17/12/2024 08:55 GMT+7

Trời lạnh làm tăng ca đột quỵ, suy tim, hô hấp

Miền Bắc rét, miền Trung và miền Nam mưa lạnh, thời tiết làm nảy sinh nhiều bệnh do lạnh. Mấy ngày qua các bệnh viện liên tiếp nhận người bệnh đột quỵ, hô hấp, viêm mũi dị ứng, hen suyễn… Bệnh mùa lạnh tràn về theo không khí lạnh.

Trời lạnh, tăng ca đột quỵ, suy tim, hô hấp - Ảnh 1.

Trời lạnh làm tăng nguy cơ người cao tuổi mắc bệnh hô hấp, đột quỵ - Ảnh: D.LIỄU

Đặc biệt, nhiệt độ tại các tỉnh phía Bắc đang giảm sâu, gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe, trẻ em và người cao tuổi ảnh hưởng nhiều.

Trời lạnh là yếu tố làm tăng nguy cơ bệnh mạn tính chuyển nặng, đặc biệt là các bệnh hô hấp và đột quỵ. Cảnh giác với bệnh mùa lạnh ra sao?

Tăng ca nhập viện do đột quỵ, suy tim

Tuần qua, tại Hà Nội nhiệt độ giảm sâu, thấp nhất gần 10 độ C. Tại một số bệnh viện ghi nhận gia tăng người bệnh đến viện do mắc bệnh về hô hấp, đột quỵ, da liễu.

Riêng tại Bệnh viện Lão khoa trung ương, tuần qua ghi nhận số ca nhập viện điều trị tăng nhanh.

Theo bác sĩ Tạ Hữu Ánh, phó trưởng khoa hồi sức tích cực, Bệnh viện Lão khoa trung ương, chủ yếu là người cao tuổi đến thăm khám do những đợt cấp của bệnh mạn tính xảy ra khi trời lạnh như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản, tăng huyết áp, suy tim và đột quỵ.

"Đối với bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, nếu bệnh nhân có thói quen hút thuốc sẽ khiến chức năng hô hấp giảm rất nhanh. Khi nhiệt độ thấp làm gia tăng viêm nhiễm đường hô hấp, kích thích các đợt cấp.

Không khí lạnh và khô là yếu tố kích thích cơn hen bùng phát. Đối với bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp, tình trạng co mạch do lạnh làm tăng nguy cơ cơn tăng huyết áp cấp tính.

Thời tiết lạnh làm tăng gánh nặng cho tim, dễ gây các biến chứng nặng hơn", bác sĩ Ánh chia sẻ.

Bác sĩ Ánh cũng cảnh báo về nguy cơ đột quỵ khi trời lạnh, có những đợt rét kéo dài, số ca bệnh nhập viện do đột quỵ cũng gia tăng.

Theo ông Mai Duy Tôn - giám đốc Trung tâm đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai, trong các tháng thời tiết mùa đông, thông thường số lượng bệnh nhân nhập viện tăng lên đáng kể và số ca nặng cũng tăng cao.

Theo PGS Tôn, nguy cơ bị đột quỵ tăng 80%, đặc biệt khi nhiệt độ xuống dưới 15 độ C và nhiệt độ giảm đột ngột. Các chuyên gia cho rằng nhiệt độ lạnh có thể làm mạch máu co lại, gây tăng huyết áp. Và nó cũng có thể làm máu cô đặc lại, có thể dẫn đến hình thành cục máu đông.

"Trong mùa đông lạnh, nhiều người trở nên lười vận động tập thể thao hơn, và đây cũng có thể là một yếu tố góp phần làm tăng nguy cơ đột quỵ. Một lời giải thích nữa là trời lạnh mang lại nhiều căng thẳng, stress cho cơ thể kết hợp những thói quen không lành mạnh như ăn và uống quá nhiều", PGS Tôn lý giải.

Bác sĩ Ánh nói thêm người cao tuổi trong thời tiết lạnh dễ bị tổn thương mạch máu mão, cơ chế điều hòa tuần hoàn não cũng kém hơn bình thường dẫn đến đột quỵ.

Các nghiên cứu cũng cho thấy thời tiết lạnh là mối nguy hàng đầu với người cao tuổi có tiền sử tăng huyết áp, nguy cơ dẫn đến tai biến, đột quỵ, tử vong nếu không xử trí kịp thời.

Trung bình số người nhập viện do đột quỵ vào mùa lạnh chiếm 70-80% tổng số bệnh nhân điều trị trong năm.

Cẩn trọng đợt cấp hen phế quản

Một trong những bệnh lý thường gặp và cần lưu ý trong thời tiết chuyển lạnh là hen phế quản. Hen phế quản là bệnh lý viêm mạn tính của đường thở, có thể gây tử vong nếu không được xử trí kịp thời trong cơn hen nguy kịch.

Bác sĩ Phạm Thị Út Trang, phó trưởng khoa nội hô hấp, Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh), cho biết khi gặp thời tiết lạnh, triệu chứng khó thở của hen suyễn có thể nặng hơn. Tập thể dục ngoài trời lạnh cộng với thở bằng miệng sẽ khiến không khí lạnh khô đi trực tiếp qua phế quản vào phổi.

"Điều này sẽ làm tăng khả năng lên cơn hen suyễn. Số lượng bệnh nhân đến khám trong mùa đông thường tăng vọt với các bệnh lý đường hô hấp (phổi, mũi xoang)", bác sĩ Trang cho biết.

Bác sĩ Trang thông tin thêm những triệu chứng thường gặp ở người bệnh hen phế quản là có hiện tượng thở khò khè thành tiếng, nhịp thở lúc nhanh lúc chậm.

Cơn ho kéo dài, đặc biệt là vào ban đêm và sáng sớm, cũng có thể xảy ra khi tiếp xúc với không khí quá lạnh hoặc quá nóng. Bệnh nhân cảm thấy nặng ngực, khó thở và khó nói. Khi nhận thấy triệu chứng bất thường nên đến cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám và điều trị.

"Với những người nguy cơ cao, nên sử dụng phác đồ thuốc dự phòng theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ để dự phòng cơn hen. Người có tiền sử mắc bệnh hen phế quản cần chủ động tiêm phòng cúm, phế cầu đầy đủ trước mỗi đợt thay đổi thời tiết", bác sĩ Trang khuyến cáo.

Chú ý kiểm soát bệnh mạn tính

Theo bác sĩ Ánh, khi thời tiết diễn biến "cực đoan" như quá nóng và quá lạnh thì người cao tuổi, trẻ em, những người có bệnh mạn tính cần chú ý phòng bệnh và kiểm soát bệnh nền.

"Trước tiên, cần chú ý việc giữ ấm cơ thể khi trời chuyển rét, đặc biệt là với người cao tuổi, có bệnh nền. Khi đi ngủ, dù đã đắp chăn nhưng người cao tuổi vẫn cần đội thêm mũ len và đeo tất. Đặc biệt, tránh nguy cơ viêm mũi, họng vì có thể lan xuống gây viêm đường hô hấp và viêm phổi.

Một thói quen cần thay đổi là tập thể dục buổi sáng. Trong những ngày trời rét, người cao tuổi nên tập muộn hơn, khi trời đã có nắng hoặc có thể chuyển sang tập vào buổi chiều", bác sĩ Ánh khuyến cáo.

Đề phòng huyết áp

PGS Tôn cũng cho hay để phòng ngừa đột quỵ, người bệnh tăng huyết áp cần thường xuyên theo dõi huyết áp khi thời tiết thay đổi. Và ngay khi cơ thể có những thay đổi nhẹ hoặc huyết áp tăng cao bất thường, ngay lập tức liên hệ với bác sĩ để có thể phải kê đơn và điều chỉnh thuốc.

Đồng thời khám sức khỏe định kỳ để kiểm soát các bệnh lý nền thật tốt như tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh lý tim mạch…

Tránh tiếp xúc đột ngột với thời tiết lạnh, đặc biệt khi trời lạnh dưới 15 độ C. Mặc quần áo ấm phù hợp khi đi ra ngoài: đội mũ len, đeo găng tay, đi giày, mặc quần áo ấm. Duy trì hoạt động thể chất thường xuyên theo ý kiến của bác sĩ. Giảm cân và duy trì cân nặng hợp lý.

Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh: không ăn mặn, hạn chế thức ăn có nhiều cholesterol, không uống rượu và ăn quá nhiều. Tránh căng thẳng, stress quá mức và không hút thuốc lá, thuốc lào.

Trời lạnh, tăng ca đột quỵ, suy tim, hô hấp - Ảnh 2.Trời lạnh là xương khớp 'biểu tình', xử trí thế nào?

Vào thời điểm giao mùa, đặc biệt khi chuyển từ hạ sang đông thì xương khớp lại "biểu tình". Thực tế cho thấy rất nhiều người mắc bệnh xương khớp thường xuyên bị các cơn đau hành hạ khi trời lạnh.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp