02/06/2017 14:27 GMT+7

Trở về nước gieo rắc cái chết

TRẦN NGỌC LONG
TRẦN NGỌC LONG

TTO - Các nhóm Hồi giáo cực đoan ở Đông Nam Á đã có dấu hiệu hoạt động chuyên nghiệp hơn, có thể có nguyên nhân từ IS (tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng).

Trong vụ tấn công chợ đêm Davao (Philippines) tháng 9-2016 có ba nhóm hợp tác thực hiện - Ảnh: Rappler
Trong vụ tấn công chợ đêm Davao (Philippines) tháng 9-2016 có ba nhóm hợp tác thực hiện - Ảnh: Rappler

Đó là nhận định của hai nhà nghiên cứu Bruno Hellendorff và Denis Jacqmin thuộc Nhóm nghiên cứu hòa bình và an ninh (Bỉ).

Đơn vị Katibah Nusantara

Sau vụ đánh bom kinh hoàng nhất trong lịch sử Indonesia xảy ra ở Bali năm 2002, ba nước Indonesia, Philippines và Malaysia đã tăng cường đầu tư cho công tác chống khủng bố. Kết quả thành công, các nhóm Hồi giáo cực đoan suy yếu, mạng lưới khủng bố phân rã.

Đến khi tuyên thệ trung thành với IS, các nhóm khủng bố bắt đầu củng cố lực lượng trở lại, hợp tác với nhau chặt chẽ hơn và tiếp nhận nhiều nguồn lực hơn trước.

Một trong những nguồn lực mới được IS tiếp ứng là đơn vị Katibah Nusantara (đơn vị chiến đấu ở quần đảo Malaysia).

Katibah Nusantara (hay Katibah Nusantara Lid Daulah Islamiyyah) được IS thành lập xuất phát từ thực tế hàng trăm người có nguồn gốc từ Đông Nam Á đã sang Syria đầu quân cho IS.

Từ giữa năm 2015 đến nay đã có hơn 500 công dân Indonesia rời bỏ quê hương sang Syria gia nhập Katibah Nusantara.

Đơn vị này ra đời vào tháng 9-2014, đặt trụ sở tại Al-Shaddadi thuộc tỉnh Hasakah ở Syria và đã mở trại huấn luyện tại Poso (Indonesia).

Các phần tử Đông Nam Á trong hàng ngũ IS ở Iraq và Syria đã gia nhập đơn vị Katibah Nusantara có thể là mối đe dọa khi trở về cố hương

Ông Justin Siberell (điều phối viên chống khủng bố của Bộ Ngoại giao Mỹ)

 

Katibah Nusantara được chia thành 30 tổ, là đơn vị chiến đấu riêng của IS ở Đông Nam Á với quân số chủ yếu là các tay súng thuộc bốn nước Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore.

Chỉ huy đầu tiên của đơn vị là Abu Ibrahim al-Indunisiy. Hiện nay có thể chỉ huy là Bahrun Naim, người Indonesia 34 tuổi, kỹ sư công nghệ thông tin tốt nghiệp tại Đại học Surakarta.

Bahrun Naim (tên đầy đủ là Muhammad Bahrun Naim Anggih Tamtomo) được coi là kẻ đứng sau vụ tấn công kinh hoàng ở thủ đô Jakarta của Indonesia hồi tháng 1-2016.

Các phần tử IS đã kinh qua huấn luyện trong đơn vị Katibah Nusantara nếu trở về quê hương “chuyển lửa” thì quả là nguy cơ chết người.

Chúng có thể truyền đạt lại cho các nhóm Hồi giáo cực đoan ở địa phương kiến thức về khủng bố, kinh nghiệm trận mạc và chuyển giao các đầu mối ở Trung Đông.

Bahrun Naim, người Indonesia, chỉ huy đơn vị Katibah Nusantara - Ảnh: Reuters
Bahrun Naim, người Indonesia, chỉ huy đơn vị Katibah Nusantara - Ảnh: Reuters


Ý đồ lập “kênh chỉ huy hợp nhất”

Bối cảnh khủng bố và chống khủng bố ở Đông Nam Á biến thiên do IS ở Iraq và Syria mang đến cho các nhóm Hồi giáo cực đoan Đông Nam Á ba yếu tố thay đổi.

Đầu tiên là hệ tư tưởng cực đoan mới và một mặt bằng chung mở rộng thêm cửa kết nối giữa các nhóm Hồi giáo cực đoan với nhau.

Kế đến, quan hệ hợp tác giữa các nhóm Hồi giáo cực đoan Đông Nam Á với IS đã tạo thêm khả năng mới và mạng lưới mới.

Cuối cùng là hệ tư tưởng của IS đã tìm thấy địa bàn thuận lợi trong các nhóm Hồi giáo cực đoan Đông Nam Á.

Tuy nhiên đến nay, các nhóm Hồi giáo cực đoan ở Philippines, Indonesia và Malaysia chưa có một trung tâm chỉ huy điều phối chung nên một số vụ tấn công vẫn mang tính chất “ngẫu hứng”.

Trong vụ tấn công ở Jakarta tháng 1-2016, bọn khủng bố kích nổ bom trong bãi đậu xe. Trong vụ ném lựu đạn vào hộp đêm Movida ở Puchong tháng 6-2016 chỉ có tám người bị thương.

Còn trong vụ tấn công chốt cảnh sát trên đảo Java hồi tháng 7-2016, một người chết duy nhất chính là... tên đánh bom tự sát.

Chỉ có vụ tấn công vào chợ đêm ở Davao (Philippines) hồi tháng 9-2016 mới đáng lo ngại vì bom nổ gây sát thương cao (14 người chết) và bối cảnh xảy ra vào lúc Tổng thống Philippines Duterte có mặt tại Davao.

Đáng lưu ý là cách thức phối hợp hành động. Trong vụ tấn công ở Davao có ba nhóm cùng hợp tác thực hiện. Bọn tấn công thuộc nhóm Maute nhưng sẵn sàng tuân theo chỉ đạo của Isnilon Hapilon ở nhóm Abu Sayyaf.

Trong đó có một tên thuộc một nhóm nhỏ mang tên Ansar Khalifa Philippines (Những người ủng hộ Hồi giáo ở Philippines). Nhóm này mới nổi vào tháng 8-2014 ở Mindanao. Đó là những tín hiệu về tính phối hợp, hợp nhất đáng ngại.

Nguy cơ từ các phần tử IS về nước

Cuối tháng 8-2016, trao đổi với các nhà báo ở châu Á, ông Justin Siberell, điều phối viên chống khủng bố của Bộ Ngoại giao Mỹ, thông báo IS tìm cách mở rộng mạng lưới ở Đông Nam Á bằng cách câu kết với các nhóm cực đoan địa phương.

Ông đánh giá các phần tử Đông Nam Á cầm súng trong IS ở Iraq và Syria đã gia nhập đơn vị Katibah Nusantara có thể là mối đe dọa khi quay lại cố hương. Các đối tượng này trở nên nguy hiểm vì các lý do như sau:

- Xâm nhập gây án: Theo nghiên cứu của chuyên gia Thomas Heghammer tại Viện nghiên cứu quốc phòng Na Uy, cứ chín phần tử IS trở về nước thì có một tên thoát mạng lưới an ninh, sau đó tiến hành khủng bố.

- Gia tăng lực lượng IS nằm vùng: Càng nhiều phần tử IS trở về nước, lực lượng IS nằm vùng càng gia tăng về số lượng và kiến thức khủng bố.

- Nhồi sọ cho thế hệ mới: Các phần tử IS về nước sẽ tiếp tục truyền bá cho giới trẻ tư tưởng hận thù với các khái niệm cực đoan. Hậu quả là nhiều thanh niên mù quáng sẽ chạy theo IS.

Bài học chiến tranh Afghanistan đã chứng minh trong thế hệ Al-Qaeda thứ hai có nhiều cá nhân chẳng có liên hệ gì với Afghanistan. Chúng được thế hệ thứ nhất tuyển mộ, nhồi sọ tư tưởng cực đoan và huấn luyện quân sự.

- Tạo ra các nhóm vũ trang cực đoan mới: Kinh nghiệm ở nhiều nước Ả Rập và Hồi giáo cho thấy các cựu chiến binh Al-Qaeda từ Afghanistan trở về nước sẽ tiếp tục đứng đầu các nhóm mới.

Có nhiều giải pháp để ngăn chặn các phần tử IS từ Iraq và Syria trở về nước. Quan trọng nhất là phát hiện chúng từ cửa khẩu biên giới qua kiểm tra phát hiện giấy tờ giả.

Theo báo cáo của Ủy ban Chống khủng bố thuộc Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, chỉ có 51 quốc gia (1/4 số nước thành niên Liên Hiệp Quốc) được trang bị chương trình thông tin cảnh báo trước về hành khách (các hệ thống có chức năng cải thiện an ninh biên giới và không phận, phát hiện các cá nhân có thể là chiến binh khủng bố nước ngoài đi và đến).

Trong 51 quốc gia đó chỉ 50% sử dụng thực tế các hệ thống cảnh báo.

Hai nhà nghiên cứu Bruno Hellendorff và Denis Jacqmin ghi nhận hiện nay IS và nhóm Abu Sayyaf ở Philippines có thể đang hợp tác thành lập kênh thông tin chỉ huy hợp nhất.

Cuối tháng 1-2017, ông Delfin Lorenzana, bộ trưởng Quốc phòng Philippines, dẫn nguồn tin tình báo cho biết phó tướng Isnilon Hapilon của nhóm Abu Sayyaf có thể đã tiếp xúc trực tiếp với IS để bàn bạc tìm vùng đất xây dựng wilayah (một tỉnh của nhà nước Hồi giáo).

IS đánh giá về quân sự, các đảo Basilan và Sulu ở Philippines quá nguy hiểm vì dễ bị bao vây. Bởi thế sau đó Hapilon đã đến khu vực trung tâm đảo Mindanao với ý định hợp tác với nhóm Maute ở tỉnh Lanao del Sur.

__________________________

Kỳ tới: Chống cực đoan hóa

Xem các kỳ trước: 

>> Kỳ 1: 

>> Kỳ 2: 

>> Kỳ 3: 

 

TRẦN NGỌC LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp