11/02/2017 11:15 GMT+7

Trồng cây gây rừng hay cầu quan, cầu lộc?

LÊ TRỌNG HÙNG
LÊ TRỌNG HÙNG

TTO - “Mùa xuân là Tết trồng cây, làm cho đất nước càng ngày càng xuân”. Đó là tinh thần mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động vào ngày 28-11-1959. Từ đó, Tết trồng cây trở thành một nét đẹp văn hóa ở đất nước ta.

Bác Hồ chăm sóc cây vú sữa của nhân dân Cà Mau gửi tặng Người năm 1954 - Ảnh tư liệu
Bác Hồ chăm sóc cây vú sữa của nhân dân Cà Mau gửi tặng Người năm 1954 - Ảnh tư liệu

Bác mong muốn: “... Nước ta phong cảnh sẽ ngày càng tươi đẹp, khí hậu điều hòa hơn, cây gỗ đầy đủ hơn. Điều đó sẽ góp phần quan trọng vào việc cải thiện đời sống của nhân dân ta”. Bác trồng cây nhỏ để gầy cây lớn, gần gũi, giản dị và thiết thực.

Nhưng bây giờ, nhiều nơi, nhiều người trồng cây không còn mang ý nghĩa đó mà nặng tính “cầu quan, cầu lộc, lưu danh với đời”.

Học tập việc trồng cây của Bác

Hằng năm, khi tết đến xuân về, Bác vừa viết báo nhắc nhở, động viên nhân dân thực hiện Tết trồng cây, vừa đi thăm và tham gia trồng cây với nhân dân. Ngày 5-2-1969, bài báo cuối cùng của Bác về Tết trồng cây đăng trên báo Nhân Dân.

Trong bài báo, Bác dẫn chứng nhiều địa phương, cá nhân có nhiều thành tích trong việc trồng cây, gây rừng; đồng thời nhắc nhở một số địa phương còn yếu trong công tác này và chỉ ra cách làm tốt công tác trồng cây, gây rừng.

Ngày 16-2-1969 (tức ngày mùng 1 Tết Kỷ Dậu), Bác Hồ đến chúc tết và trồng cây ở xã Vật Lại (huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây).

Lúc cùng nhân dân địa phương trồng cây, Bác căn dặn: “Các cụ thì biết chuyện cũ, chuyện mới, nhưng các cháu ngày nay chỉ biết chế độ dân chủ cộng hòa. Đất nước bây giờ là của ta, cho nên cần phải thi đua sản xuất giỏi, trồng cây giỏi”.

Đây là lần cuối cùng và là cây cuối cùng Bác trồng để gieo mầm cho sự sống đời sau, vun trồng.

Trong tất cả khoảnh khắc, sự kiện trồng cây của Bác Hồ nêu trên mà mỗi lần xem lại và đọc lại, tôi đều có cảm xúc và cảm nhận rất riêng. Trông ảnh chăm sóc cây, Bác như một nhà hiền triết kết tinh của nền văn hóa phương Đông, hội tụ những giá trị văn hóa vật chất và tinh thần to lớn để lại cho muôn đời sau.

Cây Bác vun trồng đều là những mầm non. Thêm một cây là thêm cho đời một bóng mát, một sự mát mẻ, một mầm sống; thêm cho môi trường tươi đẹp, thêm một tài nguyên gỗ.

Một doanh nghiệp thuê người khiêng một cây to lên núi Nưa trồng cầu tài cầu lộc trước Khu di tích lịch sử văn hóa Đền Nưa - Am Tiên - Bà Triệu - Ảnh: L.T.H.
Một doanh nghiệp thuê người khiêng một cây to lên núi Nưa trồng cầu tài cầu lộc trước Khu di tích lịch sử văn hóa Đền Nưa - Am Tiên - Bà Triệu - Ảnh: L.T.H.

Trồng cây gây rừng hay lưu danh?

Đáp ứng lời kêu gọi “Tết trồng cây” và điểm lại các sự kiện trồng cây rất giản dị, thiết thực của Bác, nhân dân cả nước cứ mỗi độ xuân về hàng chục năm qua đã nô nức hưởng ứng nhiệt tình và trở thành phong trào quần chúng sâu rộng, làm nên nét đẹp văn hóa truyền thống Việt Nam.

Tuy nhiên, những năm gần đây, khi xuân về không ít quan chức và bộ phận doanh nhân đua nhau thể hiện “văn hóa trồng cây” lệch lạc dưới dạng cầu tài, cầu lộc, cầu quan.

Đón xuân Đinh Dậu này, đi qua đền Đô (Bắc Ninh), đền Trần (Nam Định) đều được nhìn thấy “hàng cây quan chức” có đeo biển ghi tên và chức danh rất cụ thể.

Tại chùa Bái Đính (Ninh Bình), các quan chức trồng cây lưu niệm cũng được xếp thành hàng và còn được khắc tên, khắc chức danh lên bia đá hình lá bồ đề để lưu danh, rất tốn kém.

Tại đền Nưa - Am Tiên và khu vực Huyệt đạo quốc gia (đỉnh Ngàn Nưa, Triệu Sơn, Thanh Hóa) đã và đang hình thành “vườn cây quan chức” từ trung ương xuống địa phương được trồng “lưu niệm”. Cây trồng ken dày, chen lấn không theo hàng lối, phản cảm.

Thắng cảnh Khu di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia đền Nưa - Am Tiên - Bà Triệu có nhiều cây đa, cây đề cổ thụ được trồng (thực chất là dời từ nơi khác đến) và được tạc tên cùng chức danh người trồng vào các tảng đá bên gốc cây.

Cũng tại đền Nưa - Am Tiên, không chỉ có “vườn cây quan chức” mà hiện đang hình thành “vườn cây doanh nhân”. Họ cũng cung tiến và “trồng lưu niệm”.

Về hình thức, hai vườn cây này có những điểm giống nhau, đó là “đều là các loại cây cổ thụ” được bứng ở rừng về hoặc ở khu vực khác luân chuyển vị trí đến đền Nưa - Am Tiên để trồng. Việc bứng cây từ nơi này dời sang nơi khác, chứ không phải trồng cây mới nên không thể gọi là “trồng cây gây rừng” được.

Quan chức thường trồng các loại cây như cây đa, cây đề - loại cây dân gian quan niệm về tâm linh. Còn doanh nhân phần lớn trồng cây lộc vừng, cây sanh, cây si và thảo lan - loại cây quan niệm về phát tài phát lộc.

Việc trồng cây đang có chiều hướng biến tướng, chứ không còn mang ý nghĩa như Bác Hồ đã dạy?

Tốn kém ít mà lợi ích nhiều

Trong bài báo “Tết trồng cây” trên báo Nhân Dân ngày 28-11-1959, Bác nêu rõ tác dụng của việc trồng cây là công việc đó “tốn kém ít mà ích lợi nhiều”.

Tại thời điểm đó, Bác đã tính “ở miền Bắc có độ 14 triệu người, trong số đó độ 3 triệu là trẻ em thơ ấu, còn 11 triệu người từ 8 tuổi trở lên đều có thể trồng cây... Như vậy, mỗi tết trồng được độ 15 triệu cây.

Từ năm 1960 - 1965, chúng ta sẽ có 90 triệu cây, vừa cây ăn quả, cây có hoa, vừa cây làm cột nhà. Và trong hai mươi năm, nước ta phong cảnh sẽ ngày càng tươi đẹp hơn, khí hậu điều hòa hơn, cây gỗ đầy đủ hơn.

Điều đó sẽ góp phần quan trọng vào việc cải thiện đời sống của nhân dân ta”.

LÊ TRỌNG HÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp