Một nắp chắn rác của cống thoát nước trên cầu Thủ Thiêm 2 đã bị cạy mất (ảnh chụp trưa 6-5) - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Từ những vụ việc gần đây, có thể nói nạn trộm cắp tài sản nơi công cộng thời gian qua đã trở thành vấn nạn. Trước đây kẻ trộm còn ngán ngại, giờ ngang nhiên lấy cắp ở khu dân cư đông đúc mà không chút lo sợ.
Tôi cho rằng phải xử thật nặng mới không bị "lờn thuốc". Ở địa phương tôi trước đây cũng có vài trường hợp trộm cắt dây điện bị người dân phát hiện, truy bắt giao nộp cho công an. Nhưng khi xử lý những người này chỉ bị xử phạt hành chính nên tội phạm không sợ, tái phạm nhiều lần.
Sau này nhờ chính quyền địa phương thường xuyên tuyên truyền cho người dân biết cảnh giác, đồng thời kiến nghị Nhà nước xử thật nặng kẻ trộm dây điện và nơi tiêu thụ, thu mua dây điện trộm cắp, nên đã hạn chế gần như tối đa.
(Ý kiến bạn đọc Trần Văn Tám)
Cách tốt nhất là lắp camera. Đầu tư ban đầu tưởng tốn kém, nhưng thực ra lại tiết kiệm công sức, tiền của và an ninh trật tự cho xã hội vô cùng lớn. Không ít những vụ án, tai nạn giao thông thời gian qua nếu không có camera của người dân thì nghiệp vụ có giỏi mấy có khi cũng khó xử lý đúng sai. Đồng thời camera giúp cảnh báo, ngăn chặn người nào định vi phạm, lợi đủ đường.
Nguyễn Nhật Đãng
Trở lại "đường đi" của những nắp chắn rác, nắp cống bằng kim loại bị kẻ trộm lấy cắp ở cầu Thủ Thiêm 2, có lẽ không thiếu một số điểm mua bán phế liệu trái phép, vô lương tâm. Tương tự, những cây hoa giấy bị trộm bứng mang đi vẫn phải có điểm đến là "mối" tiêu thụ.
Do đó, cần giáo dục nâng cao nhận thức của người kinh doanh để không tham gia mua bán, chứa chấp những tài sản "do phạm tội mà có" sẽ khiến "đầu ra" bị chặt đứt. Kẻ xấu không tiêu thụ được "hàng gian" chắc chắn phải từ bỏ ý định trộm cắp.
Hay như ở một số địa phương khác đã từng có hiện tượng mất trộm thanh kim loại làm hộ lan, hàng rào lưới B40 bảo vệ cao tốc bị phá, dây điện phục vụ chiếu sáng bị cắt đứt, đường sắt dành cho tàu hỏa bị tháo ốc vít…
Thật ra, giá trị bán ra chỉ dừng lại ở mức "ve chai", nhưng độ nguy hiểm không hề nhỏ.
Thế nên, theo tôi rất cần bổ sung, điều chỉnh về mặt pháp luật. Đây không đơn thuần là hành vi trộm tài sản, nó còn mang tính chất trực tiếp phá hỏng, hủy hoại công trình công cộng.
Áp dụng chế tài nghiêm khắc hơn và tiến hành xét xử công khai các trường hợp vi phạm (người trộm và người tiêu thụ) mới hy vọng giải quyết triệt để vấn nạn này.
(Trích ý kiến bạn đọc Hoài Ân)
Bạn có đồng ý với quan điểm của tác giả? Là người dân, khi chứng kiến hành vi trộm cắp nơi công cộng, bạn có dám lên tiếng để ngăn chặn? Theo bạn, còn cách nào khác để trị tận gốc vấn nạn này? Mời bạn gởi E-mail đến địa chỉ: [email protected] hoặc [email protected]. Xin cảm ơn!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận