Bộ xương hóa thạch của khủng long Tyrannosaurus bataar suýt rơi vào tay tư nhân trên thị trường chợ đen được trả lại cho Mông Cổ để trưng bày - Ảnh: AFP |
Nhà cổ sinh vật người Mỹ Eric Prokopi ngày 4-6 vừa bị tòa án thành phố New York tuyên 3 tháng tù vì tội buôn bán trái phép hóa thạch khủng long. Theo báo New Yorker, để thoát mức án 17 năm tù, ông này đã chấp nhận hợp tác, hé lộ cho nhà chức trách những ngóc ngách của thị trường ngầm buôn bán cổ sinh vật xuyên lục địa...
Nhà khoa học lái buôn
"Hiện không chỉ có các bảo tàng mới sưu tầm hóa thạch, rất nhiều người giàu trên thế giới, người nổi tiếng, giới đầu tư... cũng đang săn lùng hóa thạch khủng long. Họ xem đó như một món sưu tập hay đầu tư giống như tác phẩm nghệ thuật" Ông Matthew Vavrek (giám đốc Bảo tàng Philip. J Currie tại Alberta, Canada bình luận trên đài NBC) |
Eric Prokopi, còn được gọi là “nhà khoa học lái buôn”, bị bắt vào tháng 10-2012 với cáo buộc buôn lậu hóa thạch tiền sử, trong đó có bộ xương gần như hoàn chỉnh của một con khủng long Tarbosaurus bataar, một “bà con” với khủng long “bạo chúa” T-rex, sống cách đây 70 triệu năm trên sa mạc Gobi thuộc Mông Cổ.
Theo đài NBC, trong khoảng năm 2010-2012, “nhà khoa học” Prokopi đã khai man khi vận chuyển chuyến hàng hóa thạch xuất phát từ Mông Cổ. Số hàng này quá cảnh tại Anh và đến Mỹ thông qua Công ty chuyển phát UPS. Doanh nghiệp Everything Earth của Prokopi đã dám quảng cáo có thể bán xương khủng long “cho bất cứ ai có nhu cầu”.
Hàng hóa nhỏ được Prokopi bán với giá từ vài chục đến vài trăm USD. Các mẫu vật vô cùng phong phú từ móng vuốt thú ăn cỏ đến hàm voi, răng sói, xương khủng long... Gian hàng trên eBay của “nhà buôn” này nhận được đến 99,7% phản hồi tích cực từ người mua.
Báo New Yorker cho biết kho hóa thạch thu được từ Prokopi xuất xứ từ nhiều vùng miền của Mỹ như Florida, Alabama, Texas... và các quốc gia Trung Quốc, Nhật, Peru, Morocco, Argentina, Kazakhstan...
Để đổi lấy mức giảm án cao, Prokopi đã khai nhiều thông tin hữu ích giúp các nhà chức trách Mỹ mở rộng điều tra hoạt động buôn lậu hóa thạch, bao gồm việc cung cấp các chi tiết về mẫu vật, thời gian và địa điểm mua bán. “Có lẽ đến giờ chưa có cuộc truy tìm nào diễn ra mà không nhờ thông tin cung cấp từ Prokopi” - ông Martin Bell, trợ lý văn phòng luật sư Mỹ, nhận xét.
Ngoài bộ xương của con Tarbosaurus bataar, hơn 18 mẫu hóa thạch lớn khác đã được Mỹ thu hồi và trao trả cho Mông Cổ.
“Nhà khoa học lái buôn” Eric Prokopi rời tòa án ở New York - Ảnh: Reuters |
Cuộc chiến chưa hồi kết
Hoạt động ăn trộm hóa thạch đã diễn ra từ lâu và không phải hiếm tại những quốc gia có nhiều di chỉ khảo cổ như Trung Quốc, Argentina hay Mỹ. Một mẫu hóa thạch rơi vào tay sở hữu cá nhân mà không ghi lại được những dữ liệu liên quan sẽ mất hết giá trị khoa học. Đây là lý do tại sao nhiều nhà nghiên cứu cổ sinh vật cực lực phản đối, thậm chí cả với việc mua bán hóa thạch hợp pháp. Ngược lại, giới khoa học làm kinh doanh như Prokopi lại tranh cãi rằng nếu không làm vậy, các hóa thạch trước sau gì cũng sẽ thành tro bụi.
“Trên thực tế đang tồn tại một thị trường toàn cầu chuyên mua bán những mẫu cổ sinh vật bất hợp pháp. Chúng ta đang nói về một ngành thương mại có giá trị hàng triệu triệu USD mỗi năm” - Robert Painter, luật sư đại diện cho Chính phủ Mông Cổ tại phiên tòa xử ông Prokopi, nhận định.
Thông qua luật sư Painter, Tổng thống Mông Cổ Tsakhia Elbegdorj cho rằng bản án đối với Prokopi “gửi đi một thông điệp mạnh mẽ rằng những kẻ buôn lậu sẽ bị kết án và phải trả giá cao cho tội ác của mình”. Nhiều nước trên thế giới, trong đó có Mỹ và Mông Cổ, ra lệnh cấm hoặc giới hạn việc mua bán, sở hữu hóa thạch.
Dù vậy, trong một bức tâm thư công bố tại tòa, Eric Prokopi cảnh báo các chính phủ rằng nỗ lực của họ trong việc xóa thị trường chợ đen thực tế chỉ khiến thị trường này hoạt động kín hơn và cuộc chiến càng trở nên khó khăn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận