Nhân viên y tế chuẩn bị thuốc y học cổ truyền tại bệnh viện thuộc tỉnh Sơn Đông, ngày 5-2 - Ảnh: REUTERS
Giới chức y tế Trung Quốc cho biết vẫn chưa có cách chữa trị hiệu quả cho dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona chủng mới (2019-nCoV) gây ra.
Mặc dù chưa có bằng chứng từ các thử nghiệm lâm sàng, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) cho biết thuốc lopinavir, ritonavir - vốn dùng trong điều trị HIV - có thể được sử dụng cho bệnh nhân nhiễm virus corona, nhưng NHC không nói thuốc này giúp ích ra sao.
Điều này gây nên cơn sốt thuốc Kaletra, còn được gọi là Aluvia ở thị trường Trung Quốc.
Devy, 38 tuổi, ngụ tỉnh Sơn Đông, nói anh nằm trong số hàng trăm người tìm cách liên lạc với người nhiễm HIV để xin thuốc Kaletra. Mặc dù gần đây Devy không đi du lịch tới tỉnh Hồ Bắc hay thành phố Vũ Hán, nhưng anh đang có các triệu chứng gần giống như nhiễm virus corona, là sốt và buồn nôn.
Tuyệt vọng và lo lắng, anh nghe nói một bệnh nhân HIV đang cấp miễn phí thuốc Kaletra và lập tức tìm tới. Anh được cho 30 viên thuốc.
Ngay cả cuối cùng xét nghiệm cho thấy Devy âm tính với virus corona, anh vẫn nghĩ mình dùng thuốc Kaletra là đúng vì "phải tìm mọi cơ hội để tự cứu mình".
Sẻ chia
Andi Li, 30 tuổi, nói với Hãng tin Reuters rằng sau khi nghe thông tin từ NHC, anh và một vài bệnh nhân HIV khác đã tổng hợp khoảng 5.400 viên Kaletra trong vòng chưa đầy 1 tuần. Sau đó, họ đăng tin lên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc.
Ngay sau đó có hàng trăm tin nhắn gửi đến khiến Andi hầu như không có thời gian để ngủ và ăn trong 3 ngày đầu tiên vì bận gửi thuốc cho những người cần. "Có rất nhiều người cần thuốc, tôi không muốn lãng phí thời gian. Thời gian là mạng sống", Andi nói với Reuters.
Giới chức y tế Trung Quốc cảnh báo rằng lopinavir hay ritonavir vốn là thuốc bán theo toa, tiềm ẩn nhiều tác dụng phụ như tiêu chảy, buồn nôn và tổn thương gan.
Đầu cơ tích trữ
Cơn sốt thuốc thuốc trị HIV cũng mở ra cơ hội kiếm tiền cho một số người.
Hiện có hơn 28.000 người nhiễm virus corona ở Trung Quốc, hầu hết ở thành phố Vũ Hán nói riêng và tỉnh Hồ Bắc nói chung. Sự thiếu hụt dụng cụ xét nghiệm dẫn đến nghi ngại rằng có nhiều ca nhiễm vẫn chưa được phát hiện và công bố.
Gatsby Fang, một tiểu thương chuyên buôn hàng xuyên biên giới ở Trung Quốc, nói với Reuters rằng ông đã đặt mua thuốc Kaletra từ Ấn Độ vào ngày 23-1 ngay sau khi có thông tin từ NHC.
Fang cho biết ông bán mỗi lọ Kaletra với giá 600 nhân dân tệ (86 USD), ăn lời 200-300 NDT mỗi lọ. Bản thân một lọ Kaletra thường ngày có giá 100 NDT, giờ cũng tăng giá lên 300-400 NDT. Sau 2 ngày, ông đã bán hết thuốc và có nhiều khách đặt mua tới 600 lọ thuốc cùng một lúc.
Người mua của ông gồm các bệnh nhân nhiễm virus corona, các bác sĩ tuyến đầu ở Hồ Bắc và không ít người không cần thuốc nhưng cứ mua cho chắc ăn. Nhiều người khác cũng giả vờ là bệnh nhân để mua thuốc từ ông rồi bán lại.
Ngoài thuốc trị HIV như Kaletra, một số phương pháp điều trị y học cổ truyền Trung Quốc cũng được áp dụng. Dù theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), chưa có bằng chứng nào cho thấy những phương pháp điều trị này có hiệu quả trước virus corona.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận