Phóng to |
Bảo quản không đúng cách có thể biến thuốc chữa bệnh thành độc dược. (Ảnh chỉ có tính chất minh họa - Hoàng Hiền - VNN) |
Những vị thuốc mang... mầm bệnh
Những vị thuốc bắc, thuốc nam vốn được dân gian ưa chuộng vì "lành tính" nhưng lại có một nhược điểm là dễ bị sâu mọt hay ẩm mốc. Để bảo quản thuốc, hiện nay phương thức phổ biến là sấy lưu huỳnh nhiều lần hay dùng nhôm phốt pho. Hiểm họa tiềm ẩn là khi gặp hơi nước hay ánh sáng, những hóa chất này sẽ biến thành chất độc. Thêm nữa, người bảo quản thuốc thường đặt những bát thuốc chống ẩm, chống sâu mọt dưới các giá gỗ rồi xếp bao đựng thuốc lên trên để mối mọt không dám bén mảng.
Theo Lương y Lê Minh Cường - chủ hiệu thuốc Đông y trên phố Lãn Ông, Hà Nội thì cách làm phổ biến của người buôn chuyên nghiệp hiện nay là đặt thuốc vào giữa mỗi bao dược liệu.
Kỹ sư hóa học Đỗ Ngọc Duy (Đại học Quốc gia HN) cho biết, một loại thuốc viên màu xám lục mà người dân dùng bảo quản thuốc đông dược có công thức hóa học là AlP (AlxP1-x) gọi là nhôm phốt phua (hay nhôm phốt pho). Hóa chất này khi gặp hơi nước sẽ tạo thành phốt phin (PH3), một khí có tỉ trọng nhẹ như không khí nên có tác dụng khử trùng và thấm ngược vào dược liệu. Nhưng phốt phin là chất cực độc đối với người. Khi nhiễm chất này, người bị nhẹ cũng là nhức đầu, mệt mỏi, ù tai, bắp thịt co giật. Trường hợp bị nặng hơn là nôn mửa, đau bụng và có thể dẫn đến tê liệt thần kinh, ung thư...
Các vị thuốc được chế biến sẵn đều cần đến chất bảo quản; có thể là chất chống nấm mốc, giữ độ mềm của thuốc hoặc đơn giản hơn là giữ mầu. Tuy nhiên trên thị trường Việt Nam hiện nay, hầu hết các hoá chất này đều không có nguồn gốc hay tên gọi, được bày bán ê hề với giá "bèo bọt" và số lượng không hạn chế. Đó là chưa kể các loại thuốc diệt kiến, diệt côn trùng, diệt nấm mốc... toàn loại chất kịch độc nhưng lại đều hiện diện trong quá trình bảo quản đông dược.
Người dùng đông dược chủ yếu có các bệnh mãn tính, cần uống thuốc lâu dài. Vì vậy tồn dư độc chất dù nhỏ cũng sẽ tích tụ và gây hại nghiêm trọng cho sức khỏe. Đấy là chưa kể đến những loại phẩm mầu dùng cho đông dược cũng rất đáng nghi, vì phẩm thường khó có thể cho ra những viên cao đơn hoàn tán có mầu sắc rực rỡ đến vậy.
Thuốc quý giá nào cũng có?
Lợi dụng tính chất giữ nguyên hình dạng sau khi ngâm rượu hay sắc của một số loại thuốc quý như đông trùng hạ thảo, sâm, ba kích... những người buôn thiếu lương tâm hay "tái chế" lại bã thuốc bằng cách sấy khô, làm màu, đóng hộp... Những bã thuốc quay vòng này dược tính đã hết, nhưng lại được đem bán với giá hấp dẫn, giá "người quen" chỉ bằng một nửa giá thường, lừa đảo người mua.
Nắm bắt tâm lý người mua chuộng những loại thuốc quý như tam thất đen, củ to, người bán sắn sàng dùng chì là loại kịch độc để "mạ" tam thất trắng thành đen, dùng keo dính sắt để dán các củ nhỏ thành một củ to.
Chỉ cần một lần qua phố Lãn Ông, phố Thuốc Bắc (Hà Nội), bạn sẽ thấy trên là trời dưới là đông dược. Cả một dãy phố dài thơm nức. Thử ghé vào thăm, hỏi vị gì cũng có, loại gì cũng có. Từ cao đơn hoàn tán, đến thuốc bột, từ các loại thảo dược khô đến loại đã được tinh chế, đóng viên con nhộng chẳng khác gì tân dược. Chỉ chỉ cần hỏi mua một vài vị thuốc, hay mua theo đơn sẵn có thì nhà thuốc sẵn sàng phục vụ ngay. Đó là chưa kể rất nhiều hiệu thuốc đông y kiêm cả việc xem bệnh bốc thuốc.
Tôi bước vào một cửa hàng, chị chủ xởi lởi quảng cáo: “Cửa hàng có đủ các loại thuốc, giá cả phải chăng! Đông trùng hạ thảo: bổ máu, tăng cường sức đề kháng, có nhiều loại; con lẻ, nguyên hộp... 3 triệu đồng một hộp 20gam, hay em mua ba kích, vừa dễ uống vừa nhiều công dụng: bổ thận, điều hòa khí huyết… chỉ 20 nghìn/lạng”.
Tôi chưa kịp trả lời, chị bán hàng đã quảng cáo rất bài bản: “Đông trùng hạ thảo là một loại thuốc “lưỡng tính”, mùa đông nó là con ấu trùng, mùa hè trời ẩm mốc, nấm mốc mọc trên đầu ấu trùng. Nó thường mọc ở những vùng rừng ẩm ướt như: Tứ Xuyên, Thanh Hải, Quý Châu, Vân Nam (Trung Quốc). Thuốc này quý lắm!”
Thấy khách hàng còn có vẻ phân vân, chị bán hàng nói luôn: “Không đủ tiền mua loại xịn thì chị có loại vừa tiền, có công dụng tương đương”.
Cùng đường Lãn Ông, lần này tôi vào hỏi mua đông trùng hạ thảo đã bào chế. Ông chủ hồ hởi: “Đông trùng hạ thảo mà bào chế còn gì tác dụng, cửa hàng chỉ có đông trùng hạ thảo nguyên chất (nguyên con) 30 triệu đồng/100gr, chỉ còn một hộp giá 500 nghìn. Giá hữu nghị đó, có thể nay giá này mai giá khác...”.
Vào nhà một lương y trên phố Lãn Ông, tôi băn khoăn hỏi sao có nhiều giá thế cho cùng một loại thuốc thì ông cười bảo: “Dễ mua nhầm hàng giả nhất là đông trùng hạ thảo, một loại thuốc quý giúp tăng cường sinh lực”. Lương y tiết lộ: "Đông trùng hạ thảo thật chỉ có ở Trung Quốc và Nepal nên giá rất cao, giá xuất xứ đã là 50 triệu đồng/kg, khi đến thị trường tiêu thụ thì giá đã lên tới xấp xỉ 75 triệu đồng. Cơ mà cẩn thận hàng giả đấy, toàn bột thảo dược trộn với... bột mỳ”.
Chúng tôi tìm hiểu thêm thì được biết chính vì quý hiếm nên đông trùng hạ thảo là loại thuốc bị làm giả nhiều nhất. Hàng giả thường được chế bằng thân củ địa tàm và thảo thạch, thậm chí được làm từ bột ngô, bột mạch hay... thạch cao.
Theo ghi nhận của chúng tôi, ở nhiều nơi trên thị trường hiện nay, đông trùng hạ thảo chỉ có giá từ 2-2,5 triệu đồng/lạng, quá rẻ so với giá mà vị lương y nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận