"Đã gần như quá muộn", các nhà khảo cổ học của Bảo tàng Hàng hải Úc tuyên bố, sau khi xác định khoảng 60% lớp vỏ bên phải của con tàu tuần dương hạng nhẹ HMAS Perth đã bị các tên trộm mộ dưới nước cướp phá.
Không đủ nguồn lực để bảo vệ xác tàu
Theo báo Asia Times, con tàu đắm HMAS Perth (I) nằm trong vùng biển giữa Java và Sumatra (Indonesia), chìm trong trận chiến eo biển Sunda vào năm 1942.
Sau nhiều năm nỗ lực, đến năm 2018, Chính phủ Úc và Indonesia mới đạt được thỏa thuận tuyên bố khu vực xung quanh xác tàu Perth và tàu tuần dương Mỹ USS Houston gần đó là công viên tưởng niệm hàng hải.
Cái chết gần đây ở tuổi 103 của thủy thủ Frank McGovern, được cho là người sống sót cuối cùng trên tàu Perth, khiến dư luận một lần nữa chú ý đến hàng trăm vụ đắm tàu thời chiến và hài cốt của thủy thủ đoàn nằm dưới đáy biển khu vực Đông Nam Á.
Tháng 4-2023, tàu cuốc (dùng để nạo vét, đào, hút cát) Trung Quốc Chuan Hoon 68 được cho là đã trục vớt bất hợp pháp xác tàu chiến HMS Prince of Wales và tàu chiến - tuần dương HMS Repulse của Anh.
Vào tháng 12-1941, máy bay ném bom của Nhật đánh chìm hai con tàu ngoài khơi bờ biển phía Đông của Malaysia, vài ngày sau trận chiến Trân Châu Cảng.
Đây không phải lần đầu tiên các tàu này bị cướp phá. Vào năm 2013, các thợ lặn báo cáo các cánh quạt bằng đồng (có kích thước bằng một chiếc xe buýt) của tàu Repulse đã biến mất. Họ cho biết điều này chỉ có thể thực hiện bằng một cần cẩu hạng nặng.
Các nhà chức trách Malaysia cho biết đang điều tra các hoạt động của tàu cuốc Chuan Hoon 68, nặng 8.300 tấn. Nó đã ở vùng biển của nước này kể từ tháng 2-2023 và được biết đến với các hoạt động trục vớt trước đó ở biển Java.
Tàu cuốc này cũng bị nghi ngờ cướp xác hai tàu tuần dương hạng nhẹ HNLMS de Ruyter, HNLMS Java và tàu khu trục HNLMS Kortenaer của Hà Lan, bị chìm trong trận chiến biển Java đầu năm 1942.
Vào năm 2017, trước sự phản đối của Chính phủ Hà Lan, Indonesia tuyên bố khu vực xung quanh ba con tàu kể trên là di tích lịch sử, sử dụng luật hiếm được áp dụng năm 2010 để cấm mọi hoạt động thả neo, câu cá hay lặn.
Các báo cáo chỉ ra 40 xác tàu khác từ thời Thế chiến 2 đã bị cướp phá. Đây là nơi an nghỉ cuối cùng của hàng ngàn thủy thủ Mỹ, Anh, Úc, Hà Lan và Nhật Bản ở khu vực biển Java và Biển Đông, xung quanh rìa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.
Nhà sử học hải quân người Anh, ông Geoffrey Till bày tỏ sự bi quan khi các quốc gia không bảo vệ các địa điểm có tầm quan trọng lịch sử như vậy, song cũng cho biết nhiều quốc gia không có đủ nguồn lực kể cả khi quan tâm.
Không rõ có bao nhiêu đơn vị trục vớt thương mại đã tham gia các vụ trộm xác tàu này, nhưng nhiều chuyên gia hải quân đổ lỗi một phần cho các chính phủ phương Tây khi họ để cho Trung Quốc xâm phạm các quy tắc và công ước quốc tế, theo báo Asia Times.
5.000 địa điểm hải quân lịch sử dưới nước
Tổng giám đốc Bảo tàng Hải quân Hoàng gia Anh, ông Dominic Tweddle nhận định hoạt động trục vớt bất hợp pháp của tàu cuốc Trung Quốc đã cho thấy 5.000 địa điểm hải quân lịch sử dưới nước trên toàn thế giới dễ bị cướp bóc đến nhường nào.
Ông cũng đề xuất một chiến lược để đánh giá và quản lý các xác tàu nhằm tưởng nhớ lịch sử cũng như những thủy thủ đã hy sinh để phục vụ nước Anh.
Ông Roger Turner - cựu thuyền trưởng hải quân hoàng gia, một cựu kỹ sư hạt nhân - bày tỏ: "Thật đáng khinh bỉ khi tàu cuốc Trung Quốc cướp phá các ngôi mộ chiến tranh".
Phế liệu từ xác tàu thời Thế chiến 2 hấp dẫn những kẻ 'trộm mộ dưới nước' là bởi phần vỏ tàu được làm từ vật liệu thép không bị ô nhiễm phóng xạ từ các vụ thử bom nguyên tử.
"Thép sau thời đại hạt nhân, từ khoảng năm 1940, mang tín hiệu bức xạ do các vụ thử nghiệm vũ khí hạt nhân trên mặt đất, dẫn đến bụi phóng xạ toàn cầu truyền vào thép trong quá trình nấu chảy", ông Turner giải thích.
Vì thế thép từ tàu Repulse và Prince of Wales (hạ thủy lần lượt năm 1916 và 1939) có giá trị hơn phế liệu thông thường, nhất là khi chúng sở hữu lớp vỏ dày tới 400mm làm từ thép chất lượng cao.
Ông Turrner lưu ý thêm rằng các phế liệu này vẫn bán được giá, dù giá trị đã tương đối giảm do bức xạ nền trên thế giới hiện đã giảm trở lại ngưỡng trước Hiệp ước cấm thử vũ khí hạt nhân năm 1962.
"Ở vùng nước tương đối nông khoảng 68 mét, ngay cả không có bảo hiểm hạt nhân, 40.000 tấn thép với giá 100 USD/tấn là một cái giá hợp lý. Thậm chí chỉ cần một nửa số tiền đó cũng có lãi rồi", vị cựu thuyền trưởng nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận