22/07/2017 18:28 GMT+7

Trò lớp 8 làm xe điện cho người khuyết tật

NHẬT LINH
NHẬT LINH

TTO - Toàn bộ khung xe, ghế ngồi, vôlăng... đều được làm bằng gỗ, tận dụng từ xưởng mộc của gia đình, bên ngoài sơn một lớp chống thấm nước.

Lê Thiên Ân bên chiếc xe điện tự chế của mình - Ảnh: NHẬT LINH
Lê Thiên Ân bên chiếc xe điện tự chế của mình - Ảnh: NHẬT LINH

Hệ thống động cơ gồm một môtơ xe máy, một ăcquy và dây điện, đèn chiếu sáng. Một thanh sắt dài được thiết kế nối trục bánh trước với vôlăng nhằm điều chỉnh phương hướng khi xe chạy.

Đó là sản phẩm của một học sinh lớp 8 - em Lê Thiên Ân (Trường THCS Vinh Thanh, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế).

“Mình thấy nhiều người khuyết tật phải dùng tay đẩy xe lăn đi bán vé số giữa trời nắng nóng rất vất vả. Nếu những chiếc xe lăn đó được gắn môtơ điện thì họ sẽ đỡ mệt hơn” - Ân chia sẻ.

Vừa nói, Ân vừa “biểu diễn” bật công tắc khởi động, tay trái nắm vôlăng, tay phải gạt cần số tới, chiếc xe tự động lăn bánh về phía trước chỉ sau một cú nhấn nhẹ chân ga.

Để xe chạy lùi, chỉ cần gạt cần số ngược lại. Hệ thống phanh cũng được bạn thiết kế tương tự phanh xe đạp nên rất dễ sử dụng.

Ngoài những bộ phận trên, Ân chế tạo riêng một hệ thống máy cắt cỏ được gắn ở phía đuôi xe. Khi được lắp vào, chiếc máy này có thể chuyển động lên xuống tùy vào độ cao của ngọn cỏ thông qua một nút điều khiển đặt ở cạnh cần số.

Chiếc xe có vẻ đơn giản nhưng đã “ngốn” hết mấy tháng trời của cậu học sinh lớp 8. Sau giờ lên lớp, khoảng thời gian còn lại Ân thường dành hết vào việc tìm hiểu, lắp ráp xe.

“Ban đầu tôi có ý cấm Ân vào xưởng gỗ, bởi cháu còn nhỏ mà lại tiếp xúc với các thiết bị nguy hiểm như cưa, máy bắn đinh... Thế nhưng cháu đam mê chế tạo xe quá nên tôi đã bằng lòng cho cháu vào xưởng, với điều kiện phải tuân thủ các quy định an toàn” - ông Lê Thanh Châu (37 tuổi, cha của Ân) nói.

Sau nhiều lần thử nghiệm và điều chỉnh, hiện chiếc xe điện đa năng của Ân có thể đạt vận tốc 20km/h và có tải trọng hơn 60kg. Toàn bộ chi phí chế tạo xe chỉ khoảng 2 triệu đồng.

“Nhược điểm của chiếc xe là không có bộ phận giảm xóc, phần mái che và thời gian hoạt động của nguồn điện ăcquy còn khá ngắn. Mình đang khắc phục các nhược điểm trên trong chiếc xe thứ 2 đang chế tạo” - Ân nói.

Thầy Võ Văn Cầm, hiệu phó Trường THCS Vinh Thanh, cho biết Ân là một học sinh khá giỏi và thường có nhiều sáng chế hữu ích.

Thầy cho rằng ưu điểm của chiếc xe điện này nằm ở giá thành rẻ và thân thiện với môi trường, phù hợp với người khuyết tật.

Sáng chế của Ân vừa đoạt giải khuyến khích cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Thừa Thiên - Huế năm 2017.

NHẬT LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp