22/09/2016 10:40 GMT+7

Trở lại “tử huyệt” Don Sahong

TIẾN TRÌNH (từ Champasak - Lào)
TIẾN TRÌNH (từ Champasak - Lào)

TTO - Phóng viên Tuổi Trẻ đã quay lại vùng rừng hiểm trở  Don Sahong, sau khi tờ KPL News của Lào đưa tin ngày 16-8 vừa qua, Lào đã cho khởi công công trình thủy điện tại đây.

Công trình thủy điện đang được xây dựng tại “hẻm cá” Hou Sahong - Ảnh: Tiến Trình
Công trình thủy điện đang được xây dựng tại “hẻm cá” Hou Sahong - Ảnh: TIẾN TRÌNH

Giữa lúc nghi vấn các đập thủy điện ở thượng nguồn Mekong đang “giam nước”, gây nên tình trạng khánh kiệt ở vùng hạ nguồn, thì Lào lại tiếp tục cho khởi công công trình thủy điện tại Don Sahong, vị trí được coi là tử huyệt của dòng sông này.

Xóa sổ hẻm cá Hou Sahong

Cần nhớ là ngay từ khi dự án mới manh nha đã vấp phải nhiều phản đối của giới khoa học, các tổ chức bảo vệ môi trường, của chính quyền và người dân các nước hạ nguồn sông Mekong. Trái với thủy điện Sayaburi xây ở phía bắc Lào, những chỉ trích nhắm vào công trình thủy điện Don Sahong phía nam Lào đều rơi vào im lặng.

Don Sahong là tên một hòn đảo nằm trên dòng Mekong. Khi con sông này chảy đến cao nguyên Nam Lào (cao nguyên Bolaven), qua vùng Siphandone (thuộc tỉnh Champasak) đã  phủ ngập một khu vực rừng núi, biến những chỗ đất cao nơi đây thành những hòn đảo.

Người Lào nói rằng sông Mekong chảy trên cao nguyên Bolaven của họ đã tạo nên hàng ngàn hòn đảo. Chúng bị chia cách bởi các nhánh sông, khe, hẻm, thác ghềnh… trước khi họp lại chảy về biên giới Campuchia cách đó vài cây số.

Do địa hình phức tạp, chủ yếu là dốc đá, nên đoạn sông này là một thách thức lớn của các loài cá khi tới mùa chúng vượt lên hướng thượng nguồn để sinh sản. Các nhà nghiên cứu cho rằng số lượng lớn các loài cá từ hạ nguồn khó thể “vượt vũ môn” qua các thác cao để về được thượng nguồn thực hiện sứ mệnh duy trì và phát triển nòi giống của chúng.

“Tử huyệt” nằm ở đoạn dòng Mekong bị chia ra nhiều nhánh bởi các đảo Don Sadam, Don Sahong, Don Khon, Don Sanlat  giăng ngang và bị “thắt nút chai” ở hướng thượng nguồn với những dốc đứng. Nhiều loài thủy tộc khi đến đây thì khó lòng vượt qua.

Rất may, giữa một “mê hồn trận” các đảo, dốc đứng và chằng chịt các đường nước chảy xiết ấy, trước đây, có một “hẻm nhỏ bình yên” giúp hàng ngàn loài cá có  thể men theo mà thoát lên thượng nguồn trong chu kỳ sinh sản và tăng trưởng chủa chúng.

Đó là con hẻm nước chỉ dài chưa qua 5km nằm giữa hai đảo Don Sadam và Don Sahong, nối hai nhánh lớn của Mekong, người dân gọi đây là Hou Sahong. Giới khoa học gọi đó là “hẻm cá”. Do địa hình được che chở bởi đảo Don Sahong nên các loài thủy tộc từ hạ nguồn có thể theo đây ra phía tả ngạn, hướng về đảo Don Tao, Don En, Don Som… nơi dòng Mekong trở lại hiền hòa.

Con đập chắn ngang “hẻm cá” Hou Sahong để làm thủy điện đã chặn đứng dòng di cư sinh sản của hàng ngàn loài cá trên dòng Mekong - Ảnh: TIẾN TRÌNH
Con đập chắn ngang “hẻm cá” Hou Sahong để làm thủy điện đã chặn đứng dòng di cư sinh sản của hàng ngàn loài cá trên dòng Mekong - Ảnh: TIẾN TRÌNH

Thế nhưng, rất tiếc, con hẻm nước tối quan trọng ấy giờ đã biến mất. Từ nhiều tháng trước, việc xây hai con đập, nối hai đảo Don Sahong và Don Sadam, bít hai đầu hẻm nước Hou Sahong đã được hoàn thành.

Trong mùa hạn, nước trong con hẻm này đã bị tát trơ đáy. Hàng chục xe cơ giới đã được đưa đến đây để khoét sâu lòng hẻm. Trong dự án thủy điện Don Sahong, đoạn chính tại tả ngạn Mekong sẽ bị chặn lại. Nước từ đây được dẫn qua hẻm Hou Sahong (có độc dốc theo hướng Tây Bắc - Đông Nam) để chạy các turbine phát điện được xây ở đoạn cuối con hẻm.

Việc xóa sổ hẻm cá Hou Sahong, con hẻm mang ý nghĩa sống còn với các loài cá của Mekong, đã gây nhiều lo ngại, đồng nghĩa  với tuyệt đường sinh sản của các loài di ngư - vốn đóng góp lớn cho sản lượng cá của Mekong. Mặt khác, một lượng nước khổng lồ mang theo các vật lơ lửng từ thượng nguồn sẽ bị ách tại đây. Tăng sự hệ thuộc và gây áp lực lên một vùng rộng lớn hạ nguồn.

Con đập chắn ngang “hẻm cá” Hou Sahong để làm thủy điện đã chặn đứng dòng di cư sinh sản của hàng ngàn loài cá trên dòng Mekong - Ảnh: TIẾN TRÌNH
Con đập chắn ngang “hẻm cá” Hou Sahong để làm thủy điện đã chặn đứng dòng di cư sinh sản của hàng ngàn loài cá trên dòng Mekong - Ảnh: TIẾN TRÌNH

 

Bất chấp phản đối

Về quy mô thiết kế, thủy điện Don Sahong được coi là “em út” so với hàng loạt thủy điện đã được xây dựng trên dòng Mekong thuộc địa phận của Trung Quốc và Lào. Con đập thủy điện tại đây chỉ cao 30m, công suất 260MW với vốn đầu tư 500 triệu USD. Tuy nhiên, công trình này đã vấp phải nhiều phản đối của các tổ chức quốc tế và các quốc gia láng giềng.

Mặc dù con đập được thông báo do một công ty xây dựng của Malaysia là MegaFirst đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, trên các bản thông tin về công trình đập thủy điện Don Sahong tại hiện trường cũng không hề xuất hiện cái tên MegaFirst, thay vào đó, cái tên “chủ xị” công trình này là Điện lực Trung Quốc và tập đoàn Sinohydro chịu phần thiết kế, quản lý và xây dựng.   

Ngày 18-9, phóng viên Tuổi Trẻ đã có mặt tại hai bản Don Sahong và Don Sadam, đã tiếp cận các công trình thủy điện đang được gấp rút xây dựng tại đây.

Ông Kham Pau, trưởng bản Don Sadam cho biết hàng trăm hộ dân trong bản của ông đã di dời về sống sâu trong những cánh rừng để nhường chỗ cho thủy điện. “Phạm vi đánh bắt cá đã bị thu hẹp lại. Bây giờ tới mùa cá rồi, nhưng sông cũng không còn cá như những năm trước…”, ông nói.

Chạy dài dọc theo hẻm nước Hou Sahong đã trơ đáy, nhiều hàng quán mọc lên phục vụ cho những công nhân thi công công trình thủy điện, nhưng cũng có rất nhiều căn nhà bỏ hoang bởi người dân phải di dời để nhường đất cho đại công trình này.  

Một nỗi lo của người dân sống gần thủy điện Don Sahong đã chảy dài xuống vùng lân cận Donclar, Osay, Stung Treng, Kraie… của Campuchia khi sông cạn cá, những quy luật của dòng sông từ nhiều đời nay đã và sẽ thay đổi bởi tác động của những công trình thủy điện phía thượng nguồn. Điều này đem lại những khó khăn và xáo trộn không chỉ cho người dân ở vùng hạ nguồn mà cả vùng thượng nguồn Mekong cũng bị ảnh hưởng.

Nỗi lo không chỉ có người dân Lào, Campuchia, mà còn hiện hữu về hạ nguồn Cửu Long, hàng triệu người dân vốn đã cùng chia sẽ ngọt bùi từ sông mẹ Mekong giờ phải hứng chịu tình trạng cạn kiệt nguồn nước và tài nguyên, mà thủy điện bị cho là một trong những nguyên nhân chính.

Tập kết thiết bị xây dựng thủy điện Don Sahong - Ảnh: TIẾN TRÌNH
Tập kết thiết bị xây dựng thủy điện Don Sahong - Ảnh: TIẾN TRÌNH

Trong số những ý kiến phản đối thủy điện Don Sahong, có lẽ Campuchia là nước lên tiếng sớm nhất. Từ cuối năm 2007, Ủy ban Quốc gia Mekong của Campuchia đã gửi thư phản đối đến Chính phủ Lào, tuy nhiên đã không được hồi âm.

Tháng 10-2013, Lào đã có thông báo cho Ủy hội sông Mekong (MRC - gồm 4 nước Việt Nam, Thái Lan, Lào, Campuchia) về việc xây dựng con đập dòng chảy (run of river dam) trên suốt chiều dài của hẻm nước Hou Sahong, cách biên giới Campuchia 2km.

Đến cuối năm 2013, khi có thông tin Lào triển khai dự án thủy điện Don Sahong, đã có 19 tổ chức khoa học, hiệp hội bảo vệ môi trường của thế giới và khu vực gửi thư đến Chính phủ Lào đề nghị ngưng dự án đầy tranh cãi này. Tuy nhiên, cũng không được hồi đáp.

Tháng 6-2015, một hội nghị về thủy điện Don Sahong giữa 4 nước thành viên MRC đã diễn ra, tuy nhiên đã không đi đến kết quả nào. Lào vẫn kiên quyết xây dựng công trình thủy điện này, bất chấp những phản đối.

Tháng 10-2015, Diễn đàn sông Mekong Mở rộng về Nước - Lương thực và Năng lượng diễn ra tại Phnom Penh, các chuyên gia đã bày tỏ lo ngại về thực trạng giảm mạnh nguồn cá, đe dọa đến vấn đề an ninh lương thực trong khu vực do ảnh hưởng bởi các đập thủy điện xây tại Lào…

TIẾN TRÌNH (từ Champasak - Lào)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp