Cây xanh bật gốc còn nguyên bọc lưới trên đường Khuất Duy Tiến, Q.Thanh Xuân, Hà Nội. Sự việc này chứng tỏ công tác xã hội hóa cây xanh của thành phố này còn nhiều bất cập - Ảnh: LÂM HOÀI |
Dẹp cắt cỏ, tỉa hoa, Hà Nội tiết kiệm đến 700 tỉ đồng, con số này khiến không ít người phải giật mình. Việc đấu thầu các công trình công cộng nên được tổ chức ra sao?
Mỗi năm Hà Nội đã tiêu tốn hết 53 tỉ đồng cho việc cắt cỏ, tỉa hoa ở 24km đại lộ Thăng Long. Vấn đề xã hội hóa chăm sóc cây cảnh cũng được chính Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung thừa nhận còn nhiều sai sót về chất lượng và không tiết kiệm chi phí.
Việc đấu thầu các công trình công cộng nên được tổ chức ra sao? Quản lý xã hội hóa thế nào để đặt hiệu quả?
Sai lầm về thiết kế sẽ dẫn đến lãng phí
Theo KTS Trương Nam Thuận - Hội Quy hoạch phát triển đô thị VN, đối với những mảng cây xanh cũng như các công trình công cộng khác của thành phố, điều quan trọng nhất quyết định vấn đề tài chính là ở khâu thiết kế.
Dẫn về chuyên môn kiến trúc cảnh quan đô thị, KTS Trương Nam Thuận cho rằng các mảng xanh đô thị nên chọn lựa những loại thực vật ít tốn công chăm sóc và bảo dưỡng, ít cần tưới nước, ít rụng lá để không tốn công quét dọn.
Những hàng cây cắt tỉa công phu ở dải phân cách đại lộ Mai Chí Thọ, Q.2, TP.HCM sáng 21-8-2016 - Ảnh: M.C |
Thậm chí có những khu vực cần đề ra các giải pháp thay thế thảm thực vật bằng những loại vật liệu khác để đảm bảo tiết kiệm chi phí tối đa.
“Đơn vị quản lý và chịu trách nhiệm về các dự án cây xanh công cộng cần tham vấn ý kiến của các kiến trúc sư về cảnh quan đô thị để biết được thảm thực vật nào là phù hợp với công trình xây dựng nào. Không nên làm theo thói quen từ các dự án đã thực hiện trước như một số đơn vị hiện nay vẫn làm”, ông Trương Nam Thuận nói.
Chi tiết hơn, KTS Trương Nam Thuận cho rằng thảm thực vật phải phù hợp với chức năng của khu vực được trồng.
Không thể trồng một cách tùy tiện mà phải biết rằng trồng cây ở khu dân cư khác với trồng cây ở những đại lộ phục vụ cho mục đích giao thông.
Ví dụ, các thảm cỏ thường được trồng ở quảng trường, các công viên công cộng, khu biệt thự, khu resort, những khu vực có diện tích lớn, bởi chi phí phải bỏ ra để chăm sóc định kỳ cho những thảm cỏ này là rất cao, chỉ những khu vực trên mới có thể chi trả phí chăm sóc định kỳ.
Không thể áp dụng những thảm cỏ này vào những mảng xanh đô thị lớn, những khu vực phục vụ cho giao thông.
KTS Ngô Viết Nam Sơn còn dẫn chứng trên những đại lộ, đường cao tốc, không cần thiết phải trồng những loại hoa, cỏ, thực vật mang tính thẩm mỹ cao, chỉ cần cây xanh, có bóng mát là được vì người đi đường, chạy xe không có tâm lý nhìn ngắm cây cảnh.
Những tuyến phố đi bộ, những tòa nhà, khu vực trọng điểm thì có thể trồng hoa.
Mô hình cây cảnh khu đô thị Phú Mỹ Hưng tuy rất đẹp nhưng không thể áp dụng cho cả nước mà chỉ có thể áp dụng cho những khu đô thị cao cấp, trong đó người dân có điều kiện đóng góp chi phí hằng tháng để duy trì vận hành khu đô thị - KTS Ngô viết Nam Sơn nêu.
“Việc chọn cây xanh thế nào để đem lại hiệu quả kinh tế là một vấn đề không nhỏ. Ngay từ khâu ý tưởng đã phải có sự cân nhắc để tiết kiệm cho thành phố” - ông Ngô Viết Nam Sơn nói.
Thiết kế sai lầm là một nguyên nhân không nhỏ dẫn đến lãng phí - KTS Trương Nam Thuận nhận xét.
Tiền do xã hội hóa nên có quyền lãng phí?
Theo tiến sĩ (TS) Huỳnh Thế Du - giảng viên Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, các vấn đề về chỉnh trang, vệ sinh đô thị cũng như các công trình, dịch vụ công cộng khác nếu có một quá trình đấu thầu minh bạch, cạnh tranh lành mạnh thì chi phí sẽ hợp lý, bởi tất cả những vấn đề này đều xoay quanh cơ chế thị trường.
TS Huỳnh Thế Du cũng chỉ ra một sai lầm mà xã hội chúng ta hiện nay đang mắc phải, đó là nhiều người vẫn cho rằng xã hội hóa tức là xã hội làm, nhà nước không tham gia. Tuy nhiên, vai trò của nhà nước vẫn là phải nhìn tổng thể nền kinh tế.
Nguồn lực dù là của doanh nghiệp hay của người dân thì nhà nước vẫn có trách nhiệm quản lý sao cho nguồn lực ấy được chi tiêu một cách hiệu quả nhất.
“Không thể nói xã hội hóa thì nhà nước không quan tâm. Thật sai lầm khi cho rằng tiền nếu không phải ngân sách nhà nước thì có quyền thoải mái sử dụng.
Thế thì phải chăng cứ nói xã hội hóa là được quyền lãng phí? Tiền của dân hay của nhà nước thì vẫn là tiền của nền kinh tế đất nước, không thể không quan tâm đến chuyện lãng phí hay không được” - TS Huỳnh Thế Du nói.
Quản lý xã hội hóa các công trình công cộng thế nào?
Theo KTS Ngô Viết Nam Sơn, những gì không cần nhà nước phải tham gia thì nên giao cho tư nhân. Cách làm này rất hiệu quả về mặt tài chính, không những thế còn giúp giảm biên chế.
Ở nước ngoài, những vấn đề về chỉnh trang đô thị, thậm chí cấp điện, nước đều là do tư nhân quản lý, còn nhà nước chỉ điều phối và quản lý vấn đề chất lượng và pháp lý.
Để tư nhân quản lý tốt thì các thành phố nên có quy trình đấu thầu hợp lý, nên tổ chức đấu thầu công khai, minh bạch, tránh sự độc quyền, tăng cạnh tranh lành mạnh, cho cả các công ty nhà nước cùng tham gia đấu thầu.
“Mục đích cuối cùng là làm sao với số tiền ít nhất, thành phố vẫn đạt được hiệu quả vận động tốt nhất”, ông Ngô Viết Nam Sơn nói.
Cụ thể hơn về vấn đề quản lý xã hội hóa cây xanh, KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng nên có sự rà soát lại toàn bộ cơ chế quản lý của thành phố. Nên công bố minh bạch tất cả con số xung quanh vấn đề này, số tiền đó được sử dụng vào những mục đích gì, có chính đáng hay không.
Vấn đề trả lương cho công nhân, viên chức ra sao, có chuyện người công nhân phải làm việc trong điều kiện thời tiết nắng, cực nhọc lại có lương thấp rất nhiều so với hơn người quản lý hay không...
Việc công bố số tiền cụ thể cho từng hoạt động còn giúp các công ty cây xanh khác đề ra những giải pháp giúp hạ giá thành xuống cho những lần đấu thầu sau.
Theo ông Ngô Viết Nam Sơn, mô hình quản lý lý tưởng nhất vẫn là công ty trúng thầu có thể tự cân bằng được ngân sách hoạt động của mình, làm sao tìm cách sinh lợi từ công trình để tự cân đối mà không cần ngân sách nhà nước hay thu tiền của người dân.
“Trong bối cảnh nền kinh tế thắt lưng buộc bụng, tiền ngân sách cần cho các công trình, dự án lớn, nợ công còn quá cao, không riêng ngành cây xanh mà tất cả các hạ tầng dịch vụ khác nên dần chuyển sang hướng xã hội hóa, vừa tiết kiệm ngân sách, vừa đem lại nguồn thu cho thành phố”, ông Nam Sơn nói.
Mời bạn đọc nghe các phát biểu trong bài:
>> KTS Trương Nam Thuận:
>> KTS Ngô Viết Nam Sơn:
>> TS Huỳnh Thế Du:
Những chậu kiểng cắt tỉa công phu trên đại lộ Mai Chí Thọ - Ảnh: M.C |
Xung quanh từng cây trồng trên vỉa hè đại lộ Mai Chí Thọ, Q2, TP.HCM đều được trồng xen những loại cây nhỏ và phải cắt tỉa thường xuyên. Ảnh chụp sáng 21-8 - Ảnh: M.C |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận