08/11/2024 11:51 GMT+7

Trump 2.0 và những điều cần làm

Với đường lối chính sách 'không giống ai' của ông Donald Trump cùng sự ảnh hưởng sâu rộng của nước Mỹ trên vũ đài chính trị thế giới, quan hệ quốc tế chắc chắn sẽ chứng kiến nhiều biến động và thay đổi 'chưa từng có' với phiên bản mới Trump 2.0.

Trump 2.0 và những điều cần làm - Ảnh 1.

Ông Donald Trump phát biểu tuyên bố chiến thắng trước những người ủng hộ vào rạng sáng 6-11 tại Florida (Mỹ) - Ảnh: Reuters

Với nhiều bất ngờ và thất thường trong nhiệm kỳ đầu tiên, không khó để dự đoán chính sách đối ngoại Mỹ dưới thời Tổng thống Trump 2.0 cũng sẽ mang dáng dấp của một nước Mỹ mạnh mẽ. 

Từ chiến sự Nga - Ukraine kéo dài đến cuộc xung đột ở Trung Đông và căng thẳng với Trung Quốc, giới quan sát đều nhận định những quyết định của ông sẽ ảnh hưởng đáng kể đến tình hình quốc tế.

Chờ giải pháp cho các xung đột

Chiến sự Nga - Ukraine đã bước sang năm thứ 3 với rất nhiều bộn bề, phức tạp. Cuộc chiến đã khiến cho vị thế nước Mỹ và tình hình an ninh, chính trị của châu Âu trở nên vô cùng "rối ren". Nước Mỹ dưới thời ông Biden đã dần mất đi vai trò "dẫn dắt" trong các vấn đề thế giới và khu vực, vì vậy sự trở lại của ông Trump được kỳ vọng sẽ giải quyết "rốt ráo" cuộc chiến này.

Ông Trump đã từng tuyên bố khi đang tranh cử là "sẽ chấm dứt cuộc chiến dai dẳng giữa Nga và Ukraine trong vòng 24 giờ bằng cách gây sức ép buộc Ukraine phải đàm phán nếu không sẽ cắt viện trợ". Nước Mỹ đã tốn kém rất nhiều vì cuộc chiến này, vì vậy một trong những ưu tiên hàng đầu của ông Trump khi nhậm chức là giải quyết và tìm cách chấm dứt cuộc chiến dai dẳng đó.

Nhìn chung, giới quan sát tỏ ra hoài nghi đối với bất kỳ kịch bản tích cực nào cho Ukraine. Theo phân tích của GS Peter Skerry từ Đại học Boston, ông Trump nhiều khả năng sẽ thúc đẩy một thỏa thuận giữa Matxcơva và Kiev, mà theo đó đòi hỏi "Ukraine phải nhượng bộ nhiều hơn".

Thậm chí ông Trump còn đề xuất Ukraine nên chấp nhận mất một số lãnh thổ để có hòa bình - điều mà Ukraine và các đồng minh châu Âu đã nhiều lần phản đối. Ông Trump thường tỏ ra thận trọng trong việc chỉ trích ông Putin, khiến giới phân tích cho rằng nhiệm kỳ thứ hai của ông có thể đánh dấu sự nới lỏng áp lực đối với Nga. 

Ông cũng từng nhiều lần chỉ trích chi tiêu của Mỹ cho Ukraine, cho rằng châu Âu nên gánh vác nhiều hơn. Bà Leslie Vinjamuri, giám đốc chương trình Mỹ tại Chatham House, cho rằng ông Trump có thể cắt giảm viện trợ và khiến Ukraine rơi vào thế đơn độc đối mặt với Nga.

Tuy nhiên chính quyền ông Trump sẽ phải đối diện với một lực cản khác từ NATO - tổ chức mà ông đã từng chỉ trích. Trước đây, NATO đã cố gắng "miễn nhiễm Trump" nhằm đảm bảo các cam kết với Ukraine không bị ảnh hưởng vì những thay đổi trong chính sách của Mỹ. 

Thêm nữa, cuộc chiến trên thực địa ở Ukraine sắp bước vào những tháng mùa đông với điều kiện thời tiết không phù hợp để bất kỳ bên nào "tăng tốc". Do đó giới quan sát cần thêm thời gian để xem xét liệu Trump 2.0 sẽ "liệu cơm gắp mắm" ra sao giữa ưu tiên "nước Mỹ trên hết" và lợi ích của đồng minh.

Bên cạnh xung đột Nga - Ukraine, vấn đề Israel cũng sẽ được ưu tiên hàng đầu đối với chính quyền Trump. Trump 2.0 có thể tiếp tục duy trì quan điểm ủng hộ mạnh mẽ Israel, như ông đã từng làm trong nhiệm kỳ trước. 

Theo phân tích của ông Mustafa Barghouti, lãnh đạo Phong trào Sáng kiến quốc gia Palestine, ông Trump có thể gây sức ép buộc Israel nhanh chóng kết thúc xung đột ở Gaza, song điều này có thể khiến tình hình căng thẳng hơn nếu không đi kèm với các giải pháp "thỏa đáng".

Đồng thời ông Trump sẽ tiếp tục mở rộng Hiệp ước Abraham - một loạt các thỏa thuận bình thường hóa quan hệ giữa Israel và các nước Ả Rập, được cho là "thành công lớn" trong nhiệm kỳ đầu của ông. 

Với sự trở lại của ông Trump, triển vọng về một "Trung Đông mới" có thể được thúc đẩy, nhưng điều này sẽ đi kèm với sự gia tăng xung đột nếu thiếu sự can thiệp hòa giải từ quốc tế.

Trump 2.0 và những điều cần làm - Ảnh 2.

Nguồn: Forbes - Dữ liệu: thanh hiền - Đồ họa: T.ĐẠT

Chiến lược mới với Trung Quốc?

Một trong những vấn đề lớn nhất trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump là cuộc thương chiến với Trung Quốc, và dường như đây vẫn sẽ là trọng tâm của chính quyền Trump 2.0. 

Trong các cuộc phỏng vấn gần đây, ông Trump tuyên bố sẽ áp thuế quan cao lên hàng hóa Trung Quốc và hạn chế sự phụ thuộc của Mỹ vào nguồn cung từ Trung Quốc. Chính sách của ông được xem là bước tiếp nối từ chiến lược của ông Biden, khi mà lưỡng đảng đều thống nhất Trung Quốc là mối đe dọa lớn nhất đối với an ninh quốc gia Mỹ.

Tuy nhiên ông Trump dường như sẵn sàng áp dụng các biện pháp khắt khe hơn, với lời hứa sẽ tăng thuế lên đến 60% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Điều này có thể làm sâu sắc thêm sự phân ly giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. 

Ngoài ra, trong lĩnh vực công nghệ, Trump 2.0 dự kiến sẽ tiếp tục các biện pháp kiểm soát khắt khe đối với công nghệ cao từ Trung Quốc, đặc biệt là ngành công nghiệp bán dẫn - lĩnh vực mà Mỹ xem là quan trọng chiến lược.

Ông Trump cũng đã thể hiện sự hoài nghi đối với cam kết của Mỹ trong việc bảo vệ Đài Loan. Ông tuyên bố Đài Loan cần phải trả chi phí quốc phòng cao hơn nếu muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ Mỹ - một động thái có thể làm thay đổi cán cân quyền lực ở eo biển Đài Loan. 

Dù khó có khả năng ông Trump từ bỏ hoàn toàn việc ủng hộ Đài Loan, nhưng chính sách của ông có thể sẽ biến thành "con bài mặc cả" trong các cuộc thương lượng với Trung Quốc, và điều này đặt ra một mối lo ngại cho sự ổn định tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Trump 2.0 và những điều cần làm - Ảnh 3.Tiền ‘tấn’ của tỉ phú Elon Musk đã giúp ông Trump thắng cử?

Trong buổi tiệc sôi động vào đêm bầu cử 5-11, tỉ phú Elon Musk ngồi cách tổng thống đắc cử Donald Trump hai ghế, nhận nhiều lời khen ngợi về vai trò quyết định của ông trong chiến thắng của ứng viên Cộng hòa.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp