Thiếu nữ Sài Gòn xưa - Ảnh tư liệu
Thư xóm Vẹc
THÂN GỬI SÀI GÒN
Mười ba năm trước tôi đã tới Sài Gòn và, mười ba năm qua, bao lần Sài Gòn trở lại trong ký ức tôi, khi tươi cười khi tẻ nhạt, khi hẹn hò gắn bó… Trời ơi, Sài Gòn.
Xa xôi nữa không biết là có ngày nào, có lần tôi cũng đã mơ Sài Gòn. Tôi còn nhỏ lắm ngày ấy. Bỗng một hôm mẹ tôi hốt hoảng ở bên ngoại về, thấy tôi liền giục mặc quần áo cho mau. Vừa lúc cha tôi ở nhà trong ra:
Cậu Lâm sáng mai phải đi Sài Gòn rồi, mẹ tôi nói, tối nay tôi cho con xuống ngủ dưới bà.
Thế là tối hôm ấy, trong một góc nhà tôi tối, bà ngoại tôi khóc. Đối với bà tôi cũng như hầu hết những bà già xứ Bắc xưa kia, Sài Gòn nó là cái "nước Sè Goòng" ở xa xa lắm, chỗ cùng trời. Đi đường bộ thì phải mấy ngày xe lửa, xuống xe lửa thì sang xe hơi, lại đi mấy ngày nữa qua rừng mới tới.
Còn tôi, mặc nước mắt của mẹ tôi long lanh trong bóng tối, tôi theo dõi chuyện cậu tôi cố kể cho vui nhà về Sài Gòn theo lời chúng bạn đã từ trong đó ra… Cho đến khi díu mắt lại và một Sài Gòn kỳ ảo quay cuồng dưới mi mắt nặng trĩu của tôi. Trời ơi! Là Sài Gòn!
Lại một ngày nào nữa, tôi mười ba hay mười bốn, Sài Gòn đã rộn rã gọi tôi: "Em nè, em nè…" với tiếng gọi lôi cuốn của những "Cậu Tám Lọ" thần tình! Trời ơi! Sài Gòn!
Trời ơi!l Là Sài Gòn! Xứ của mùa hè vĩnh viễn, xứ của mặt trời, tôi phải đi, tôi phải đi cho đến. Đã bao ngày trong cái u uất, giá băng của mùa đông xứ Bắc, tôi vọng vào Nam tìm dưới những cuối trời đâu là chỗ ngụt lên hơi nóng.
Và rồi, một tối kia, trên ga Hà Nội dưới những hạt mưa xuân còn tê điếng cả những nỗi lạnh lùng, tôi đi Sài Gòn. Ba ngày, ba đêm, vẫn tiếng kêu ấy khi nhè nhẹ chuyển qua những cánh đồng xanh, khi sốt lên trong đêm tối của những dường hầm xuyên núi, khi tản vào gió bể đông. Sài Gòn, trời ơi! Là Sài Gòn!
Cuối cùng, tôi đã thấy Sài Gòn, tôi đã ném mình xuống lòng nóng hổi của Sài Gòn. Sài Gòn, trời ơi!
Nhưng trong sương mù xứ Bắc, tôi đã lại trở về. Từ biệt Sài Gòn, tôi hẹn tái ngộ ở năm sau, rồi kỳ hẹn cứ kéo dài một năm sau nữa, lại một năm sau, cho đến năm sau thứ mười hai. Mười hai năm, cuộc đời bao phen đã đáng khóc, bao phen đã đáng cười, hay đáng chửi vào mặt nó, hay đáng thương, muôn vàn đáng thương? Tội nghiệp mà. Sài Gòn ơi! Mười hai năm ngắn lắm, nhưng chuyện của mười hai năm kể sao cho hết trong một ngày.
Đêm nay, cũng là "một đêm vừa gió lại vừa mưa" – một thi sĩ xưa của Sài Gòn viết thế đó – giá đem mà kể thì chắc rằng phải thâu canh thức trắng cùng mưa. Nhưng thôi, mình đâm lãng mạn mất rồi. Sài Gòn !...
Sài Gòn! Để tôi trở lại với chuyện vui hơn. Vậy thì mười ba năm trước tôi đã tới đây rồi. Cái hẹn trở lại, một lần tưởng đâu tôi đã thực hiện được. Ấy là khi dịu dịu dàng dàng, tôi đi cùng vợ mới cưới của tôi, toan tính cùng nhau uống bầu mật nóng của trăng Sài Gòn. Nhưng quyết định cuối cùng đành gạt bỏ vì cũng đương là khi cả mùa thu xứ Bắc níu chúng tôi lại với gió heo may, với hương cốm mới, với tơ vàng nuột của nắng hanh những lúc cuối chiều. Trời ơi, Sài Gòn! Có biết không mùa Thu xứ Bắc? Nhất là khi mùa thu khi người ta mới lấy nhau!
Thế rồi, trong một sớm mùa xuân âm thầm bóng chết, tôi đã lẩn bóng tối ra đi. Trên sân ga Hà Nội, lếch thếch vợ cùng con, tôi đi với một định hướng trong đầu: Sài Gòn. Tiếng còi tàu như xé. Ngoảnh nhìn lại Hà Nội, Hà Nội mà bấy lâu tôi sống bên nó vô tình chẳng dè đâu tôi phải hốt lên:
- Trời ơi! Hà Nội !
Sài Gòn! Sài Gòn! Tiếng bánh xe lăn trên đường sắt mới nặng nề làm sao, chậm chạp làm sao! Bao giờ cho tới? Mà tới rồi tính toán những làm sao? Sài Gòn quen biết không ngờ trở thành xa lạ, xa lạ quá, Sài Gòn ơi!
Chợ Bến Thành sau 1963 có lúc đổi tên thành chợ Quách Thị Trang một thời gian ngắn (bảng tên chợ Quách Thị Trang màu trắng trên cổng chính của chợ) - Ảnh tư liệu
Xích lô Sài Gòn 1960 - Ảnh: LIFE
Nhưng, Hải Phòng đã tới, cửa đã mở cho chúng tôi trông thấy Sài Gòn và Sài Gòn đã chờn chỏ đến cùng tôi. Ngày mai lo gì vội và lo gì, phải không? Tất cả Sài Gòn mười ba năm trước đã đứng trước mặt tôi. Trời ơi! Sài Gòn! Sài Gòn của chợ Bến Thành tới tấp, Sài Gòn của những đại lộ nắng chang. Tiếng rao "Hộộc dịịc lộộng" như khua buồng gan, lá phổi của tôi. Sài Gòn, Sài Gòn của những ông cò-mi thầy cảnh sát răng vàng lấp lánh, của những chú ba Tàu thô kệch, của những anh Chà đen thủi, đen thui. Mười ba năm xưa, thì Sài Gòn hẳn khác vì cũng còn là Sài Gòn của những anh Tây mặt đỏ gay, hách dịch, của những chị đầm mặc "soóc" dắt chó "lu lu" hay Sài Gòn của những tay anh chị bến xe đò. Sài Gòn của tôi! Ơi Sài Gòn của tôi và của những cô Hai nuột nà trong bộ "bà ba", cổ cao, vai lẳn, mặt đầy như viên ngọc "mắt miu", những cô Hai mắt đen lay láy nhìn rợp cả nắng trời!
Sài Gòn! Kỳ dữ! Sài Gòn! Coi dễ thương quá đa! Mười hai năm xa cách, tội nghiệp nhỉ, Sài Gòn! Hình ảnh xưa của Sài Gòn vẫy gọi tôi hãy mau mau lìa mẻm đất cuối cùng của quê hương tôi. Rồi tôi lại đứng trước Sài Gòn, Sài Gòn của những hoàng hôn không màu sắc, những hoàng hôn mau tắt nhường chỗ cho ánh đèn xanh đỏ bừng lên. Xe cộ quay cuồng, đèn pha ô tô quét ngang quét dọc bóng tối, ôm đứa con nhỏ vào lòng, tôi không cầm nổi nước mắt dâng lên. Trời ơi! Sài Gòn! Muôn vàn vì sao lạ sáng với ánh sáng ngại ngần trên đầu tôi. Mười hai năm trở lại tôi đến với Sài Gòn là một kẻ ly hương.
Và năm nay, năm thứ mười ba sau buổi tôi đến với Sài Gòn lần thứ nhất. Già một năm tôi đã sống với Sài Gòn. Nơi đây còn là xóm "Vẹc" của Sài Gòn. Đêm mưa nặng, bút tôi đặt xuống cùng tiếng mưa để viết lá thư đầu trong tập "Thư xóm Vẹc". Sài Gòn! Sài Gòn! Trời ơi, Sài Gòn!
Xóm Vẹc, 16.9.1956
Thân ái
HI DI
Đường Nguyễn Huệ 1955 - Nay là phố đi bộ Nguyễn Huệ - Ảnh tư liệu
T.B: Chớ lầm tôi muốn chấm hết thư với dư âm của những tiếng buồn. Mình còn lãng mạn gì nữa đâu để mà buồn với những tiếng mưa! Cái việc mưa rơi là việc của trời, cũng như việc kêu tíc tắc là việc của cái đồng hồ, hay việc làm cho im hết đi là việc của đêm. Mình tội vạ gì mà nghĩ buồn vay, buồn mướn hộ giọt mưa rơi hay cái bánh xe cứ phải kêu tích tắc trong im lặng tuyệt mù của cái ngoại ô nghèo nàn và xa lắc này. Trơời ơi! Bởi vì mình có cuộc sống của mình! Tôi tái bút mấy dòng này, tay lăn tăn một niềm vui là sự sống của tôi. Cho gửi niềm vui ấy vì hẹn mười ba năm, cuối cùng vẫn đúng hẹn. Còn nghĩ gì đêm nay, Sài Gòn?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận