09/10/2016 15:31 GMT+7

​Nobel văn học 2016: Haruki Murakami lại được chờ đợi

NGÂN XUYÊN
NGÂN XUYÊN

TTO - Ba ứng viên nặng ký cho giải Nobel văn học 2016 là Haruki Murakami (Nhật) , Ngũgĩ wa Thiong'o (Kenya) và Philip Roth (nhà văn Mỹ gốc Do Thái).

Haruki Murakami
Haruki Murakami

Như mọi năm, với riêng giải Nobel văn học thì người Việt Nam nói chung chứ không riêng gì giới văn chương chữ nghĩa cứ mỗi độ tháng 10 là lại phỏng đoán, phấp phỏng, hi vọng... 

Nhiều bất ngờ có thể đến, như đã nhiều lần đến. Nhưng lúc này, ta hãy lướt mặt điểm tên ba ứng viên nặng ký xem sao.

Trước tiên là nhà văn Nhật Haruki Murakami (sinh năm 1949). Trong danh sách dự đoán của nhà cái Ladbrokes, ông đạt tỉ lệ 5/1.

Ông nhà văn Nhật Bản này tiếng tăm lừng lẫy khắp thế giới. Sách ông được dịch ra hàng chục thứ tiếng, in ra hàng chục triệu bản và được hàng trăm triệu người đọc.

Cả giới văn lẫn công chúng độc giả rộng rãi đều thích ông, thấy ở ông một gương mặt nhà văn sáng giá của xứ sở mặt trời mọc với lối viết xoáy sâu vào nỗi cô đơn của con người hiện đại.

Sau hai giải Nobel văn học cho Yasunary Kawabata (1968) và Kenzaburo Oe (1994), Nhật Bản đang rất hi vọng và chờ đợi giải thưởng này về tay Haruki Murakami. Tên ông mấy năm nay luôn ở đầu danh sách dự đoán và đặt cược của các nhà cái.

Ngũgĩ wa Thiong'o
Ngũgĩ wa Thiong'o

Người tiếp theo là nhà văn Kenya Ngũgĩ wa Thiong'o (sinh năm 1938) với tỉ lệ đặt cược là 7/1.

Các tác phẩm của ông bao gồm truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch, tiểu luận (viết bằng tiếng Anh và tiếng bản địa) phản ánh cuộc sống và con người của Kenya trong thời kỳ thuộc địa và đấu tranh giành độc lập.

Bản thân ông lúc đầu dùng một cái tên tiếng Anh, nhưng sau đó đã lấy lại cái tên cúng cơm tộc người Batu của mình như hiện tại để tỏ rõ niềm tự hào văn hóa dân tộc.

Điều này càng thấy rõ khi năm 1977 ông tuyên bố không viết bằng tiếng Anh nữa và kêu gọi các nhà văn châu Phi khác cũng làm như vậy. Từ đó ông công bố hầu hết các tiểu thuyết của mình bằng tiếng mẹ đẻ Giyuku trước khi tự mình dịch chúng sang tiếng Anh.

Lúc bắt đầu sự nghiệp ông viết theo phong cách hiện thực, nhưng gần đây ông đã chuyển sang lối viết hiện thực huyền ảo. Những tác phẩm nổi tiếng của ông là các tiểu thuyết Weep Not, Child, Petals of Blood, A Grain of Wheat.

Năm 2012, cuốn hồi ký của ông mang nhan đề In the House of the Interpreter được xuất bản. Ngoài viết văn, ông còn là giáo sư dạy đại học.

Philip Roth
Philip Roth

Người thứ ba là nhà văn Mỹ gốc Do Thái Philip Roth (sinh năm 1933) với tỉ lệ đặt cược là 8/1. Ông bắt đầu nổi tiếng từ năm 1959 với tập truyện Goodbye, Columbus (đạt giải thưởng Sách quốc gia 1960).

Sau đó ông tiếp tục viết dưới một cái tên khác là Nathan Zuckerman với những tác phẩm The Ghost Writer (1979), American Pastoral (1997, giải Pulitzer).

Tháng 5-2011, ông được trao giải Booker quốc tế cho sự nghiệp trọn đời về văn hư cấu. Sáng tác của ông tập trung khai thác vấn đề bản sắc của người Do Thái ở Mỹ, đi sâu vào các khía cạnh tình dục, tình yêu gia đình và sự chết chóc.

Ông đã có một phát biểu gây sốc về văn hóa đọc: “Tôi không tin tiểu thuyết đang chết. Tôi đã nói việc đọc đang bị chết. Đó là một thực tế và tôi đã nói từ 15 năm trước.

Tôi đã nói màn hình sẽ giết chết độc giả và quả như thế. Đầu tiên là màn chiếu phim, tiếp đến là màn hình tivi, và bây giờ là phát súng ân huệ, màn hình máy tính”.

Ai trong các nhà văn tên tuổi này, hoặc tên tuổi nào khác, sẽ được vinh dự nhận giải Nobel văn học 2016? Mọi dự đoán chỉ là phỏng chừng. Kết quả sẽ có trong vài ngày tới.

Biết đâu sẽ có một sự bất ngờ ngạc nhiên lớn cho công chúng và độc giả Việt Nam!

NGÂN XUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp