Hoàng Anh Đức (phải) trong ngày nhận bằng tốt nghiệp thạc sĩ - Ảnh: Đ.HOÀNG
Giáo dục là con đường giúp mỗi người hình thành năng lực tư duy có bản sắc và cởi mở, độc lập và cộng tác.
Hoàng Anh Đức
"EdLab Asia ra đời với nguyện vọng trở thành một trung tâm nghiên cứu và ứng dụng giáo dục, hoạt động theo mô hình doanh nghiệp xã hội. Hoạt động chính gồm: tư vấn về quản trị, cải tổ nhà trường, chương trình, đào tạo giáo viên cho các trường tư thục… để tạo nguồn kinh phí và các dự án, hoạt động xã hội nhằm hỗ trợ giáo viên khắp mọi miền Tổ quốc, phổ cập các kiến thức về giáo dục", Anh Đức chia sẻ về mô hình ra đời chính thức vào tháng 10-2019.
* Điều gì khiến bạn thêm tâm huyết với con đường giáo dục, từ chối nơi làm việc có thu nhập cao?
- Thời điểm học đại học, có lúc tôi chỉ học cho qua môn và xong tấm bằng. Thế nhưng, những hoạt động học tập khác (học qua các chuyến điền dã, qua sách báo, học online…) lại cho tôi cảm hứng thật sự, ý thức rõ hơn về tầm quan trọng của việc học tập suốt đời, về những kỹ năng cần thiết cho thời đại mới.
Tôi cho rằng năng lực học tập suốt đời được định hình bởi đam mê và kỷ luật. Thế nhưng đối với một tổ chức hay một quốc gia, rất khó để định hình được đam mê và tính kỷ luật. Điều cốt yếu là mỗi cá nhân đều có năng lực học tập để tự kiếm tìm lẽ sống của mình, từ đó góp phần hình thành năng lực học tập của các tổ chức, đoàn thể và cả quốc gia.
Giáo dục là một trong nhiều "chìa khóa" để giải bài toán này, nên tôi chọn phát triển các hoạt động giáo dục. Sự lựa chọn ấy được quyết định bởi ý nghĩa của mục tiêu và hành trình, chứ không phải những thiệt hơn. Vì vậy tôi không quá khó khăn khi từ chối những lời mời "hấp dẫn".
* Một trong những điều bạn nhắc đến nhiều là "quản trị tri thức"...?
- Tôi luôn tự hỏi: các luồng tri thức được sản sinh thế nào, luân chuyển và tái tạo ra sao? Trong các dự án được tham gia, chúng tôi tiến hành nhiều thực nghiệm để quan sát quá trình khởi tạo và luân chuyển tri thức ở cấp độ nhóm nhỏ và trong tổ chức... để rồi nhận ra trở ngại lớn nhất đối với việc sản sinh tri thức mới chính là tâm thế của từng cá nhân.
Chẳng hạn như việc đơn giản nhất nhưng lại khó làm nhất là thừa nhận sai lầm của bản thân, sẵn sàng gạt bỏ kinh nghiệm cá nhân để đón nhận những điều khác biệt. Đây là một bài học rất quan trọng mà bất kể ai cũng nên học từ sớm.
Giáo dục chính là con đường giúp mỗi người hình thành năng lực tư duy có bản sắc và cởi mở, độc lập và cộng tác.
Chúng tôi thiết kế các bài học sao cho lúc nào cũng tràn trề hơi thở của tư duy sáng tạo, tư duy phản biện; hoạt động thực hành đều dựa trên nền tảng nghiên cứu về khoa học xã hội (cụ thể là khoa học giáo dục và tâm lý học giáo dục).
* Thế còn "đứa con tinh thần" là chuyên san Dạy và Học?
- Đây là chuyên san mở và miễn phí, sẵn sàng tiếp nhận mọi đóng góp về chuyên môn. Hiện tại, tỉ lệ bài dịch đang chiếm ưu thế (80%). Chúng tôi dự kiến gia tăng tỉ lệ các bài viết, những chia sẻ kinh nghiệm thực tế để nội dung gần gũi hơn với giáo viên Việt Nam.
Dạy và Học đã tròn 2 tuổi vào tháng 7-2020 và ra được 25 số, mỗi số có khoảng 40 trang gồm các bài viết do những chuyên gia, nhà quản lý người Việt lẫn nước ngoài thực hiện. Lượt xem trung bình của mỗi số từ 10.000 đến 11.000.
* Thử thách đáng kể nhất?
- Là phát triển và tối ưu hóa nguồn nhân lực! Chúng tôi phải mất từ sáu tháng đến một năm để có thể đào tạo một nghiên cứu viên làm được việc. Khi các bạn đắm chìm vào những vấn đề nghiên cứu, rất khó để có thể sắp xếp ưu tiên và tăng cường năng lực quản trị dự án, khiến việc mở rộng quy mô dự án cũng gặp không ít trở ngại.
Nguồn thu của EdLab đến từ hoạt động tư vấn và các nguồn tài trợ. Ngoài dự án Dạy và học không nhận tài trợ, chúng tôi tiến hành gây quỹ cho một số dự án khác (Hệ thống e-learning cho giáo viên - Cùng học; Trường hè Giáo dục; Cơ sở dữ liệu khoa học mở, Việt Nam Educamp…).
* Không nhận tài trợ cho Dạy và học, ắt hẳn con đường đang đi càng chông gai hơn…
- Với dự án Dạy và học, EdLab nhận được rất nhiều lời mời gọi tài trợ trong suốt hai năm qua. Tuy nhiên, xác định rằng dự án cần phải giữ được tính khách quan, độc lập, chúng tôi đã từ chối toàn bộ các đề nghị tài trợ với yêu cầu được giới thiệu công khai hoặc quảng cáo ngầm trong các bài viết. Dĩ nhiên là khó khăn, nhưng nhóm cương quyết làm vậy để duy trì tinh thần độc lập của Dạy và học.
Chúng tôi cho rằng trong giáo dục thì không nên thỏa hiệp vì lợi ích vật chất. Nếu một ngày nào đó không còn tính khách quan, thì Dạy và học cũng không còn lý do để tồn tại nữa.
Tuổi Trẻ tiếp tục hỗ trợ start-up năm 2020
Nhằm tạo sân chơi ý nghĩa, khích lệ tinh thần cho các start-up tại TP.HCM cũng như nhiều địa phương khác trên cả nước, báo Tuổi Trẻ đồng hành cùng một số đơn vị tổ chức giải Tuổi Trẻ Golf Tournament for Start-up 2020.
Đây cũng là hoạt động nhằm kỉ niệm 75 năm Quốc Khánh nước CHXHCN Việt Nam, 89 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và 45 năm ngày thành lập báo Tuổi Trẻ.
Hơn 25 câu chuyện khởi nghiệp nổi bật được chọn để giới thiệu trên các ấn phẩm của báo Tuổi Trẻ (online hoặc báo giấy, truyền hình Tuổi Trẻ, fanpage…) từ tháng 7 đến tháng 9-2020. Ngoài việc được vinh danh trên mặt báo, những ý tưởng này sẽ có cơ hội tiếp cận với nhiều quỹ đầu tư cũng như quảng bá hình ảnh đến với công chúng.
Thông qua Hội đồng thẩm định, BTC sẽ chọn một số start-up tiêu biểu để hỗ trợ một khoản kinh phí vào đêm Gala 18-9 tại sân golf Long Thành, với sự đồng hành của các đơn vị, như Golf Long Thành, HD Bank, nhãn Trà Xanh Không độ, VinaCapital, CP ĐT&TM Thái Bình, IDICO, Tân Thuận... (khoản 20- 25 start-up sẽ được trao bằng khen + giải thưởng 20 triệu đồng, trong đó, có 1 start-up được trao giải đặc biệt với bằng khen + giải thưởng lên tới 100 triệu đồng)
Các startup, nhóm bạn trẻ có ý tưởng khởi nghiệp hay và có tính thực tế cao từ hôm nay có thể gửi bài viết tự giới thiệu, những câu hỏi liên quan về địa chỉ email: golfforstartup @tuoitre.com.vn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận