01/04/2025 09:09 GMT+7

Trụ sở dôi dư thành sân chơi cộng đồng

Nhiều chuyên gia và cán bộ quản lý nhìn nhận số lượng 'khủng' trụ sở các cơ quan, đơn vị hành chính, tổ chức xã hội dôi dư sau sắp xếp sẽ tạo cơ hội để các địa phương bổ sung cơ sở vật chất văn hóa, thể thao, giáo dục cho người dân.

trụ sở - Ảnh 1.

Tòa nhà này trước đây là trụ sở UBND quận 3 (TP.HCM), khi UBND quận 3 xây trụ sở mới đã bàn giao lại làm trụ sở Nhà thiếu nhi quận 3. Người dân kỳ vọng sau đợt sáp nhập phường và bỏ cấp quận, huyện sẽ có nhiều trụ sở dôi dư được dành làm sân chơi cộng đồng - Ảnh: TỰ TRUNG

Nhưng nếu có chủ trương này thì cần đầu tư từ định hướng đến tổ chức thực hiện sao cho hợp lý và hiệu quả.

Nhà văn hóa, trường học... thiếu "đất sạch"

Ghi nhận thực tế tại nhiều địa phương, các công trình văn hóa, thể thao, vui chơi còn thiếu rất nhiều so với nhu cầu. Ngay TP.HCM còn thiếu các công trình văn hóa, thể thao có quy mô. Khó khăn lớn nhất vẫn do quy hoạch quỹ đất dành riêng xây dựng các công trình văn hóa, thể thao còn hạn chế.

Đặc biệt các đô thị lớn như TP.HCM, Hà Nội, nơi có "tấc đất tấc vàng", thì số lượng nhà văn hóa, điểm vui chơi, thể dục thể thao cho người dân thiếu rất nhiều so với dân số. Nhiều nơi còn phải tận dụng trụ sở UBND xã/phường hay văn phòng khu phố/ấp để làm chỗ sinh hoạt cho người dân.

Chẳng hạn, quận Bình Thạnh (TP.HCM) hiện nay có 15 phường, trong đó chỉ có phường 25 (khi chưa sáp nhập) có nhà văn hóa ở 6/6 khu phố.

Nhiều khu phố của 14 phường còn lại hiện chưa có nhà văn hóa. Người dân các khu phố này phải sinh hoạt ở trụ sở khu phố hoặc tại ngay trụ sở phường.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một vị lãnh đạo quận Bình Thạnh cho biết nhiều năm nay quận mong muốn xây dựng nhiều điểm sinh hoạt văn hóa, thể thao, vui chơi cho người dân, nhất là cho trẻ em và người già.

Do vậy nếu các trụ sở dôi dư có quy mô diện tích đủ lớn được tính toán để làm các công trình văn hóa, thể thao hay trường học sẽ rất tốt, chắc chắn được sự đồng tình cao của người dân.

Tương tự, quận Bình Tân hiện cũng chỉ có trung tâm văn hóa cấp quận và liên phường (2 - 3 phường chung một trung tâm văn hóa), còn dưới khu phố hiện không có nhà văn hóa.

Lãnh đạo quận này cho biết quận có tính toán đề xuất sử dụng các trụ sở dôi dư để xây dựng các công trình văn hóa, thể thao, vui chơi cộng đồng.

Không chỉ công trình văn hóa, thể thao, tại các TP lớn như TP.HCM đang thiếu trầm trọng đất xây trường học. Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM tính toán mỗi năm TP.HCM có thêm 10.000 - 15.000 học sinh mỗi khối lớp.

Với quy mô và tốc độ tăng dân số hiện nay, để đạt mục tiêu 300 phòng học/10.000 dân vào năm 2025, TP cần xây mới 8.000 phòng học. Dù vậy từ tháng 3-2024 đến hết năm 2025, TP cũng chỉ mới dự kiến xây dựng 4.500 phòng học. Một trong những khó khăn nhất hiện nay là thiếu quỹ đất để xây dựng trường học.

Thống kê của TP.HCM đến tháng 10-2023, gần 150 phường/xã ở TP.HCM thiếu trường tiểu học công.

Theo đó, nếu tính theo hai tiêu chí gồm xã/phường/thị trấn không có trường tiểu học công và trên địa bàn có trường nhưng không đáp ứng được nhu cầu của toàn bộ học sinh theo định mức (sĩ số 35 học sinh/lớp), chỉ có quận 3, 5, Phú Nhuận, huyện Cần Giờ (thuộc TP.HCM) đáp ứng được nhu cầu trường công với cấp tiểu học.

18 quận, huyện và TP Thủ Đức bị thiếu ở 147 xã/phường/thị trấn. Trong đó 11 phường không có trường tiểu học công, thuộc TP Thủ Đức, quận 4, 10, 11, Gò Vấp, Tân Phú; 136 khu vực khác thuộc diện có trường nhưng không đủ đáp ứng nhu cầu học sinh.

trụ sở - Ảnh 2.

Sau khi sáp nhập tinh gọn, nhiều trụ sở UBND xã/phường dôi dư sẽ là nguồn nhà đất tạo sân chơi cho người dân sinh hoạt cộng đồng - Ảnh: TỰ TRUNG

Đất công phục vụ người dân: quá tốt

Đại biểu Tạ Văn Hạ - phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội - cho rằng các trụ sở HĐND, UBND cấp huyện thường được đặt ở những khu đất đẹp, vị trí đắc địa và thuận tiện cho người dân đến liên hệ.

Do đó khi không tổ chức cấp huyện thì 696 trụ sở cấp huyện sẽ là nguồn lực khổng lồ cần có cơ chế chính sách được giải phóng.

Đây là cơ hội để các địa phương rà soát, đánh giá lại và phát huy hiệu quả tối đa các tài sản công, đồng thời thu hút đầu tư phát triển. (Đó là cũng chưa tính đến trụ sở của khoảng 70% xã/phường không còn sau khi sáp nhập nhiều xã/phường với nhau - PV).

Trong đó, ngoài những trụ sở sẽ được điều chuyển, sử dụng lại hoặc đấu giá quyền sử dụng đất để tìm nhà đầu tư phù hợp thì cũng cần tính đến chuyển đổi công năng sử dụng phục vụ nghiên cứu, đổi mới sáng tạo hoặc lợi ích cộng đồng.

Có thể nghiên cứu chuyển đổi các trụ sở này thành các trường học, trung tâm văn hóa, sinh hoạt dành cho người dân, thanh thiếu niên hoặc chuyển cho các cơ sở y tế để sửa chữa, xây dựng thành các phòng khám, bệnh viện phục vụ người dân.

Ngoài ra, có thể chuyển thành không gian công cộng như công viên cây xanh, khu vui chơi ngoài trời, các cơ sở nghiên cứu khoa học, phòng thí nghiệm tiêu chuẩn quốc tế.

Để thực hiện được việc này, Nhà nước cần có cơ chế chính sách thu hút nhà đầu tư như thực hiện hợp tác công - tư để Nhà nước không mất quá nhiều nguồn lực nhưng vẫn có cơ sở vật chất phù hợp cho các dịch vụ công còn nhà đầu tư có thể được hưởng lợi thông qua các hoạt động thương mại, dịch vụ tại đó.

"Vấn đề trụ sở dôi dư đã được nêu ra từ lâu và dư luận cũng phản ánh nhiều về sự lãng phí. Do vậy, ở đây cần có vai trò của lãnh đạo, người đứng đầu trong việc quyết liệt thực hiện các giải pháp xử lý để tránh lãng phí. Quan trọng nhất là tất cả phải phục vụ lợi ích của Nhà nước, địa phương, nhân dân", ông Hạ nói.

trụ sở - Ảnh 3.

Ai quản nhà văn hóa, nhà thi đấu quận, huyện?

Trong khi đại biểu Bùi Hoài Sơn (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội) cho rằng cần chuyển giao, giữ gìn các thiết chế văn hóa khi bỏ cấp huyện.

Theo ông Sơn, cùng với việc nghiên cứu không tổ chức cấp huyện rất nên cân nhắc đến việc giữ gìn, phát huy các thiết chế văn hóa hiện hữu như nhà văn hóa, sân vận động vì chúng có vai trò quan trọng trong việc phát triển văn hóa và cộng đồng địa phương.

Các lo ngại về việc không quan tâm đúng mức đến các công trình này hoàn toàn hợp lý, vì rõ ràng việc không sử dụng, thiếu bảo trì và quản lý sẽ dẫn đến tình trạng xuống cấp, gây lãng phí tài nguyên công.

Do đó, ông Sơn cho rằng cần có kế hoạch chi tiết để chuyển giao quyền quản lý và bảo trì các công trình văn hóa này cho cấp tỉnh hoặc xã nhằm đảm bảo chúng vẫn được bảo dưỡng và sử dụng hiệu quả.

Các công trình nên được sử dụng hiệu quả cho các hoạt động cộng đồng, văn hóa, thể thao để không chỉ tránh lãng phí mà còn tạo điều kiện phát triển văn hóa địa phương.

Đồng thời chúng ta cần khuyến khích và tạo điều kiện cho cộng đồng địa phương tham gia vào việc quản lý và tổ chức các hoạt động tại các thiết chế văn hóa, đây có thể là một cách để đảm bảo chúng được sử dụng hiệu quả.

Bên cạnh đó, chúng ta cần bảo đảm phân bổ ngân sách phù hợp từ các cấp để duy trì và phát triển những thiết chế này, đồng thời tìm kiếm các nguồn tài trợ từ các tổ chức cộng đồng hoặc doanh nghiệp.

"Như vậy, dù có thay đổi về mặt hành chính, việc duy trì và phát triển các thiết chế văn hóa là rất quan trọng để đảm bảo sự phát triển bền vững của văn hóa địa phương và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân", ông Sơn phân tích.

trụ sở - Ảnh 4.

Nhiều trụ sở UBND xã/phường dôi dư sau sáp nhập sẽ thích hợp làm khu vui chơi trẻ em, khu sinh hoạt cộng đồng - Ảnh: TỰ TRUNG

PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến (phó chủ tịch hội đồng trường Trường đại học Luật Hà Nội):

Nên giao cho cấp cơ sở quản lý, tránh đứt gãy hoạt động

Tình trạng lãng phí tài sản công khá phổ biến và tồn tại nhiều năm qua, chứ không phải đến khi chúng ta tổ chức sắp xếp lại bộ máy chính quyền các cấp mới.

Quá trình sắp xếp lại bộ máy hành chính thời gian tới sẽ dôi dư ra hàng ngàn cơ sở nhà đất nên nguy cơ lãng phí tài sản thời gian tới rất lớn, vì vậy ngay từ lúc này các cơ quan quản lý tài sản công phải có kế hoạch để sử dụng nhà đất công dôi dư một cách hiệu quả.

Ngoài việc sắp xếp tài sản, giao cho các cơ quan nhà nước tiếp tục sử dụng thì những tài sản dôi dư ra cần ưu tiên sử dụng cho mục đích công ích như cải tạo thành các thiết chế văn hóa cơ sở, nhà sinh hoạt cộng đồng, nhà văn hóa để phục vụ sinh hoạt của người dân, tránh tình trạng bỏ hoang tài sản công.

Đối với các công trình văn hóa, nhà văn hóa, nhà thiếu nhi cấp quận khi tổ chức lại chính quyền địa phương theo hướng bỏ cấp quận thì nên tiếp tục duy trì mục đích sử dụng và giao cho chính quyền cấp cơ sở quản lý.

Hiện nay các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM hay Đà Nẵng đang rất thiếu các công trình văn hóa phục vụ cho mục đích vui chơi giải trí công cộng của người dân. Vì thế với các tài sản công đã rõ mục đích phục vụ sinh hoạt văn hóa cộng đồng nên việc bàn giao quản lý về cấp cơ sở quản lý sẽ phát huy tối đa hiệu quả, tránh đứt gãy hoạt động.

Ngược lại nếu giao cho cấp tỉnh quản lý sẽ dễ xảy ra tình trạng lãng phí vì các tỉnh sau sáp nhập có quy mô lớn, cán bộ văn hóa cấp tỉnh khó có thể giám sát được hoạt động của từng thiết chế văn hóa ở cơ sở.

Về thủ tục thì việc bàn giao tài sản công từ cấp quận, huyện hiện nay về cấp cơ sở để quản lý sau sáp nhập cũng thuận lợi, không phát sinh vướng mắc bởi bản chất đây vẫn là tài sản công giao cho cơ quan quản lý nhà nước khai thác.

Ông Nguyễn Đức Lập (viện trưởng Viện Nghiên cứu và đào tạo bất động sản):

Ưu tiên cho mục đích công cộng, công ích

Cơ sở nhà đất công dôi dư sau sáp nhập nên ưu tiên bố trí sử dụng vào mục đích công cộng, công ích, chỉnh trang đô thị.

Với địa phương còn thiếu các thiết chế về văn hóa, xã hội phục vụ cộng đồng thì nên ưu tiên cải tạo các cơ sở nhà đất công dôi dư để phục vụ nhu cầu cộng đồng. Trường hợp cơ sở không có nhu cầu phát triển các công trình công ích thì mới đem cơ sở nhà đất dôi dư để đấu giá.

Ngoài ra, với những địa phương còn thiếu các cơ sở công ích như trường học, bệnh viện, siêu thị, trung tâm sinh hoạt văn hóa cộng đồng cũng có thể tính toán tới việc cải tạo các cơ sở nhà đất để làm trường học, bệnh viện, siêu thị, trung tâm văn hóa.

Với những quỹ nhà đất dôi dư đủ lớn, tùy theo nhu cầu các địa phương có thể quy hoạch để xây dựng các cơ sở bệnh viện, trường học mới để phục vụ nhu cầu người dân ở cơ sở.

TS Nguyễn Viết Chức (phó chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn văn hóa - xã hội, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam):

Tất cả phải công khai

Với việc sử dụng các trụ sở sau khi thực hiện không tổ chức cấp huyện và sáp nhập một số đơn vị cấp tỉnh, cấp xã sẽ phải có nghiên cứu, đánh giá cụ thể nhưng trên nguyên tắc tiết kiệm tối đa, vận dụng để sử dụng.

Trong đó, khi không tổ chức cấp huyện thì các xã cũng được sắp xếp lại để lớn hơn "như huyện thu nhỏ", do vậy với các trụ sở cấp huyện có thể chuyển giao lại cho các đơn vị cấp xã trung tâm tiếp tục sử dụng. Các trụ sở khác có thể nghiên cứu chuyển giao cho các đơn vị tại địa phương còn thiếu thốn cơ sở vật chất, trụ sở.

Thực tế hiện nay ở nhiều nơi vẫn còn đang thiếu rất nhiều các thiết chế văn hóa như nhà văn hóa, khu vui chơi cho trẻ em, công viên, sân vận động, khu tập luyện thể thao... Do đó, với các trụ sở phù hợp, có thể nghiên cứu chuyển đổi công năng để chuyển thành các công trình phục vụ công cộng này.

Ngoài ra, bệnh viện và trường học ở nhiều địa phương cũng rất thiếu và khó khăn, tình trạng thiếu giường bệnh, thiếu phòng học... nên cũng có thể nghiên cứu để chuyển đổi công năng thành các công trình phục vụ cho y tế, giáo dục sử dụng hiệu quả nhất.

Tuy nhiên, việc chuyển đổi công năng chắc sẽ có tốn kém hơn so với các công trình hiện tại.

Nhiều ý kiến cũng đề xuất có thể nghiên cứu để thu hút các nhà đầu tư tư nhân vào cùng xử lý các trụ sở dôi dư. Đây là đề xuất đúng, nhưng việc này cần phải phù hợp với quy hoạch phát triển các công trình, khu vui chơi giải trí...

Cùng với đó, dứt khoát phải đánh giá đúng giá trị của tài sản, đất đai, nhất là khi các trụ sở thường nằm ở các khu trung tâm của địa phương. Cũng phải công khai minh bạch giá trị đó để báo cáo cấp có thẩm quyền, xin ý kiến nhân dân trước khi thực hiện.

Chúng ta không phân biệt Nhà nước, tư nhân nhưng phải làm công khai, rõ ràng để tránh trong lúc "tranh tối, tranh sáng" lại tẩu tán tài sản công, bán rẻ, gây thiệt hại cho Nhà nước và nhân dân. Tất cả các hành vi vi phạm dù thế nào cũng sẽ bị xử lý.

Nhu cầu rất đa dạng...

Trụ sở dôi dư thành sân chơi cộng đồng - Ảnh 4.

Trụ sở UBND phường 3 của quận Phú Nhuận (TP.HCM) nay dùng cho Đảng ủy, MTTQ các đoàn thể của phường 4 - Ảnh: T.T.D.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - ủy viên chuyên trách Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội - cũng đưa ra cặn kẽ thêm các phương án ngoài việc phục vụ hành chính hay các thiết chế văn hóa.

Cụ thể, ở một số nơi, đặc biệt là những địa bàn có nhu cầu phát triển sản xuất kinh doanh, các trụ sở có thể được cải tạo thành không gian làm việc cho doanh nghiệp nhỏ, hợp tác xã hoặc trở thành trung tâm khởi nghiệp nông thôn.

Với vị trí thuận lợi và sẵn có cơ sở hạ tầng, đây là cách tiếp cận phù hợp để kích thích kinh tế địa phương, nhất là khi gắn với các mô hình sản xuất nông nghiệp thông minh, thương mại điện tử hoặc logistics vùng.

Đối với các khu vực có giá trị văn hóa - lịch sử, việc chuyển đổi thành không gian văn hóa cộng đồng, nhà truyền thống hay điểm giáo dục kỹ năng sống cũng là hướng đi khả thi.

Không cần đầu tư quá lớn, chỉ cần một số điều chỉnh phù hợp về công năng và nội dung, các trụ sở cũ hoàn toàn có thể trở thành nơi sinh hoạt cộng đồng hiệu quả, gắn kết người dân và nuôi dưỡng tinh thần địa phương.

Ngoài ra, trong bối cảnh nhiều vùng nông thôn còn thiếu các dịch vụ xã hội cơ bản, một số trụ sở có thể được tận dụng làm trạm y tế vệ tinh, điểm chăm sóc người cao tuổi, trung tâm dạy nghề hoặc thậm chí là nơi ở tạm thời cho cán bộ y tế, giáo viên, công nhân kỹ thuật về địa bàn.

Đây là những nhu cầu thực tế và bức thiết, có thể tận dụng hạ tầng sẵn có để đáp ứng.

Trường hợp không thể tiếp tục sử dụng vào mục đích công, nên tiến hành đấu giá công khai và chuyển đổi mục đích sử dụng theo quy hoạch.

Khi đó, những tòa nhà này có thể trở thành điểm giao thương, nhà kho, văn phòng thương mại hay khu dịch vụ nhỏ - miễn là việc chuyển đổi đảm bảo minh bạch, hiệu quả và tuân thủ quy định pháp luật.

Việc tái sử dụng các trụ sở hành chính không chỉ giúp tiết kiệm chi phí đầu tư công mà còn góp phần tạo ra giá trị mới từ những cơ sở vật chất đã từng phục vụ một giai đoạn phát triển của đất nước.

Dù lựa chọn phương án nào, điều quan trọng là phải có quy hoạch cụ thể, phù hợp với đặc điểm từng địa phương và gắn với chiến lược phát triển lâu dài.

TS Lê Thị Minh Lý (ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, phó chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam):

Cần không gian văn hóa ngay từ thôn, bản

Tôi đã từng làm nghiên cứu về nhu cầu và thực trạng sử dụng các thiết chế văn hóa ở các địa phương. Nghiên cứu chỉ ra nhiều nhà văn hóa xã/phường bị dư thừa do người dân không tiện sử dụng vì xa xôi, trong khi họ rất thiếu nhà văn hóa thôn để tiện sử dụng cho các hoạt động sinh hoạt hằng ngày.

Vì vậy, hướng đề xuất chuyển đổi các trụ sở dôi dư sau sáp nhập thành các thiết chế văn hóa chưa chắc là phương án hiệu quả bởi nhiều nơi đang thừa nhà văn hóa phường/xã. Cái người dân thiếu là thiếu những không gian văn hóa thôn, bản ngay nơi mình sống.

PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương (viện trưởng Viện Văn hóa, Nghệ thuật, Thể thao và Du lịch Việt Nam):

Cần tham khảo ý kiến địa phương cho phù hợp

Có thể nghiên cứu trụ sở dôi dư thành các không gian sáng tạo. Nhưng trụ sở hành chính cấp xã/phường thì không đơn giản là chuyển cả thành các thiết chế văn hóa, mà nên dựa vào nhu cầu thực tế của người dân của từng địa phương để chuyển đổi chức năng phù hợp.

Ví dụ các xã của đồng bào dân tộc thiểu số thì các trụ sở hành chính sẽ không phù hợp chuyển thành thiết chế văn hóa bởi kiến trúc của trụ sở hành chính không phù hợp cho không gian sinh hoạt văn hóa của bà con dân tộc thiểu số vốn có bản sắc văn hóa riêng.

Thu thập ý kiến từ một số địa phương, tôi nhận thấy người dân có nhu cầu rất đa dạng. Nhiều nơi lại mong muốn sử dụng các trụ sở dôi dư cho các công tác xã hội như làm không gian sinh hoạt cho người khuyết tật...

Vì vậy, việc chuyển đổi mục đích sử dụng của các trụ sở dôi dư sau sáp nhập rất cần tham khảo ý kiến của người dân địa phương và quyết định đưa ra phải dựa trên nhu cầu thực tế tại cơ sở.

Ông Hùng Mạnh (tổ dân phố số 6, phường Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội):

Tôi nghe thông tin Hà Nội sẽ sáp nhập nhiều phường tại 6 quận trung tâm mà khấp khởi hy vọng các trụ sở dôi dư có thể được nghiên cứu chuyển đổi thành các nhà cộng đồng dành cho các sinh hoạt đời sống thiết thực của người dân, từ thanh niên cưới xin đến trẻ con vui chơi...

Nếu mỗi khu dân cư lại có thêm nhà sinh hoạt cộng đồng để phục vụ cho rất nhiều nhu cầu sinh hoạt đời sống của cư dân thì rất tốt.

Bà Lê Tú Cẩm (chủ tịch Hội Di sản văn hóa TP.HCM):

Đi liền với việc sáp nhập thì cơ sở vật chất bị dôi dư. Hiện nay, chúng ta cần nhiều cơ sở vật chất phục vụ cho nhân dân.

Những trụ sở cơ quan không dùng cho bộ máy nữa hãy dành cho nhân dân, biến những địa điểm này thành những nơi dành cho người dân sinh hoạt vì việc xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng con người có văn hóa là trọng tâm của ngành nên ưu tiên phục vụ.

Còn với những cơ sở vật chất không tốn nhiều chi phí cải tạo, chúng ta có thể nghiên cứu làm trường học để đầu tư cho thế hệ tương lai, những chủ nhân của đất nước trong tương lai.

Trụ sở dôi dư thành sân chơi cộng đồng - Ảnh 6.Bộ Nội vụ đề xuất phương án sắp xếp, xử lý trụ sở khi sáp nhập tỉnh, xã

Bộ Nội vụ đề xuất UBND cấp tỉnh trước sáp nhập lập danh sách, thống nhất dự kiến phương án xử lý trụ sở, tài sản công của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở cấp tỉnh thuộc phạm vi quản lý, kèm theo đề án sắp xếp đơn vị cấp tỉnh.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp