24/03/2016 09:40 GMT+7

Trong nhiệm kỳ Chính phủ đã bỏ qua nhiều thời cơ

V.V.THÀNH - V.SỰ - L.KIÊN
V.V.THÀNH - V.SỰ - L.KIÊN

TTO  - Đánh giá về nhiệm kỳ sắp qua của Chính phủ, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng các bộ ngành đã nỗ lực lớn nhưng không thể hài lòng.

Đánh giá về công tác giám sát của Quốc hội, đại biểu Đỗ Văn Đương (TP.HCM) nhận xét Quốc hội vẫn còn “vuốt ve” thành tích các cơ quan được giám sát    - Ảnh: Bình Minh
Đánh giá về công tác giám sát của Quốc hội, đại biểu Đỗ Văn Đương (TP.HCM) nhận xét Quốc hội vẫn còn “vuốt ve” thành tích các cơ quan được giám sát - Ảnh: Bình Minh

"Chỉ cảm ơn nhân dân thì chưa đủ"

Đó là ý kiến của đại biểu Lê Thanh Hải - nguyên ủy viên Bộ Chính trị, nguyên bí thư Thành ủy TP.HCM - trong phiên thảo luận ở tổ của Quốc hội về dự thảo báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIII của Quốc hội và báo cáo công tác nhiệm kỳ của Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ… sáng 23-3.

“Nói cảm ơn thì có vẻ giống như ông chủ cảm ơn nhân viên vì đã làm được điều gì đó. Trong khi ở đây nhân dân, doanh nghiệp là chủ thể của các thành tựu” - ông Lê Thanh Hải bày tỏ.

Trước đó, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cho rằng báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của Chính phủ phải đánh giá tương xứng nỗ lực của nhân dân, cảm ơn nhân dân đã chịu đựng nhiều khó khăn, ủng hộ Nhà nước trong tất cả thời điểm. Ông Nghĩa đề nghị báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của Chính phủ phải thể hiện rõ sự cảm ơn đó.

Bỏ qua nhiều thời cơ

Đánh giá về nhiệm kỳ sắp qua của Chính phủ, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng các bộ ngành đã nỗ lực lớn nhưng không thể hài lòng, vì nếu so với các nước xung quanh thì giống như... chưa hoàn thành nhiệm vụ.

Theo ông Nghĩa, trong nhiệm kỳ Chính phủ đã bỏ qua nhiều thời cơ. Ví dụ đã có thời điểm chúng ta nằm trong top đầu những nước xuất khẩu ở một số mặt hàng, nhất là nông nghiệp.

Lẽ ra từ đó phải chuyển từ xuất khẩu nguyên liệu sang chế biến, chi phối được thị trường ở các lĩnh vực dệt may, da giày, gạo, cà phê, cao su, hạt điều... tiến tới là tăng thương hiệu công nghệ. “Nhưng giờ đã mất thời cơ đó” - ông nói.

Một thời cơ khác là khi giảm được lạm phát, lẽ ra Chính phủ phải có biện pháp tạo đột phá lớn trong phát triển kinh tế, đẩy đời sống người dân lên. Nhưng điều này cũng chưa làm được.

Đại biểu Bùi Đức Thụ (Lai Châu) nói kiểm điểm một nhiệm kỳ không phải là kiểm đếm xem một cơ quan đã làm cái gì, mà phải xem kết quả và hiệu quả của công việc đó ra sao.

Mức tăng trưởng bình quân 5,9% là tương đối ấn tượng, nhưng tình hình vẫn còn rất khó khăn, bấp bênh kể cả trong thành tích đạt được.

Cụ thể như chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm là do giá dầu thô giảm, mặt bằng nguyên vật liệu trên thế giới giảm. Nợ công tăng, nợ Chính phủ đã vượt trần cho phép. “Tôi cho rằng nếu cứ tiếp tục tăng như vậy thì nợ công cũng sẽ vượt trần cho phép (65% GDP)” - ông Thụ nói.

Phó chủ nhiệm ủy ban kinh tế của Quốc hội Mai Xuân Hùng thể hiện băn khoăn khi trong báo cáo của Chính phủ không có đánh giá về thực hiện chiến lược biển, trong khi GDP của kinh tế biển đã chiếm khoảng 22% tổng GDP cả nước.

Phó chủ nhiệm ủy ban kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Phúc bày tỏ: “Tôi kỳ vọng Chính phủ mới là Chính phủ kiến tạo phát triển, chứ không phải sa đà quá vào những sự vụ cụ thể. Tới đây Quốc hội sẽ bỏ phiếu bầu đồng chí Nguyễn Xuân Phúc làm thủ tướng, tôi kỳ vọng thủ tướng nhiệm kỳ tới sẽ kế nhiệm tốt các thủ tướng tiền nhiệm, phải đốc thúc các bộ trưởng quyết liệt, chuyển động mạnh mẽ.

Người dân nói rằng có một vài bộ trưởng nói được, làm được, tạo chuyển biến công việc của bộ, ngành đó nên rất được ủng hộ. Người dân không thích các bộ trưởng cứ nói là ghi nhận, nghiên cứu, chờ trung ương, chờ chính phủ...”.

Còn “vuốt ve”, ngại đụng chạm

Góp ý về Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM) đề nghị phải đổi mới phương thức hoạt động của Quốc hội để gần dân hơn.

Bà Tâm cũng nói bà có cảm giác Quốc hội ngày càng hành chính hóa hoạt động của đại biểu, theo đó hoạt động bàn giấy mang tính chất hội nghị còn nhiều.

Bà Tâm nêu vấn đề việc còn tồn tại cơ chế xin - cho bao cấp, không phân cấp phân quyền cho địa phương đã làm hạn chế chất lượng phát biểu của đại biểu.

“Nếu đại biểu nói mạnh, nói đúng với thực tiễn thì sẽ đụng chạm, ảnh hưởng đến địa phương. Tôi biết nhiều đại biểu không dám nói hết điều muốn nói vì phải suy nghĩ được gì, mất gì” - bà Tâm nêu.

Đánh giá về công tác giám sát của Quốc hội, đại biểu Đỗ Văn Đương (TP.HCM) nhận xét Quốc hội vẫn còn “vuốt ve” thành tích các cơ quan được giám sát, chưa có cơ chế để chỉ rõ bệnh tật, nguyên nhân và nội tình căn bệnh đó để chữa trị.

Đại biểu Nguyễn Văn Phúc cho biết nhiệm kỳ này cử tri đánh giá rất cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội.

“Tôi đã làm việc ở Quốc hội 38 năm nay nên cảm nhận rất rõ, rất tự hào là đại biểu Quốc hội. Trước đây nói về Quốc hội, cử tri cứ cho rằng Quốc hội là cơ quan quyền lực tối cao nhưng hoạt động còn hình thức, thiếu thực quyền. Bây giờ cử tri đánh giá cao, đương nhiên không phải tất cả đều hoàn hảo” - ông Phúc nói.

Về hạn chế bất cập, đại biểu Phúc cho rằng phải nhấn mạnh hơn nữa đến chất lượng xây dựng luật, bởi bà con cử tri phản ảnh Quốc hội ban hành luật nhưng quy định còn chung chung, luật khung, luật ống.

Nói Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất thì quyền lực phải thể hiện trong từng điều luật, có hiệu lực.

Ngày 29-3, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường các báo cáo nêu trên.

Các nước lên tiếng về Hoàng Sa, Trường Sa, chúng ta lại không

Tình hình Biển Đông cũng được nhiều đại biểu đề cập trong thảo luận. Phó chủ nhiệm ủy ban Pháp luật của Quốc hội Trần Đình Long day dứt nói rằng: “Chúng ta thường xuyên khẳng định giữ vững độc lập chủ quyền, tuy nhiên không thể quên một phần biển đảo đã bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép bằng vũ lực; rồi việc Trung Quốc lấn khu vực Trường Sa, hằng ngày ngư dân bị xua đuổi”.

Ông Long nêu: vừa qua Mỹ, một số nước có nghị quyết liên quan đến biển Đông, nhưng “chúng ta lại không có nghị quyết chính thức về Trường Sa, Hoàng Sa”.

Đại biểu Lê Minh Thông - phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật- cũng cho biết nhiều cử tri băn khoăn vấn đề nêu trên và “mong muốn có một tiếng nói mạnh mẽ thể hiện ý chí của dân tộc”.

Chủ tịch Quốc hội: Tôi đã chuẩn bị người thay mình

Trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng ông đã hoàn thành hai nhiệm vụ quan trọng của người lãnh đạo.

Thứ nhất là những việc được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao thì phải cố gắng làm cho tốt, làm hết sức, tận tâm tận lực, rèn luyện để vượt qua chính mình. Thứ hai là chuẩn bị người thay thế mình cho tốt.

V.V.THÀNH - V.SỰ - L.KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp