Phóng to |
Trận lũ kinh hoàng này quét qua ba xã vùng cao của huyện Yên Minh đã cướp đi mạng sống của 48 người. Riêng xã Du Tiến, lũ đã cuốn đi 35 sinh mạng, xóa sổ toàn bộ nhà cửa, ruộng nương của bản Lý và biến nơi đây thành bình địa ngổn ngang đất đá. Hơn tám năm sau, bản Lý thật sự hồi sinh, Du Tiến đã có những bước tiến đáng mừng...
Kinh hoàng lũ ống
Hơn 100km đường đèo từ TP Hà Giang đến trung tâm huyện Yên Minh khá đẹp. Cổng trời Quản Bạ, núi Cô Tiên mờ ảo trong làn sương mỏng. Hai bên đường, xen giữa những lô nhô đá xám tai mèo là những thửa ruộng rực rỡ hoa tam giác mạch. Nhưng đoạn đường chỉ hơn 40km từ xã Mậu Duệ vào xã Du Tiến chẳng khác tám năm trước là bao. Con đường vẫn dốc đứng cheo leo, gấp khúc liên tục và lổn nhổn đá hộc khiến chiếc xe hai cầu gầm cao phải ì ạch hơn ba giờ mới vào đến trung tâm xã. Dù sao cũng nhanh hơn tám năm trước bởi khi đó để đến với người dân tâm lũ bản Lý, khi vượt đoạn đường này nhóm phóng viên Tuổi Trẻ phải mất đúng một ngày mới vào đến nơi, trong đó có nửa ngày bì bõm lội bộ trong bùn đá từ xã Lũng Hồ vượt suối, cắt rừng để có mặt ở bản Lý - bản bị thiệt hại nặng nề nhất sau trận lũ ống kinh hoàng rạng sáng 19-7-2004.
Ngày 20-7-2004, báo Tuổi Trẻ mới nhận được thông tin ban đầu về trận lũ ống tràn về xóa sổ bản Lý một ngày trước đó. Ban biên tập đã cử đoàn phóng viên cấp tốc vượt 500km từ Hà Nội, đem theo 40 triệu đồng cứu trợ thân nhân những người bị nạn với mức 1 triệu đồng/người chết, mất tích, 500.000 đồng/người bị thương... Qua báo cáo của chính quyền địa phương, trận lũ không chỉ gây thiệt hại ở xã Du Tiến, mà dọc đường lũ quét qua cả xã Du Già và xã Ngọc Long làm số người chết, mất tích trong lũ tăng lên 48 người và 19 người bị thương. |
Trước sự bình yên này, chúng tôi vẫn không thể quên những hình ảnh đớn đau, kinh hoàng về những gì trận lũ ống để lại sau đêm 19-7 hơn tám năm về trước. Đó là hình ảnh vật vã, ngác ngơ, đau đớn của những người sống sót, những người bị thương nằm điều trị tại trạm y tế xã, tá túc bên trong trụ sở UBND xã. Là bình địa ngổn ngang đất đá, đồ dùng gia đình, quần áo, giày dép, sách vở hai bên bờ suối. Là những tiếng khóc than ai oán của thân nhân những người xấu số...
Ông Nguyễn Văn Quang, phó chủ tịch UBND xã Du Tiến, bồi hồi: “Khi đó tôi là cán bộ văn phòng UBND xã, nên mọi thứ giờ vẫn nhớ như in. Tám năm rồi nhưng vẫn chưa thể quên trận mưa lũ ầm ầm, thình lình kéo về lúc nửa đêm về sáng. Cả triệu khối nước cuồn cuộn từ trên núi cao đổ xuống dòng suối và kéo theo biết bao đất đá, cây cối. Lũ quét đến đâu là san phẳng ở đó. Mạng người bé nhỏ trong đêm tối cũng bị dòng lũ này cuốn đi. Chỉ sau một đêm, cả xã một lúc mất đi 35 con người. Đau buồn hơn, toàn bộ 18 nhà dân ở bản Lý bị lũ xóa sổ, 23 mạng người trong bảy gia đình mãi mãi ra đi...
Ông Cừ Mí Dương, bí thư chi bộ bản Lý (nguyên chủ tịch UBND xã Du Tiến năm 2004), kể: “Tính đến trước trận lũ năm 2004, Du Tiến chưa bao giờ bị lũ, vì thế người dân chúng tôi cũng không có ý thức đề phòng gì. Người dân cứ dựng nhà dọc hai bên bờ suối để sinh sống. Dòng suối này cho nước ăn, nước tưới, cho cá cho tôm, nhưng cũng dòng suối này chỉ sau một đêm cướp đi tất cả”.
Du Tiến tiến lên
Hơn tám năm rồi, bản Lý đã dần hồi sinh, được chọn là điểm xây dựng nông thôn mới... nhưng những gì ngày ấy giờ như vẫn hiện về trong tâm trí ông Dương và mỗi người dân bản Lý. Bản cũ sau lũ quét vẫn còn đấy, dòng suối Lý vẫn chảy mỗi ngày nhưng chẳng ai bén mảng đến khu đất bằng phẳng nhưng đầy đau thương ấy. Người Tày, người Mông tìm đến gần con suối sống quần tụ với nhau, bao đời không biết lũ quét là gì. Giờ con suối còn đó mà họ không dám dựng nhà sống gần nó nữa. Trong lòng con suối này vẫn còn 16 người con của bản Lý nằm đâu đó (sau lũ chỉ tìm được thi thể 19 người, còn 16 người vẫn bị cho là mất tích).
Đau thương là thế nhưng người dân bản Lý không đơn độc. Sau lũ, 18 hộ dân nhanh chóng được di chuyển lên nơi ở mới cao hơn, an toàn hơn. Các hộ đều được hỗ trợ 10 triệu đồng tiền mặt dựng lại nhà nơi bản mới, và không lâu sau đó tất cả hộ dân đều có chỗ ở ổn định. Năm 2005, tỉnh, huyện đã làm một con đường trải bêtông phẳng lì để ôtô có thể chạy từ Du Già vào trung tâm bản Lý. Rồi chính quyền từ tỉnh, huyện đến người dân cả nước đã hỗ trợ bà con lương thực để ăn, kinh phí để phục hồi đất sản xuất, khai khẩn thêm nhiều diện tích trồng ngô, lúa...
Chủ tịch UBND xã Nguyễn Trường Nguyên đưa chúng tôi đi một vòng quanh bản, anh hào hứng: “Cuộc sống của bà con bản Lý dù vẫn còn nghèo nhưng không khó khăn như trước nữa. Nhờ khai khẩn ruộng nương, khắc phục diện tích thiệt hại do thiên tai nên giờ bản đã có 13ha diện tích đất trồng lúa một vụ, 15ha đất trồng ngô. Bà con đã biết trồng giống lúa, ngô mới. Ngoài ra bà con còn trồng đậu tương, khoai tây, do đó các hộ dân đều có đủ lương thực ăn trong năm”.
Trưởng bản Nguyễn Văn Phát vui vẻ cho biết cả bản giờ không còn hộ sống ở nhà tạm. Bản toàn người Tày, Mông nhưng đến lúc này đã có 27/35 hộ (77%) đạt danh hiệu gia đình văn hóa, trong bản không còn xảy ra tình trạng tảo hôn như trước. Chuồng trại chăn nuôi cũng được đưa ra xa hơn. Dù bản vẫn còn 7/35 hộ nghèo, nhưng 100% trẻ em trong bản đều được đến trường đúng độ tuổi.
Chia tay bản Lý, anh Nguyễn Trường Nguyên siết chặt bàn tay bày tỏ quyết tâm: “Bản Lý sẽ quyết tâm, đồng lòng tiến lên xây dựng nông thôn mới. Mai mốt nhắc đến bản Lý là như nhắc đến một điểm sáng về nông thôn mới, chứ không hẳn là nhớ về trận lũ lịch sử đã xóa sổ bản và cướp đi mấy chục mạng người...”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận