Nhật hoàng Naruhito - Ảnh: AFP
Nhật hoàng Naruhito sẽ lên ngai vàng cao 6,5m và hoàng hậu Masako sẽ ngồi trên ngai vàng Michodai bên cạnh.
Lễ đăng quang trong 30 năm
Đây là buổi lễ đăng quang đầu tiên được tổ chức trong gần 30 năm qua ở Nhật. Nó đặc biệt bởi vì thân sinh ông Naruhito, thái thượng thiên hoàng Akihito (85 tuổi), đã trở thành vị vua đầu tiên trong lịch sử hơn 200 năm của Nhật Bản chủ động xin thoái vị vì tuổi già sức yếu.
Các nghi lễ trọng thể trong ngày 22-10 sẽ chính thức hóa việc đăng quang của Nhật hoàng Naruhito và nó được tổ chức trang trọng để nước Nhật giới thiệu với thế giới về vị vua mới của đất nước họ.
Ngày trọng đại với nước Nhật sẽ bắt đầu bằng một nghi lễ riêng, trong đó vị vua mới sẽ báo cáo việc lên ngôi của mình trước các đấng tiền nhân. Sau đó ông sẽ cùng hoàng hậu Masako trong lễ phục (nhà vua sẽ mặc chiếc hoàng bào màu vàng cam sẫm, trang phục các Nhật hoàng chỉ mặc trong những dịp đặc biệt) xuất hiện ở nơi tôn nghiêm nhất của hoàng cung.
Lễ đăng quang trước đây của Nhật hoàng Akihito vào tháng 11-1990 được tiến hành theo nghi thức lễ đăng quang của cha ông, nhà vua Hirohito. Lần này, Chính phủ Nhật Bản cũng quyết định sẽ làm theo nghi lễ của triều đại Akihito. Tuy nhiên, thái thượng hoàng Akihito và thái thượng hoàng hậu Michiko sẽ không tham dự buổi lễ đăng quang của Nhật hoàng Naruhito.
Theo Hãng tin Kyodo, buổi lễ đăng quang dự kiến kéo dài 30 phút. Các thị thần sẽ mang 2 trong 3 vật phẩm gồm thanh kiếm và ngọc quý của nhà vua - vật nhà vua thừa kế từ vua cha từ tháng 5 để làm bằng chứng cho sự lên ngôi.
Khi màn cửa của Takamikura (ngai vàng Hoa cúc) mở ra, nhà vua Nhật Naruhito sẽ đứng lên và phát biểu. Thủ tướng Abe Shinzo sau đó sẽ gửi chúc mừng từ phòng khánh tiết và dẫn các vị khách theo tiếng hoan hô chúc mừng sự trường thọ của nhà vua.
Sau đó, tân Nhật hoàng chủ trì một buổi tiệc trà với các khách mời hoàng gia, trong khi Thủ tướng Abe chủ trì buổi dạ tiệc chúc mừng với sự tham dự của khoảng 900 quan khách tại khách sạn New Otani ở Tokyo.
Trước đó, để tỏ lòng tôn trọng và tiếc thương những nạn nhân thiệt mạng trong siêu bão Hagibis mới đây cùng người thân của họ, lễ diễu hành trên xe mui trần kéo dài khoảng 30 phút trong lễ đăng quang của nhà vua đã được dời lại ngày 10-11.
Nghi thức gặp gỡ thân mật và ấm cúng với người dân bằng chuyến diễu hành trên xe mui trần này cũng bắt đầu có từ lễ đăng quang của ông Akihito.
Những đồng cảm, sẻ chia cùng người dân trong hoạn nạn đã trở thành một truyền thống đẹp của hoàng gia Nhật Bản. Sau thảm họa kép động đất, sóng thần năm 2011 cướp đi sinh mạng của khoảng 16.000 người Nhật, Nhật hoàng Akihito và hoàng hậu Michiko đã tới thăm những người sống sót và họ cũng trở thành biểu tượng đoàn kết toàn dân, cùng đất nước nỗ lực phục hồi sau thiên tai.
Mùa xuân mới, lan tỏa hòa bình
Ngày 30-4 năm nay đánh dấu thời điểm kết thúc triều đại có niên hiệu Heisei (Bình Thành), có ý nghĩa "đạt được hòa bình". Triều đại mới của nhà vua Naruhito có niên hiệu Reiwa (Lệnh Hòa) chính thức bắt đầu từ ngày 1-5, mở ra kỳ vọng về sự đổi thay tích cực với đất nước mặt trời mọc.
Tên Reiwa có nguồn gốc từ một câu ca trong cuốn ca tập cổ của Nhật Bản là Vạn diệp tập được Thủ tướng Abe Shinzo nhấn mạnh là "quốc thư đặc trưng cho truyền thống lâu đời, văn hóa phong phú" của Nhật Bản.
Trong cuốn này, Reiwa mang ý nghĩa một mùa xuân mới, lan tỏa hòa bình. Thủ tướng Abe Shinzo giải thích niên hiệu mới có ý nghĩa là "văn hóa được sinh ra và nuôi dưỡng bởi những trái tim tốt đẹp nương tựa lẫn nhau của con người".
Chương đầu tiên trong hiến pháp thời hậu chiến của Nhật ghi rõ "Nhật hoàng sẽ là biểu tượng của đất nước và của sự đoàn kết toàn dân". Điều này cũng có nghĩa Nhật hoàng sẽ tránh xa chính trị và dành chủ yếu thời gian cho các hoạt động mang tính lễ nghi.
Dù vậy sự lên ngôi của một nhà vua mới vẫn là sự kiện rất lớn ở Nhật. Theo báo Nikkei Asian Review, các sự kiện rải rác liên quan sẽ còn tiếp tục tới tháng 4-2020.
Với sự góp mặt của khoảng 2.000 quan khách đến từ hơn 170 quốc gia, bao gồm Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự lễ đăng quang của nhà vua, Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo cũng sẽ có một tuần hoạt động ngoại giao sôi động. Giới quan sát cho rằng ông Abe Shinzo sẽ tận dụng cơ hội lớn này để củng cố thêm các mối quan hệ ngoại giao thiết yếu.
Nhật hoàng Naruhito là con cả trong số 3 người con của thái thượng hoàng Akihito và thái thượng hoàng hậu Michiko. Ông Naruhito tốt nghiệp khoa sử ĐH Gakushuin tại Tokyo năm 1982 và học thêm 2 năm tại ĐH Oxford (Anh).
Theo luật hoàng gia Nhật Bản, thứ tự nối ngôi tiếp theo sau Nhật hoàng Naruhito sẽ tới em trai ông, hoàng tử Akishino, rồi tới con trai ông Akishino là Hisahito hiện 13 tuổi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận