Lệnh tìm kiếm nhiều nhất xuất phát từ người Anh trong hai ngày qua là “Đi khỏi EU thì sao?”, các lệnh khác là “EU gồm những nước nào?”, “EU gồm bao nhiêu nước?”...
Từ tháng 2-2016, chính quyền của Thủ tướng David Cameron công bố sẽ tiến hành trưng cầu ý dân vào ngày 23-6. Nghĩa là dân Anh có tới hơn 4 tháng để suy tính, cân nhắc. Vậy mà chỉ tới khi bỏ xong lá phiếu, họ mới “cái gì không biết thì tra Google”!
Tưởng rằng người Anh sẽ hân hoan trong men say chiến thắng, nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang.
Những tin tức không vui về hệ lụy của cơn địa chấn mang tên Brexit nhanh chóng tràn ngập trên truyền thông khiến người Anh bừng tỉnh.
Chứng khoán tụt dốc không phanh, hàng chục nghìn công ăn việc làm chuẩn bị “đội nón ra đi”, những dự cảm không hay về thâm hụt mậu dịch, những rục rịch “ly khai” của các thành viên trong Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland... tất cả đã và đang khiến người Anh không thể phớt Ăng-lê được nữa.
Ân hận vì đã “bồng bột” lựa chọn ra đi khỏi EU dẫn đến những hỗn loạn trong hiện tại và tương lai, nhiều người dân Anh đã đề nghị Hạ viện tổ chức thêm một cuộc trưng cầu ý dân.
Báo chí Anh đưa tin có tới hơn triệu người đã ký tên vào trang web của Hạ viện đòi tổ chức cuộc trưng cầu ý dân thứ hai về việc Anh ở lại hay rút khỏi EU.
Theo đó, chỉ một ngày sau khi kết quả trưng cầu ý dân được công bố, đã có hơn 1 triệu người ký tên đòi một cuộc trưng cầu tiếp theo về việc Anh ra đi hay ở lại, gấp mười lần con số cần thiết để một vấn đề được trình ra Quốc hội.
Trước những chuyện thiết yếu liên quan tới sự sống còn của chính mình như việc làm, thu nhập, an ninh, an toàn, người Anh đã không thể điềm đạm, bình thản - những đặc tính nổi trội làm nên chất phớt Ăng-lê của người Anh bao đời nay.
Họ đã bừng tỉnh để tự mình định đoạt tương lai của chính mình. Rồi cũng chính họ, âu lo trước viễn cảnh đen tối, một lần nữa đòi bỏ phiếu lại chỉ sau chưa đầy 24 giờ đồng hồ.
Suy cho cùng, những động thái dồn dập này cũng không quá ngạc nhiên và bất ngờ ở một quốc gia tiên phong trong cách mạng công nghiệp, mở đường cho chủ nghĩa tư bản, một quốc gia của những phát minh, phát kiến và lập thuyết, một quốc gia mà người dân được nuôi dạy từ nhỏ tinh thần Robinson: tự lập, độc lập, một mình trên đảo hoang mấy chục năm vẫn sinh tồn và phát triển...
Lựa chọn rời EU của người Anh cũng không quá ngạc nhiên khi biết rằng 43 năm chung sống dưới mái nhà EU trong một “cuộc tình” nhiều sóng gió, Anh vẫn một mình một chợ khi không chấp nhận visa Schengen (cho phép người nước ngoài đi lại tự do trong 22 nước EU và 4 nước châu Âu khác), không “chơi” đồng tiền chung châu Âu (euro).
Càng không quá ngạc nhiên khi 20 năm trước “đám cưới” với EU, năm 1953 Thủ tướng Anh Winston Churchill đã có một tuyên bố và tiên đoán kinh điển: “Chúng tôi đồng hành với châu Âu, nhưng không phải là một phần của nó. Chúng tôi có mối liên hệ với châu Âu, nhưng không phải bị hòa vào nó”.
Đến lượt nó, việc đòi trưng cầu ý dân lần hai cũng không có gì quá ngạc nhiên khi người Anh đã quá nổi tiếng là thực dụng, thực tế.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận