Họ kéo nhau vào rừng sâu hoặc những nơi xa khu dân cư để sinh sống, lập nên các làng phong tồn tại cho tới ngày hôm nay. Những bệnh nhân phong khi xưa giờ đa số đều đã sạch trùng, nhưng di chứng bệnh để lại trên thân thể họ thì thật nặng nề. Họ vẫn sống với nhau, lạc quan, bình yên trong những làng phong.
Bà Đoàn Thị Chang (70 tuổi, khu điều trị phong Bến Sắn, Tân Uyên, Bình Dương) không thể nào quên buổi chiều năm bà 17 tuổi.
Phóng to |
Cô Chang ngày ấy bây giờ là bà lão 70. Mấy mươi năm qua, bà vẫn sống trong trại phong Bến Sắn - Ảnh: TÂM LỤA |
Đó là khi bà phát hiện trên cánh tay mình nổi nhiều hạt đỏ li ti. Những vết đỏ lan rộng dần, đưa kim châm vào không thấy đau. Rồi những vết đỏ thành các vết loét trên khắp cả cánh tay và mặt.
Những ngày dài u tối
Người làng đoán già đoán non, rồi họ xì xầm đồn thổi: “Chắc con Chang đạp phải xương rắn hổ mang nên mới bị như thế”. Bà theo mẹ đi khám, y tá bảo bà bị bệnh phong. Hai mẹ con rời bệnh viện, bước chân chưa về tới nhà thì cái tin “con Chang bị bệnh cùi” đã lan nhanh từ đầu làng tới cuối làng.
Đó là khi bà Chang nhận thấy những ánh mắt khác lạ dành cho mình. Người làng không cho bà đi chung lối vì “mày đi xuống đất, vi trùng nó bò lây qua con nít”. Bà làm gì người nhà cũng giật ngang, không cho thổi cơm, luộc khoai vì sợ “vi khuẩn nó truyền qua”. Khúc sông nào bà tắm thì cả tháng không ai dám bén mảng tới đó.
Chang được gia đình dựng cho một túp lều nhỏ giữa đồng làng để sống. Cô gái tuổi đôi mươi ngày ấy chỉ biết ngồi ôm mặt khóc. Đôi bàn tay để lau nước mắt cũng chứa đầy vết loét. Nước mắt rơi chừng nào, vết thương đau chừng ấy. Đó là khi Chang thấy mình rơi vào vũng lầy của sự tuyệt vọng. Ban ngày, cô không dám ló mặt ra khỏi túp lều. Khi đêm xuống, người làng rời cánh đồng về hết, Chang mới mò mẫm đi bắt cá, mót bông lúa sót lại, kiếm củi nấu cơm.
“Chẳng lẽ đời mình đến đây là kết thúc, chẳng lẽ người bệnh lại không có quyền sống như bao người?”- Khi không còn nước mắt để khóc, Chang tự hỏi mình. Hơn một năm giam mình trong túp lều giữa đồng hoang, Chang rời Sóc Trăng lên Cà Mau tìm thuốc, ai chỉ thuốc ở đâu cô đều tìm uống nhưng những vết thương cứ nặng dần. Chang được mọi người chỉ nên vào Bệnh viện Chợ Quán (bến Hàm Tử, nay là Bệnh viện Bệnh nhiệt đới - PV) để điều trị bệnh phong. Bệnh viện Chợ Quán quá tải, Chang được chuyển về làng phong Bến Sắn.
Cô Chang ngày ấy giờ đã là bà lão ở tuổi 70. Bà ở chung phòng với ba bệnh nhân phong khác tại khu độc thân nữ thuộc làng phong Bến Sắn. Sáng trưa chiều tối bà vẫn thường nằm ở cái võng mắc trước nhà mà hỏi “Không biết quê hương bản xứ có còn ai, không biết người thân, những người ngoài đời có mạnh giỏi?”. Mấy chục năm nay bà chỉ quanh quẩn trong làng phong này, dù bây giờ bà đã hết bệnh.
Phóng to |
Ông Nhân giờ đã bình yên trong ngôi nhà nhỏ ở làng phong - Ảnh: TÂM LỤA |
“Đường về xa xôi quá”
Với ông Phạm Văn Nhân (61 tuổi), bi kịch bắt đầu từ năm lên 8 tuổi. Đó là khi cậu bé học sinh trường tiểu học thấy mình mọc những khối u ở tay. Cậu thách đố với bạn bè, khi những khối u ấy châm kim, bỏ đá cục hay dụi tàn thuốc vào đều không thấy đau nhức.
Niềm vui con trẻ nhanh chóng vỡ tan khi đôi tay, đôi chân Nhân ngày càng mất cảm giác. Đôi dép rơi tuột khỏi chân lúc nào Nhân đều không hay biết. Gia đình đưa Nhân vào Viện Pasteur khám, Nhân nhận ra sự hoảng hốt của mẹ khi bác sĩ phán: “Cậu này mắc bệnh Hansen rồi” (bệnh phong do vi khuẩn Hansen gây ra - PV). Mẹ Nhân bảo bệnh Hansen thời bấy giờ nguy hiểm như một cơn đại dịch. Chuyện Nhân có bệnh được giấu biệt.
Không được chữa trị, bệnh phát ngày càng nặng. 20 tuổi, đôi tay Nhân co quắp lại, chân mày rụng dần hết chỉ còn trơ hốc mắt. Khuôn mặt Nhân cũng dần biến dạng...Vợ Nhân bỏ chồng con, bỏ nhà cửa đi biệt tích. Hàng xóm đi ngang qua nhà Nhân đều chạy thật nhanh. Khi đứa con tới trường rồi về nhà khóc lóc bảo “bạn bè chê ba mày bị cùi” là lúc Nhân thấy đời mình đã đi vào ngõ cụt. Quá hoảng loạn, Nhân dùng lưỡi lam cắt mạch máu ở tay để tìm cái chết. Bạn bè phát hiện đưa Nhân đi Bệnh viện 115 cấp cứu, vết đứt gân được nối, Nhân được cứu sống.
“Người ta nói những người vừa thoát khỏi cái chết mới thấy sợ chết hơn bao giờ hết. Sau vụ tự tử không thành, tôi nhận ra mình phải tiếp tục sống. Dù phải sống lăn lóc ở đâu đó, dù sự sống dành cho những người cùi như chúng tôi lúc đó thật mong manh”- ông Nhân quả quyết.
Viện Pasteur giới thiệu Nhân vào làng phong Bến Sắn để điều trị. Khu điều trị phong Bến Sắn lúc bấy giờ là nơi trú ngụ của những người bệnh phong đầy đau khổ và tuyệt vọng từ khắp nơi chạy về.
Đó là ông Vọng, vì mắc bệnh phong nên bị gia đình bỏ trôi sông, may mắn được các phật tử của một ngôi chùa vớt lên; là anh Thanh mắc bệnh phong bị anh rể đưa ra đầu cầu bỏ, bị người làng chất lửa đốt nhưng may mắn thoát chết; là ông Nhất (quê Quảng Nam) sống nửa đời ở khu độc thân nam với những tháng ngày mỏi mòn ngóng trông con. Ông không dám ăn, không dám mặc. Tiền trợ cấp, tiền và quà tặng của các nhà hảo tâm ông đều để dành rồi gọi con vào cho. Ông bảo đó là cách duy nhất để được gặp con cháu cho đỡ nhớ. Tới khi mất, ông Nhất bày tỏ nguyện vọng được về quê an nghỉ. Bệnh viện gọi con ông, người con bảo bệnh viện hỏa thiêu giùm rồi đưa ông thẳng ra nghĩa trang Quảng Nam chứ đừng đưa về nhà.
________________
Kỳ tới: Đi tìm sự sống
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận