Họa sĩ Đào Văn Hoàng đang hoàn thành bức vẽ tê giác dựa trên các tư liệu thu thập được - Ảnh: Mai Thụy
Tối 25-5, bộ phim Nhật ký trong chuồng của đạo diễn trẻ Lê Bình Giang sẽ có dịp trình chiếu tại salon văn hóa (Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Q.3, TP.HCM).
Buổi chiếu phim này thuộc chuỗi chương trình kết nối những nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực hoang dã với công chúng được Cà phê Thứ Bảy tổ chức.
Trước đó, những buổi trò chuyện của họa sĩ Đào Văn Hoàng và nhà làm phim độc lập Mzung đã đem đến cho các bạn trẻ những suy nghĩ mới mẻ về hành trình bảo vệ thiên nhiên.
Bảo vệ động vật bằng cọ vẽ
Khăn gói về Việt Nam kể từ năm 1996, đến nay họa sĩ Đào Văn Hoàng đã có hơn 20 năm đi dọc những cánh rừng Việt Nam và nhiều nước trên thế giới để vẽ các loài động vật quý hiếm.
Trong những ngày đầu đặt chân đến Vườn quốc gia Nam Cát Tiên, họa sĩ Đào Văn Hoàng đã bị thiên nhiên nơi đây thu hút. Không dừng lại ở đó, anh mò mẫm đến tận Vườn quốc gia Bidoup, Cúc Phương để tìm vẽ các loài bò sát, linh trưởng, ếch nhái...
Trò chuyện cùng chúng tôi, họa sĩ Đào Văn Hoàng chia sẻ: "Vào đầu năm 2014, khi biết thông tin hội thảo linh trưởng quốc tế sẽ diễn ra tại Vườn quốc gia Cúc Phương, tôi đã thu hết can đảm để nghỉ công việc trong ngành quảng cáo.
Ngay sau đó, tôi đã nghiên cứu và đi thực tế ở nhiều khu rừng để vẽ một bộ tranh 25 loài linh trưởng ở Việt Nam gửi đến hội thảo". Theo họa sĩ Đào Văn Hoàng, đó cũng là bước ngoặt lớn trong cuộc đời khi anh xác định sẽ chuyển hẳn sang công tác bảo tồn.
"Hiện nay, công tác bảo tồn động vật ở Việt Nam chỉ mới tập trung vào bảo vệ môi trường sống của những loài động vật có hình dáng bên ngoài to lớn như voi, hổ, linh trưởng... trong khi những loài nhỏ hơn như bò sát, ếch nhái cũng không kém quan trọng đối với hệ sinh thái.
Cũng chính vì vậy, bên cạnh các bức tranh về voọc chà vá chân nâu hay vượn cáo, tôi cũng tập trung vẽ những loài bò sát để người xem có ý thức hơn về sự hiện diện của chúng trong tự nhiên" - họa sĩ Đào Văn Hoàng nói thêm.
Để cân bằng giữa chất lượng nghệ thuật và tính chính xác trong các bức tranh vẽ về động vật hoang dã, họa sĩ Đào Văn Hoàng phải tự mày mò kỹ thuật vẽ, tìm bố cục cho phù hợp với sinh cảnh của từng loài. 20 năm qua, anh đã đi 25 nước, đến các khu dự trữ sinh quyển và vườn quốc gia để tìm kiếm tư liệu vẽ.
Chị Phạm Mai, thành viên Tổ chức bảo tồn thiên nhiên GAIA, chia sẻ: "Các hình ảnh động vật hoang dã qua tranh vẽ của họa sĩ Đào Văn Hoàng đã cho người xem thấy một góc nhìn tươi mới về công tác bảo tồn động vật. Chúng cũng sẽ có tác dụng thu hút sự chú ý của mọi người đến môi trường tự nhiên đang bị tàn phá nghiêm trọng trong những năm gần đây".
Những tổn hại của tự nhiên do con người gây ra
Bên cạnh những bức tranh của họa sĩ Đào Văn Hoàng, một số triển lãm nghệ thuật đương đại gần đây cũng tập trung vào phác họa những ứng xử của con người đối với thế giới tự nhiên.
Liên tiếp trong hai triển lãm mới nhất của Trung tâm nghệ thuật đương đại The Factory (Q.2, TP.HCM), công chúng có dịp thưởng thức các tác phẩm nghệ thuật khai thác sâu sắc những tổn hại của tự nhiên do con người gây ra.
Trong triển lãm Rừng hoang hồi đầu năm, nghệ sĩ Tuấn Andrew Nguyễn phản ứng với những suy nghĩ sai lầm của nhiều người cho rằng sừng tê giác, vảy tê tê, mai rùa... là những loại "thần dược" và ra sức tàn sát lẫn hủy hoại hệ sinh thái của chúng.
Còn trong triển lãm Trong từng hơi thở - không gì đứng yên, nghệ sĩ Tuấn Mami mang đến người xem một thiên nhiên tàn lụi ở vùng đất Hà Nam bởi những hoạt động khai thác khoáng sản. Cuộc sống người dân cũng bị xáo trộn bởi sự ô nhiễm của tiếng ồn.
Giám tuyển Bill Nguyễn cho rằng: "Bằng cách hé lộ một cảnh quan chứa đựng cả mâu thuẫn lẫn hi vọng, Tuấn Mami đòi hỏi chúng ta phải đối diện với sự thật khó chối bỏ: con người, dù có chiêm nghiệm, tự vấn và kháng cự đến đâu, một lần nữa sẽ lại mắc kẹt trong những hủy diệt và sáng tạo của mình".
Tuy các buổi trò chuyện và các triển lãm nghệ thuật diễn ra ngày càng nhiều, nhưng nhìn chung những chương trình này vẫn mang tính nhỏ lẻ, rời rạc và chỉ đến được một bộ phận khán giả đã có mối quan tâm từ trước với tự nhiên.
Cũng vì vậy, hoạt động nghệ thuật gắn với công tác bảo tồn hiện nay chỉ mới đi những bước đầu tiên trong hành trình thay đổi nhận thức của người xem.
Tạo một cộng đồng nghệ sĩ hướng đến thiên nhiên
Mới đây, cũng tại salon văn hóa Cà phê Thứ Bảy, nhà làm phim Mzung đã trình chiếu bộ phim thể nghiệm Ánh sáng sau sự sống để cùng khán giả chiêm nghiệm những ranh giới giữa sự sống với cái chết, giữa con người với thiên nhiên.
"Hoạt động nghệ thuật bảo tồn hoang dã không phải là một công việc tách biệt.
Để gắn kết những tác phẩm với đời sống công chúng và thay đổi nhận thức người dân, chúng tôi phải từng bước tạo nên cộng đồng nghệ sĩ ở lĩnh vực này" - chị Mzung chia sẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận