Những quán phở nằm nép mình ở con phố nhỏ Hà Nội vẫn thường đông khách - Ảnh: AN LÊ
Phú Quang đã dừng cuộc chơi trần thế khiến Hà thành phải sa lệ, giăng mù, cả kinh thành mấy bữa chìm trong màu mắt đục tiếc thương. Có lẽ quãng thời gian gần một tuần qua là lúc nhạc của Phú Quang được chơi nhiều nhất.
Ngồi trong cái lạnh của mùa đông Hà Nội, nghe những khúc nhạc của Phú Quang với hoàng lan, hoa sữa, gió bấc, tiếng dương cầm, cây bàng, cửa ô, mái ngói, cây cầu đổ gãy…, tôi thấy một Hà Nội lãng mạn, kiêu kỳ, đầy trầm tư hiện lên thật đa dạng, phong phú.
Nhưng giá như Hà Nội đó có thêm phở. Bởi phở của Hà Nội quá đẹp, đã chạm vào đáy sâu cảm xúc tâm hồn của biết bao người ăn phở, mê phở đến đắm đuối.
Phở là một món ăn tinh túy của ẩm thực Việt Nam
Phú Quang là một nghệ sĩ lãng tử hay "lang thang trên phố". Ông đã dùng hình ảnh "lang thang" không chỉ một lần trong việc chọn lựa câu từ để phối nhạc.
Một nghệ sĩ lang thang phố phường sẽ có những chuyến bát phố miên man, và mắt của anh ta sẽ không thể bỏ sót những quán phở cũng như thú vui thưởng thức phở.
Mỗi góc phố của Hà Nội đều có quán phở bởi không một góc ăn uống hè phố nào lại có thể vắng đi sự hiện diện của phở. Quán phở đó có thể "trấn môn chi bảo", có thể là vô danh tầm thường, có thể "người xe như nước, ra vào như nêm", cũng có thể hiu hắt soi một tảng thịt bò nâu sậm giữa cô đơn.
Hà Nội mùa đông, mọi thứ đều chìm trong màu bàng bạc. Có khi là bởi hàn khí bốc lên từ mặt nước sông hồ, nhưng cũng có khi là một làn khói nóng chợt bùng lên và bủa vây không gian khi nắp vung lật mở. Làn khói trắng bạc của nồi nước phở sục sôi đó có lẽ nào không đẹp như "sương giăng phố vắng".
Một người tha hương trở về Hà Nội trong một ngày đông lạnh. Thật diễm phúc cho anh ta khi đang mỏi mệt gõ gót trên vỉa hè lạnh lẽo, bất chợt được cả làn khói nóng thơm tho mùi gừng nướng, sức nực vị quế hồi, gây gây hương xương bò bao phủ, quấn quýt đón đứa con xa.
Cú chạm đó sẽ khiến sự tái sinh nảy nở trong con người lữ khách như Antaeus lấy được sức mạnh từ đất mẹ Gaia trong thần thoại Hy Lạp. Điều đó khiến người tha hương trở về bồi hồi như khi "chạm bóng cửa ô".
Quê hương là gì? Quê hương chính là hương vị của món ăn, của làn khói phở thơm phức đã ấp ủ Hà Nội biết bao mùa đông.
Thế nên có lẽ cái cửa ô khiến Phú Quang run run "chạm vai gầy áo mẹ" đó chính là cửa ô Quan Chưởng, một cái cửa ô dẫn vào miên man những quán phở ngon lành trên trục phố Hàng Chiếu, Hàng Mã này, mở đầu bằng quán phở Vân ngay ngoài cửa ô.
Phú Quang hẳn đã thưởng thức phở Tư Lùn, phở Chiêu ở Hàng Đồng rẽ ra từ Hàng Mã, phở Lâm hay phở Khôi hói ở Hàng Vải cách đó mấy bước chân.
Phở Chiêu
Trong bán kính 1.000 mét, cũng là vô số quán phở lừng danh như phở Bát Đàn, phở Lý Quốc Sư ở Phùng Hưng hay phở Mặn ở Gầm Cầu.
Tôi cứ hay giá như trong Hà Nội ngày trở về có thêm hình ảnh của phở, có thể là "Bên quán phở, em buồn nghe trút lá. Chiều mưa sa, giăng kín phố dài" chăng?
Ăn phở nơi vỉa hè trong những ngày thời tiết chuyển lạnh
Hình ảnh một thiếu phụ ngồi trầm ngâm trong quán phở lẽ nào không đẹp. Tôi nhớ đến người đàn bà bán phở ở chắn tàu đường Trần Phú, ngồi trầm ngâm dưới tảng thịt bò, một cơn gió lạnh ùa qua khiến vạn vạn lá xà cừ gieo mình xuống đất rồi xào xạc đuổi nhau đến vô cùng.
Những người đàn bà trong ca khúc Hà Nội của Phú Quang chỉ có tên là Em. Người đàn bà đó là hóa thân của Hà Nội. Người đàn bà đó có thể gói đêm vào trong tóc, có thể hóa đá một kiếp người, có thể chơi dương cầm trong căn nhà đổ, có thể chở mùa thu về phố.
Phú Quang đã rất yêu người đàn bà đó, tận hiến của cuộc đời để ca ngợi nàng, chia sẻ từng phút giây sống chết, chia sẻ mọi nỗi buồn đau.
Nhưng Phú Quang và người đàn bà đó lại không chia cho nhau bát phở. Bởi để ý kỹ, những người yêu nhau khi bước vào quán phở, giữa họ luôn có sự san sớt, sẻ chia.
Người ta yêu nhau thường hay đưa nhau đi ăn phở. Hành vi ăn phở thể hiện sự quan tâm thành thực. Gần đây rộ lên một trào lưu xuất phát từ một bộ phim Hàn Quốc, dùng việc "ăn mì" để thể hiện tình yêu và khát vọng yêu đương. Cô gái muốn chàng trai ở bên mình sẽ nói: "Anh có thể ăn mì em nấu không", một thông điệp lưu luyến rất tế nhị và mạnh mẽ. Mì của Hàn Quốc cũng giống phở của Việt Nam vậy.
Thế nên bát phở là ấn chứng của tình yêu vĩnh cữu. Bát phở trên vỉa hè hay trong quán xá, bát phở lúc nhá nhem chiều xuống hay nửa đêm đông muộn, bát phở giữa xô bồ bụi bặm hay lặng lẽ gác nhỏ lầu cao… sẽ ngon hơn khi được ăn cùng người trong mộng.
Vắt cho nhau một miếng chanh, rắc cho nhau một chút hạt tiêu, rưới cho nhau một chút giấm tỏi, tương ớt, cùng nhìn nhau qua làn khói, cùng hít thở mùi phở thơm, rồi lấy phở từ bát mình chia thêm cho người kia… đấy đều là những hành vi không thể thực hiện nếu không có sự yêu thương.
Tình yêu cần những lời nói nồng nàn, tình cảm chân thành, quyến luyến da thịt, nhưng tình yêu cũng cần những bát phở nóng hổi làm nhân chứng.
Cho dù cuộc đời sau này ra sao, nhân duyên hợp tan còn mất, thì nhờ có phở mà trong ký ức vẫn còn những khoảnh khắc để người nghệ sĩ lang thang trong nỗi nhớ mùa đông.
Mùa đông này, Hà Nội không còn chàng lãng tử Phú Quang của mình nữa. Nhưng Hà Nội vẫn còn những quán phở, thứ đã làm nên vẻ đẹp ẩm thực của mảnh đất này. Phở cần được tôn vinh như một nét đẹp của Hà Nội, như đã có hẳn Ngày Phở Việt Nam 12-12.
Phú Quang đã "vội vã trở về, vội vã ra đi". Hy vọng trong hành trang ông lấy cho mình sang cõi khác có cả bát phở bò nóng bỏng, xanh ngát hành hoa!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận