Phóng to |
Lan hài xanh |
Đó là động lực thúc đẩy ông Chế Quang Đệ thành lập công ty xuất khẩu hoa lan Lâm Sinh - nơi có một trong 6 vườn hoa tiêu biểu được chọn giới thiệu với du khách nhân Lễ hội sắc hoa Đà Lạt 2004.
Tôi không lãng mạn!
Khi nói về "nữ hoàng" các loài hoa, ông Đệ cứ thao thao bất tuyệt như chàng trai tuổi đôi mươi say mê kể về người yêu của mình. Ông cho hay ở Đà Lạt đang canh tác hàng trăm giống hoa khác nhau, nhưng không có loại nào "qua mặt" được địa lan, xét cả vẻ đẹp đài các lẫn giá trị kinh tế. Ở châu Âu, châu Mỹ và Nhật Bản, chỉ những người nhiều tiền lắm bạc mới dám mua nguyên chậu địa lan chưng trong nhà, bình thường người ta phải "xé nhỏ" từng bông hoa trên cành để trao tặng nhau đã lấy làm quý lắm rồi! Chỉ có dân ta là "chơi sang" thôi, tết nhất bưng hết chậu này đến chậu khác chưng trong nhà. Vậy là mình nghèo mà sướng hơn thiên hạ rồi còn gì? Vẫn cái giọng tưng tửng và một chút phớt đời ông phân trần: "Mình là thế hệ thứ 3 chơi lan ở Đà Lạt, nhưng trước đây chỉ là "chơi vô tư" chứ chưa nghĩ đến chuyện kinh tế, bây giờ thời kinh tế hội nhập, bên cạnh việc làm đẹp cho đời còn phải biết hái ra tiền nữa”.
Ông Đệ có nhiều bạn bè trong và ngoài nước tới thăm và cung cấp thông tin, mặt khác ông vẫn thường xuyên vào mạng kiếm thông tin liên quan đến "nữ hoàng" nên ông tỏ ra am tường chuyện thương trường. Ông cho hay trên thế giới chỉ có khoảng 40 quốc gia trồng được địa lan mà thôi, xét về điều kiện tự nhiên thì không đâu bằng Đà Lạt.
Ở châu Âu người ta phải trồng lan trong nhà kính, có hệ thống điều hòa nhiệt độ, nên diện tích canh tác rất hạn chế, chưa kể vào mùa đông giá rét họ phải di chuyển lan đến địa điểm khác ít lạnh lan mới có thể ra hoa nên chi phí sản xuất một cành hoa của họ cao gấp 10 lần ở Đà Lạt. Nhu cầu hoa lan trên thế giới rất lớn nhưng tại sao ta vẫn không bán được lan cho họ? Ông Đệ lý giải: Bấy lâu dân ta làm ăn đơn lẻ, chưa biết liên kết với nhau, chưa có hiệp hội thì làm sao ăn nói với phía đối tác! Đơn cử chỉ cần một đơn đặt hàng khoảng 20.000 cành lan là dân ta chịu sầu, không đáp ứng được. Chưa kể chất lượng lan không đồng đều vì mỗi người canh tác một kiểu.
Vào rừng lập trang trại
Phóng to |
Ông Đệ |
Khởi đầu ông vận kế "lấy ngắn nuôi dài" bằng cách trồng hoa ngắn ngày, trồng dâu tây bán lấy tiền đầu tư dài hơi cho địa lan. Để đảm bảo nguồn giống sạch bệnh, ông xây dựng một phòng nuôi cấy mô hiện đại, có giống hoa nào mới, giống nào tốt ông cất giữ trong phòng thí nghiệm, riêng địa lan hiện ông đang lưu giữ gần 40 giống. Bởi vậy chỉ sau 4 năm đầu tư ông đã có trong tay 100.000 chậu địa lan, chiếm gần phân nửa số lan của các thành viên trong Hiệp hội hoa lan Đà Lạt, mà hiệp hội cũng do ông vận động, đến tháng 6/2004 chính thức thành lập ông trở thành Phó chủ tịch thường trực Hội.
Trang trại Lâm Sinh hiện đã khai thác 11ha, trong đó có gần phân nửa nhà kính và nhà lưới; ngoài dâu tây, địa lan, khu vực nhân giống ông còn dành một khu trưng bày các loại phong lan và nhiều loại hoa khác. Hai năm qua ông đã nhân được 7.000 chậu đỗ quyên với 70 giống khác nhau, có những giống mới nhập về từ Mỹ, Úc, Thái... dịp này ông dành hẳn 1,5 hécta ở mặt tiền làm một thảm hoa đỗ quyên và trà mi để mời du khách thưởng lãm, theo ông như thế mới xứng danh là thành phố hoa chứ! Khách hỏi mua ông từ chối, có người nói "lão già chơi ngông".
Nhưng ông chỉ cười: "Trang trại đang trên đà phát triển". Ông Đệ tâm sự: "Có người hỏi mua ai chẳng mừng, nếu bán trong tích tắc có người "rước" hết ngay, vì lan của tôi toàn giống mới, sạch bệnh. Nhưng mục tiêu chính của tôi là xuất khẩu, tôi đang "hy sinh" vì tương lai lâu dài của nghề trồng lan Đà Lạt”. Ông cho rằng "nếu ăn non bán hết, lấy gì để minh chứng cho các đối tác nước ngoài đến mua lan của hiệp hội là mình đủ năng lực sản xuất và cung ứng".
Đến thăm trang trại ông, một vị giám đốc nhận xét, nhìn lão nông họ Chế rất "hai lúa" nhưng đầu óc của ông là bậc thầy của giới kinh doanh! Một quan chức tỉnh Lâm Đồng khẳng định: "Trang trại Lâm Sinh là tiền đề để tỉnh quyết định quy hoạch và thực hiện dự án khu nông nghiệp công nghệ cao tại khu vực Đạ Sa này". Thực vậy, trang trại Lâm Sinh bấy lâu được xem là "bộ mặt" nông nghiệp công nghệ cao của Lâm Đồng, là nơi tiếp đón nhiều đoàn quan chức, chuyên gia từ các tỉnh thành, đến bộ, ngành trung ương và cả những du khách, đối tác muốn đến Lâm Đồng đầu tư, làm ăn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận