử tri đã nghiêng theo Cộng hòa.

Qua gần 4 năm làm tổng thống, cử tri Mỹ đã khá rõ về Tổng thống Trump. Là nhân vật gây tranh cãi của nước Mỹ và cả thế giới, lằn ranh giữa ủng hộ và chống đối ông rõ chưa từng có.

Thăm dò cho thấy cử tri ủng hộ ông phần lớn thuộc tầng lớp công nhân, dân vùng nông thôn, chưa tốt nghiệp đại học, dân da trắng lớn tuổi, bảo thủ..., đa số bất mãn với chính quyền liên bang nhiều năm.

Số chống ông Trump phần lớn là giới trí thức, da trắng cấp tiến, dân thiểu số (ngoại trừ gốc Việt). Thậm chí không ít cử tri Cộng hòa cho rằng hiện nay là “đảng Trump” chứ không còn Cộng hòa truyền thống, nên quay sang ủng hộ Biden.

Theo một số thăm dò, số cử tri đã bỏ phiếu trước 3-11 nghiêng về Dân chủ. Điểm mạnh của ông Trump hiện nay là có lượng cử tri trung thành, và câu hỏi đặt ra là số lượng này có tăng vọt giờ chót hay không. Tôi cho rằng số cử tri này sẽ đi bầu đông hơn vào ngày 3-11.

* TS SATORU NAGAO (Viện Hudson, Mỹ):

anh box2

Cần theo dõi chính sách với Trung Quốc

Ảnh hưởng từ bầu cử Mỹ sẽ phản ánh rõ trong chính sách đối ngoại của nước này. Đặc biệt nếu Mỹ thay đổi chính sách về Trung Quốc, đây là điều sẽ ảnh hưởng nhiều đến thế giới.

Chính sách của chính quyền Trump chống đối quyết liệt Trung Quốc. Kết quả là nhiều quốc gia đã hình thành chính sách của họ theo lập trường của Mỹ.

Nếu Mỹ thay đổi chính phủ, và chính sách của họ có thay đổi, những quốc gia và vùng lãnh thổ như Israel, Saudi Arabia, Ấn Độ, Đài Loan, Nhật Bản và Indonesia cần làm gì?

Nếu ông Trump thắng cuộc bầu cử, chính sách đối ngoại hiện tại được cho là sẽ tiếp tục, những quốc gia trên không cần thay đổi. Nếu ông Biden thắng và chọn cách làm tương tự, những nước trên cần hoạch định lại chính sách của họ.

Hiện tại ông Biden vẫn chưa công bố chính thức về chính sách Trung Quốc. Điều đó cho thấy chính sách Trung Quốc của ông vẫn chưa được ấn định. Vì vậy nếu ông Biden thắng cuộc bầu cử, chính phủ của ông sẽ đối mặt với một cơn “hoảng loạn” thời điểm mới bắt đầu.

Nhưng cùng lúc đó, Trung Quốc đã đuổi kịp cùng Mỹ trong việc hiện đại hóa quân đội, phát triển kinh tế và đầu tư vào công nghệ. Trong năm 2018, Trung Quốc đã đạt 25% ngân sách quốc phòng so với Mỹ, 40% GDP của Mỹ, 80% ngân sách đầu tư và phát triển của Mỹ. Trong đại dịch COVID-19, có khả năng rằng khoảng cách này đã được thu hẹp.

Nếu ông Biden thắng cử, ông ấy sẽ đối mặt với tình thế đó và phải chọn cạnh tranh lâu dài cùng Trung Quốc. Dự kiến mục tiêu cạnh tranh lâu dài của ông với chính sách Trung Quốc có nhiều điểm tương đồng với chính quyền Trump, bởi vì cả hai chính phủ sẽ phải đối mặt với cùng một đối thủ cạnh tranh là Trung Quốc.

000_8ud4um 2(read-only)

Các công nhân lắp thanh chắn bảo vệ cửa hàng La Perla tại Beverly Hills (California) nhằm đề phòng bạo lực xảy ra sau khi có kết quả bầu cử - Ảnh: AFP

* Ông VŨ TIẾN HỒNG (phó giáo sư, ĐH Kansas, Mỹ):

anh box1

Ưu thế và bất lợi của ông Trump

Nếu chỉ dựa trên một số thăm dò, rõ ràng ông Biden đang dẫn trước dù khoảng cách không quá xa. Hơn nữa, ông Trump gần đây cũng đã thu hẹp khoảng cách.

Điều này khiến việc dự đoán kết quả càng trở nên khó khăn. Bốn năm trước, Hillary Clinton luôn dẫn trước ông Trump trong các cuộc thăm dò nhưng vẫn thất bại.

Một điểm nữa làm cho tình hình càng khó dự đoán là 5 ngày trước bầu cử, thống kê về phiếu bầu sớm tại một số bang như Texas đã vượt kỷ lục.

Ngoài ra, ở các bang khác như Florida, Nevada hay Iowa, ban đầu số lượng cử tri Đảng Dân chủ đi bầu sớm vượt xa cử tri Cộng hòa, nhưng càng gần về ngày bầu cử số lượng cử tri Cộng hòa ngày càng tăng nhanh.

Tuy vậy, ông Biden có nhiều lợi thế hơn bà Clinton cách đây 4 năm. Điểm đầu tiên nằm vào vấn đề giới tính, khi nước Mỹ có vẻ vẫn chưa sẵn sàng cho việc có một nữ tổng thống, và kế đến là ông Biden không có nhiều vết đen về lý lịch như bà Clinton.

Ngoài ra, tình hình nước Mỹ trước bầu cử cũng không thuận lợi cho Tổng thống Trump, đặc biệt việc số ca nhiễm COVID-19 tăng cao trên cả nước. Áp lực từ nền kinh tế nhiều nơi tê liệt cũng như gói kích cầu thứ hai không được thông qua có thể dẫn tới việc cử tri chịu ảnh hưởng của COVID-19 dùng lá phiếu để thể hiện sự thất vọng của mình với chính quyền đương nhiệm.

Hi vọng của ông Trump lúc này có thể được đặt vào thông tin lạc quan về vắcxin, chính sách đối với Trung Quốc hoặc tiếp tục nhấn mạnh tình hình việc làm sáng sủa hơn để thu hút cử tri.

Ngược lại, ông Biden tập trung vào những “lỗi” của chính quyền đương nhiệm như COVID-19 cũng như những vấn đề trọng yếu của Đảng Dân chủ là bảo hiểm y tế, giáo dục và môi trường.

Tình hình các bang chiến địa hiện nay cho thấy ông Trump có thể giành ưu thế ở Florida, Arizona hay North Carolina; còn ông Biden kỳ vọng vào Michigan, Wisconsin và Pennsylvania.

Thăm dò ý kiến

Theo dự đoán của bạn ai sẽ trở thành tổng thống Mỹ vào năm 2020?

Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.

Vì sao ông Trump thu hút đám đông ủng hộ hơn ông Biden? Vì sao ông Trump thu hút đám đông ủng hộ hơn ông Biden?

TTO - Trong những ngày cuối cùng trước ngày bầu cử 3-11, hình ảnh các điểm tổ chức vận động của Tổng thống Donald Trump và ứng viên Đảng Dân chủ Joe Biden tương phản mạnh và phản ánh đúng lập trường của mỗi bên đối với đại dịch COVID-19.


NHẬT ĐĂNG ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp